Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Phố Wall hồi phục, vàng hết điểm tựa

(ĐTCK) Giới đầu tư toàn cầu đã trấn tĩnh trở lại sau động thái xoa dịu của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, giúp chứng khoán không còn biến động mạnh trong phiên cuối tuần, trong khi vàng hết điểm tựa nên có phiên giảm thứ 2 liên tiếp.

Trong phiên giao dịch cuối tuần, phố Wall đã hồi phục trở lại khi các thông tin từ Trung Quốc đã được hấp thụ hết, trong khi kết quả kinh doanh quý II của một số doanh nghiệp vừa công bố rất khả qua.

Ngoài ra, việc giá dầu thô hồi phục trở lại từ mức thấp nhất 6 năm rưỡi cũng giúp nhóm cổ phiếu năng lượng hồi phục, hỗ trợ cho phố Wall trong phiên cuối tuần.

Hiện tại, giới đầu tư tạm thời bỏ qua tình hình Trung Quốc để tập trung sự chú ý trở lại vào Fed với cuộc họp tháng tới của cơ quan hoạch định chính sách này. Vấn đề được quan tâm vẫn là liệu Fed có quyết định tăng lãi suất hay không?

Kết thúc phiên 14/8, chỉ số Dow Jones tăng 69,15 điểm (+0,4%), lên 17.477,4 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 8,15 điểm (+0,39%), lên 2.091,54 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 14,68 điểm (+0,29%), lên 5.048,24 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 0,6%, chỉ số S&P 500 tăng 0,67% và chỉ số Nasdaq tăng 0,09%.

Chứng khoán châu Âu giảm trở lại trong phiên cuối tuần và có tuần giảm mạnh do ảnh hưởng từ động thái phá giá đồng nhân dân tệ liên tiếp của Trung Quốc. Ngoài ra, dữ liệu kinh tế của khu vực yếu kém cũng ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường.

Theo đó, tăng trưởng kinh tế trong khu vực đồng euro giảm trong quý II, với việc kinh tế Pháp trì trệ, trong khi kinh tế Ý bị mất đà do ảnh hưởng từ triển vọng kinh tế toàn cầu không chắc chắn. Ngay cả đầu tàu của khu vực là kinh tế Đức cũng bị suy yếu.

Kết thúc phiên 14/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 17,59 điểm (-0,27%), xuống 6.550,74 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 29,49 điểm (-0,27%), xuống 10.985,14 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 30,38 điểm (-0,61%), xuống 4.956,47 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 2,5%, chỉ số DAX giảm 4,4% và chỉ số CAC 40 giảm 3,84%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm trở lại trước áp lực chốt lời và giá dầu thô giảm mạnh, ảnh hưởng tới nhóm cổ phiếu năng lượng.

Chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc chỉ biến động nhẹ trong phiên cuối tuần, nhưng trái chiều nhau khi giới đầu tư đã trấn tĩnh trở lại sau động thái xoa dịu của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.

Kết thúc phiên 14/8, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 76,10 điểm (-0,37%), xuống 20.519,45 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông gỉam 27,77 điểm (-0,12%), xuống 23.991,03 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 10,78 điểm (+0,27%), lên 3.965,33 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,99%, chỉ số Hang Seng giảm 2,29%, trong khi chỉ số Shanghai Composite tiếp tục tăng 5,91%. Như vậy, trong 2 tuần, chỉ số này đã hồi phục 8,11% sau khi để mất tới 10,0% trong tuần trước đó nữa.

Trên thị trường vàng, đúng như dự báo của các chuyên gia cuối tuần trước, giá vàng đã bật tăng trở lại, kết thúc  chuỗi giảm liên tiếp kể từ giữa tháng 6 nhờ điểm tựa bất ngờ từ Trung Quốc. Đặc biệt, giá vàng tăng vọt trong 2 phiên 11 và 12/8 khi Trung Quốc liên tiếp phá giá đồng nhân dân tệ, trong phiên 13/8, dù Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ ngày thứ 3 liên tiếp, nhưng giá vàng bắt đầu hạ nhiệt sau phát biểu trấn an của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và đến 2 phiên cuối tuần, vàng quay đầu giảm giá khi Trung Quốc tăng giá đồng nhân tệ trong ngày thứ Năm.

Ngoài ra, sau khi kỳ vọng Fed tăng lãi suất giảm trong ngày 12/8 trước động thái của Trung Quốc, thì khả năng này đã tăng trở lại trong ngày thứ Năm khi dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan, cũng khiến vàng giảm trở lại.

Kết thúc phiên 14/8, giá vàng giao ngay giảm 1 USD (-0,09%), xuống 1.113,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 2,4 USD (-0,22%), xuống 1.113,2 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 1,82%, giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 1,75%, kết thúc chuỗi tuần giảm liên tiếp.

Kết quả khảo sát của Kitco News Wall Street và Main Street Weekly Gold Survey cho thấy, các nhà đầu tư và giới phân tích đã có cái nhìn tích cực hơn về giá vàng trong tuần tới, sau 4 tuần có quan điểm bi quan liên tiếp.

Cụ thể, trong số 316 người tham gia vào khảo sát online của Kitco, có 181 người, chiếm 57% cho rằng vàng sẽ tăng trong tuần tới; 88 người, chiếm 28% nhận định vàng sẽ giảm trở lại và 47 người, chiếm 15% giữ quan điểm trung lập.

Trong khi đó, trong cuộc khảo sát chuyên gia, có 14 chuyên gia trả lời khảo sát tuần này, trong đó có 7 người, chiếm 50% kỳ vọng vàng sẽ tăng trong tuần tới; 5 người, chiếm 36% cho rằng giá vàng sẽ giảm trở lại và 2 người, chiếm 14% giữ quan điểm trung lập.

Trên thị trường nhiên liệu, giá dầu thô đã phục hồi nhẹ trở lại sau khi giảm xuống mức thấp nhất 6 năm rưỡi. Tuy nhiên, mức phục hồi rất nhẹ do nhà đầu tư vẫn lo lắng về sức cầu yếu, trong khi nguồn cung lại không hề giảm.

Kết thúc phiên 14/8, giá dầu thô Mỹ tăng nhẹ 0,27 USD/thùng (+0,64%), lên 42,50 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,19 USD (-0,39%), xuống 49,03 USD/thùng. Trong tuần, giá dầu thô Mỹ giảm 3,12%, trong khi giá dầu thô Brent tăng 0,86%.

Tin bài liên quan