Viện quản lý nguồn cung Mỹ (IS) cho biết, chỉ số hoạt động sản xuất trong nước trong tháng 4 là 51,5, phù hợp với con số sơ bộ đưa ra trong tháng 3, nhưng là mức thấp nhất kể từ tháng 5/2013.
Chỉ số này đã giảm kể từ tháng 11/2014 và các nhà kinh tế dự đoán, nó sẽ tăng lên 52 trong tháng 4, nhưng chỉ ở mức 51,5, dù vậy, mức trên 50 cho thấy vẫn có sự mở rộng trong sản xuất.
Các dữ liệu khác vào thứ Sáu cho thấy, chi tiêu xây dựng trong tháng 3 đạt mức thấp 6 tháng, cũng chỉ ra rằng tốc độ tăng trưởng dự kiến trong quý II có thể thất vọng. Điều đó làm tăng khả năng Fed có thể trì hoãn việc tăng lãi suất tới cuối năm.
Tuy nhiên, trong phiên cuối tuần, chứng khoán Mỹ đã có sự phục hồi mạnh mẽ sau 2 phiên giảm mạnh trước đó. Niềm tin người tiêu dùng trong tháng 4 tăng nhẹ, cùng doanh số bán xe tăng mạnh hơn dự kiến, cũng như đồng USD hồi phục từ mức thấp nhất 9 tuần cho thấy, kinh tế Mỹ đang dần ổn định.
Kết thúc phiên 1/5, chỉ số Dow Jones tăng 183,54 điểm (+1,03%), lên 18.024,06 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 22,78 điểm (+1,09%), lên 2.108,29 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 63,97 điểm (+1,29%), lên 5.005,39 điểm.
Trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 0,31%, chỉ số S&P 500 giảm 0,44%, chỉ số Nasdaq giảm 1,7%.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, chỉ có chứng khoán Anh mở cửa, các thị trường khác đều đóng cửa nghỉ ngày lễ lao động. Trong phiên cuối tuần, chứng khoán Anh cũng hồi phục nhẹ trở lại sau khi chịu tác động từ làn sóng bán tháo cổ phiếu công nghệ, xuất phát từ kết quả kinh doanh thất vọng của Nokia trong phiên thứ Năm. Phiên tăng cuối tuần chỉ đủ giúp chứng khoán Anh giảm bớt số điểm mất trong tuần, chứ không tranh cho thị trường này thoát khỏi tuần giảm điểm như phố Wall hay các thị trường khác trong khu vực.
Kết thúc phiên 1/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 25,32 điểm (+0,36%), lên 6.985,95 điểm. Chứng khoán Đức và Pháp nghỉ lễ lao động.
Trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 1,2%, chỉ số DAX giảm tới 3,02% và chỉ số CAC 40 cũng giảm 2,98%.
Tương tự chứng khoán châu Âu, chứng khoán châu Á trong phiên cuối tuần cũng chỉ có chứng khoán Nhật Bản mở cửa và chỉ số Nikkei 225 cũng hồi nhẹ trở lại sau phiên lao dốc hôm thứ Năm. Nhà đầu tư thận trọng trong mùa công bố kết quả kinh doanh khiến chứng khoán Nhật Bản không thể có mức phục hồi tốt hơn. Điều này là dễ hiểu khi Honda đã công bố kết quả kinh doanh hôm thứ Năm gây thất vọng.
Kết thúc phiên 1/5, chỉ số Nikke 225 tại Nhật Bản tăng 11,62 điểm (+0,06%), lên 19.531,63 điểm. Chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục nghỉ giao dịch ngày lễ lao động.
Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 2,44%, chỉ số Hang Seng giảm 0,26% và Shanghai Composite giảm 3,52%.
Trên thị trường vàng, trong phiên cuối tuần, chỉ số đồng USD, đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ 6 loại tiền tệ lớn, đóng cửa tăng 0,62%, lên 95,189 sau khi chạm mức thấp 9 tuần 94,399 vào thứ Năm.
Việc đồng USD tăng trở lại khiến vàng lại có phiên giảm giá tiếp theo tuy không mạnh như phiên thứ Năm, nhưng cũng xuống dưới ngưỡng 1.180 USD/ounce.
Kết thúc phiên 1/5, giá vàng giao ngay giảm 6,1 USD (-0,52%), xuống 1.177,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 5 USD/ounce (-0,42%), xuống 1.177,4 USD/ounce.
Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 0,21%, trong khi giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng nhẹ 0,2%.
Trong tuần tới, nhiều khả năng vàng sẽ có tuần biến động mạnh khi báo cáo việc làm tháng 4 sẽ được công bố vào thứ Sáu (8/5).
Trong cuộc khảo sát tuần này của Kitco, trong 351 người tham gia bình chọn, có 170 người, tương đương 48% mong đợi giá vàng tăng trong tuần tới, 117 người, tương đương 33% mong đợi giá sẽ giảm và 64, tương đương 18% giữ quan điểm trung lập hoặc cho rằng vàng sẽ đi ngang.
Trong khi đó, trong số 33 chuyên gia thị trường được hỏi tuần này, có 19 trả lời, trong đó có 9 người, tương đương 47% cho rằng giá vàng tuần tới sẽ giảm, 6 chuyên gia, tương đương 32% cho rằng giá sẽ tăng và 4 người, tương đương 21% giữ quan điểm trung lập trên thị trường vàng.
Trên thị trường dầu thô, giá dầu thô điều chỉnh giảm nhẹ trở lại trong phiên cuối tuần sau khi chạm mức cao nhất năm. Giá dầu thô giảm trở lại sau khi có thông tin từ Iraq cho biết, xuất khẩu dầu thô của nước này đạt mức kỷ lục trong tháng 4, làm cho lượng cung từ Trung Đông vượt qua cầu.
Kết thúc phiên 1/5, giá dầu thô Mỹ giảm 0,48 USD/thùng (-0,81%), xuống 59,15 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,32 USD (-0,48%), xuống 66,46 USD/thùng.
Trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 3,19%, giá dầu thô Brent tăng 2,10%.