Các chiến lược gia tại các ngân hàng Phố Wall đã đưa ra những dẫn chứng bao gồm: sự đứt gãy trong mối liên hệ truyền thống giữa cổ phiếu, trái phiếu và hàng hóa, cũng như việc nhà đầu tư phớt lờ các giá trị cơ bản và số liệu. Điều này đồng nghĩa với việc cổ phiếu và thị trường tín dụng đứng trước nguy cơ lao dốc mạnh.
“Diễn biến của thị trường chứng khoán ngày càng ít tương quan với thị trường ngoại tệ. Trong khi đó, thị trường trao đổi ngoại tệ cũng giao dịch theo hướng bất thường so với tỷ giá. Và mọi thứ dường như ngày càng ít nhạy cảm với giá dầu”, Andrew Sheets, chiến lược gia trưởng bán chéo tài sản tại Morgan Stanley cho biết.
Mô hình của Morgan Stanley cho thấy, các loại tài sản trên thế giới đang ít có liên hệ với nhau nhất trong gần 1 thập kỷ qua.
Chỉ số đo lường mối tương quan giữa các tài sản trên toàn cầu của Morgan Stanley đang ở mức thấp nhất gần 10 năm qua
Diễn biến này tương tự với những gì từng xảy ra năm 2007 khi khủng hoảng tài chính bắt đầu: nhà đầu tư định giá tài sản dựa trên những đánh giá cá nhân mang tính riêng lẻ tại thị trường chứng khoán và hàng hóa, không để tâm tới các yếu tố nền tảng cơ bản, những thông tin quan trọng được công bố như số liệu sản xuất, mô hình dữ liệu.
Khi nhà đầu tư cố bám víu vào một số lý do để kỳ vọng giá lên, mối quan hệ truyền thống giữa các thị trường tài chính có xu hướng phân tách.
“Tình trạng này xác nhận nhận định rằng, chúng ta đang ở giai đoạn cuối của chu kỳ tăng trưởng và không có gì ngạc nhiên khi chúng ta đã gặp những điều tương tự ở giai đoạn 2005 - 2007”, Sheets cho biết.
Theo Savita Subramanian, Giám đốc đầu tư chứng khoán tại Bank of America Merrill Lynch, một tín hiệu khác cho thấy thị trường chuẩn bị đi xuống là nhà đầu tư không còn chú ý nhiều tới mức lợi nhuận. Cụ thể, theo nghiên cứu của nhà băng này, lần đầu tiên kể từ giữa những năm 2000, các công ty được chuyên gia dự báo lợi nhuận và doanh thu tích cực tại 11 lĩnh vực không nhận được sự quan tâm xứng đáng từ nhà đầu tư.
“Sự thiếu tương tác này có thể là một tín hiệu khác của chu kỳ đi xuống, nó cho thấy kỳ vọng, đôi khi quá chủ quan, đã lớn hơn so với việc phản ứng trước kết quả, chỉ dẫn thực tế”, Subramanian nói.
Trong khi đó, sau khi kết luận thị trường tín dụng đang tăng trưởng quá nóng, Giám đốc nghiên cứu thu nhập cố định HSBC Steven Major cảnh báo các khách hàng của mình nên giảm nắm giữ đối với các trái phiếu doanh nghiệp châu Âu vào đầu tháng 8. Nguyên nhân là mức lợi suất không đủ bù chi phí đầu tư của nhà đầu tư, rủi ro thanh khoản và tính chất bất ổn tăng lên.
Chưa kể, các chiến lược gia tại Citigroup cho rằng, thị trường đã bắt đầu bước vào giai đoạn đầu của chu kỳ lao dốc và sẽ có diễn tiến nhanh hơn trong vài tháng tới khi các ngân hàng trung ương giảm dần các gói nới lỏng định lượng, lợi suất từ cổ phiếu của các công ty không như kỳ vọng của nhà đầu tư. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán nhiều khả năng vẫn đi lên trong thời gian tới nhờ vào các chương trình mua lại cổ phiếu của doanh nghiệp.