Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh.

Phó thủ tướng: "Không vì lạm phát mà hy sinh tăng trưởng"

Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là mục tiêu ưu tiên, song phải tăng trưởng hợp lý để đảm bảo việc làm, an sinh xã hội và ổn định chính trị.

Vị cựu Bộ trưởng Tài chính trao đổi với báo chí sáng nay bên hành lang Quốc hội, ngay sau khi người kế nhiệm Vương Đình Huệ lên tiếng "trấn an" Quốc hội về tình hình nợ công, bội chi ngân sách.

 

- Chính phủ đề ra chỉ tiêu lạm phát cho năm sau dưới 10% liệu có quá lạc quan không khi mà cuối năm nay có thể chạm mốc 20%?

 

- Trong những năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm tới, chúng ta phải ưu tiên ổn định kinh tế để đạt được tăng trưởng cao và bền vững cho giai đoạn sau. Chính phủ xác định tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt 5 năm tới phải như thế. Bởi nếu chúng ta không ổn định được kinh tế vĩ mô thì tăng trưởng cũng vô nghĩa.

 

Chỉ tiêu tăng trưởng chúng ta chưa đưa lên cao, chỉ 6-6,5% thôi để tập trung kiềm chế lạm phát. Lạm phát tháng 10 chỉ tăng 0,38% và có xu hướng tiếp tục giảm trong năm sau. Vì vậy, với quyết tâm điều hành của Chính phủ, việc lựa chọn các cân đối vĩ mô và xu thế giá cả trong nước, thế giới, thì sang năm lạm phát dưới 10% là khả thi chứ không phải quá phiêu lưu.

 

- Nhưng các mặt hàng thiết yếu của chúng ta như điện, xăng dầu sẽ phải tích cực thả giá theo thị trường trong năm tới, khiến mục tiêu kiềm chế lạm phát khó khăn hơn?

 

- Đương nhiên chỉ tiêu lạm phát đã được tính toán tới việc điều hành giá các mặt hàng thiết yếu theo cơ chế thị trường. Nhưng thực tế mặt hàng xăng dầu của chúng ta hiện nay đã cơ bản theo cơ chế thị trường. Thuế nhập khẩu xăng dầu Nhà nước vẫn chưa thu để hỗ trợ doanh nghiệp, đến lúc nào đó có điều kiện chúng ta sẽ phải tái áp thuế, nhưng xin khẳng định lại là xăng dầu nằm trong phạm vi chủ động của Chính phủ.

 

Riêng mặt hàng điện, chúng ta cần có lộ trình chứ không thể đưa ngay một lúc theo thị trường hoàn toàn được.

 

- Ưu tiên kiềm chế lạm phát nhưng Chính phủ sẽ cân đối ra sao khi doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn bởi chính sách tài khóa, tiền tệ sẽ phải tiếp tục thắt chặt?

 

- Bài toán này phải giải quyết hài hòa, giữa lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng. Chính phủ không hoàn toàn nói là hy sinh tăng trưởng. Nếu hy sinh tăng trưởng, để GDP chỉ tăng 3-4% thì liệu vấn đề gì sẽ xảy ra? Vì vậy, vẫn phải giải quyết tăng trưởng một cách hợp lý. Tăng trưởng hợp lý sẽ giữ ổn định vĩ mô, giải quyết công ăn việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và thậm chí cả ổn định chính trị.

 

Muốn vậy, các giải pháp của chúng ta phải tổng thể và đồng bộ. Chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa phải tiếp tục điều hành chặt chẽ và thắt chặt. Chúng ta đã thống nhất kiểm soát tiền tệ, tăng trưởng xuất nhập khẩu, kiểm soát tổng cầu tổng cung sao cho cân đối... Tất cả các giải pháp đồng bộ đó sẽ hỗ trợ cho nhau để giải quyết bài toán kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

 

- Đầu tư đang chiếm hơn 30% trong GDP, vì thế nếu tăng trưởng chậm lại có thể khiến tỷ lệ nợ công trên GDP gia tăng. Chính phủ có lường trước điều này?

 

Phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội sáng 28/10, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết tỷ lệ nợ công tính đến 31/12/2011 của toàn nền kinh tế sẽ ở mức 54,6% GDP. Đến hết năm 2012, con số này dự kiến đạt 58,4% GDP. Tuy nhiên, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cũng lưu ý, những thống kê này được tính toán trên cơ sở giả định tăng trưởng của Việt Nam là 6% trong năm tới. Nếu nền kinh tế đạt được mức tăng cao hơn (khoảng 6,5%), tỷ lệ sẽ thấp xuống.

 

Theo Bộ trưởng Huệ, phần lớn nợ của Việt Nam là các khoản viện trợ phát triển và vay ưu đãi, nên thời gian trả nợ dài và chỉ chịu lãi suất rất thấp. Cụ thể, 75% nợ của Việt Nam là viện trợ phát triển chính thức (ODA), 19% là các khoản vay ưu đãi khác. Các khoản vay này thường có thời hạn hàng chục năm với lãi suất thông thường dao động trong khoảng 0,75-2% một năm, chỉ có 7% là vay thương mại.

 

- Trong bối cảnh tăng trưởng GDP của chúng ta còn phụ thuộc nhiều vào đầu tư, nên dĩ nhiên nếu tốc độ tăng trưởng chậm lại có thể khiến tỷ lệ nợ công của chúng ta tăng cao. Nhưng chỉ tiêu nợ công Chính phủ đưa ra dựa trên những dự báo kém lạc quan nhất, tức là GDP chỉ tăng trưởng 6%, để chúng ta quyết liệt trong điều hành. Tuy nhiên khả năng chúng ta có thể tăng trưởng tốt hơn, GDP mở rộng hơn thì nợ công chắc chắn sẽ giảm xuống.

 

- Ngoài hy vọng GDP tăng trưởng cao hơn, Chính phủ có chủ trương gì trong việc kiểm soát nợ công đang gia tăng hiện nay?

 

- Từng chỉ tiêu kinh tế đều đi theo kịch bản và bài toán nhất định. Chỉ tiêu nợ công Chính phủ vẫn đang chờ Quốc hội phê duyệt, với mục đích là phải vay thêm để mà làm ăn nếu điều kiện cho phép. Nợ công an toàn hay không không chỉ nằm ở chỉ tiêu cao hay thấp. Rất nhiều quốc gia vay thấp nhưng không trả được nợ. Còn chúng ta vay mà làm ăn tốt, trả được nợ thì có vay hay không? Đó là vấn đề cần quan tâm.

 

Hạ nợ công xuống không khó. Nhiều lần phát biểu trước Quốc hội tôi đã nói rõ, chúng ta đứng trước 2 lựa chọn, có cơ hội phát triển thì phải vay để làm ăn, rồi trả được nợ; hoặc không vay gì cả, không làm ăn gì hết, thì phải chấp nhận không có tiền phát triển.

 

Chúng ta là phải tính các khoản sắp tới sẽ vay, các dự án sẽ làm để làm sao sử dụng vốn vay cho hiệu quả, đó là điều quan trọng nhất. Sắp tới xu hướng vay nợ sẽ ít ưu đãi hơn vì chúng ta đã ra khỏi nước chậm phát triển. Lúc đó không thể coi thường việc vay nợ được, cần tính toán cẩn thận, phải chuyển cả chiến lược sử dụng vốn vay nữa. Như trước đây tất cả cầu đường, hệ thống lớn chúng ta phải dùng ngân sách để đầu tư, hoặc đi vay ODA rồi dùng ngân sách trả nợ. Nếu tới đây họ ít cho vay ưu đãi hơn thì dự án muốn triển khai thì bản thân nó phải thu hồi được vốn.

 

- Phó thủ tướng có thực sự yên tâm về hiệu quả các dự án sử dụng vốn đầu tư công, khi mà suất đầu tư các dự án của chúng ta quá cao, một km đường cao tốc đắt gấp đôi Mỹ?

 

- Các dự án sử dụng vốn đầu tư công hiện nay vẫn trong tầm kiểm soát được. Tất nhiên chúng ta cần có nhiều chỉ tiêu giám sát cho việc sử dụng nợ công, từng dự án cũng có chỉ tiêu giám sát cụ thể.

 

Nhưng việc so sánh suất đầu tư cần căn cứ vào thực tế. Nói một km đường cao tốc Việt Nam đắt gấp đôi Mỹ có thể chính xác một phần nhưng chưa đầy đủ. Đầu tư cùng một dự án như nhau nhưng ở địa điểm khác nhau chi phí đã khác nhau rồi. Đường ở ĐBSCL trước khi làm phải đi mua đất về đổ để làm nền vì nền đường quá xấu. Chi phí đầu tư đường ở ĐBSCL vì thế sẽ cao hơn ở miền núi hay miền Đông.