Đó là chia sẻ của ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam bên lề Hội nghị triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức sáng nay (8/3) tại Pleiku, Gia Lai.
Ông đánh giá như thế nào về thực trạng tín dụng đen hiện nay?
Phải nói tín dụng đen vẫn là một vấn đề hết sức nan giải và phức tạp. Bộ Công an và chính quyền các cấp vẫn đang tích cực xử lý. Trong tháng 2 vừa qua, chúng tôi cũng cử các đoàn đi khảo sát để nghiên cứu đánh giá ở 7 địa phương có thể xem là có tín dụng đen nhiều nhất. Chúng ta phải nhìn nhận trong tín dụng không chính thức có một bộ phận tín dụng đen.
Tín dụng đen ở đây thông thường gắn với hành vi của xã hội đen khi thu nợ với lãi suất cắt cổ. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều tín dụng không chính thức. Nó là quan hệ dân sự giữa người vay và cho vay. Nếu trong lãi suất và khuôn khổ pháp lý cho phép thì những hoạt động tín dụng cũng là nhu cầu khách quan cần thiết của nền kinh tế.
NHNN nhận diện đây cũng là trách nhiệm của ngành ngân hàng. Đó là giải quyết nhu cầu tín dụng chính đáng khách quan của người dân nhưng không tiếp cận được tín dụng chính thức mà buộc người ta phải tiếp cận với tín dụng đen hay đúng hơn là tín dụng đen len lỏi vào tiếp cận với người dân.
Do đó, nhiệm vụ cơ bản, quan trọng lúc này của ngành ngân hàng là làm thế nào để người dân có những nhu cầu tín dụng chính đáng, đặc biệt phục vụ cho những nhu cầu thiết yếu có tính chất bức thiết, đột xuất trong sinh hoạt như là khám chữa bệnh, cưới hỏi, ma chay…, có thể tiếp cận tín dụng chính thức. Như vậy, tín dụng đen không có cơ hội tiếp cận với người dân.
Đối với những giải pháp được NHNN đề ra trong việc hạn chế tín dụng đen liên quan đến hệ thống ngân hàng, ông có thể cho biết, hiện Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện đến đâu?
Nhiều năm qua, ngân hàng có nhiều chủ trương tăng cường tín dụng, không chỉ tín dụng cho vay phát tiển kinh tế xã hội mà còn tín dụng tập trung tiêu dùng. Các NHTM, các tổ chức tài chính vi mô…, triển khai rộng khắp, nhất là những nơi khó khăn, đồng bào dân tộc dễ xâm nhập tín dụng đen.
Mấy năm qua, tốc độ tăng trưởng tín dụng nói chung bình quân là 16,4%, nhưng riêng tốc độ tín dụng cho vay tiêu dùng tăng 41,2%. Và năm 2018, một số địa phương có tốc độ tín dụng tiêu dùng tăng rất nhanh, điển hình là TP. HCM, Thái Bình, Lâm Đồng tăng trên 50% so với cuối năm 2017.
Đây là hướng đi đúng, phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế thị trường, phát triển kinh tế tư nhân và tập trung giải quyết không chỉ phục vụ phát triển sản xuất mà cả tiêu dùng cho người dân. Điều này cũng góp phần hạn chế hiệu quả tín dụng đen trong thời gian qua.
Thời gian tới, các giải pháp tiếp theo sẽ là gì thưa ông?
Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế pháp lý để tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại mạnh dạn hơn trong cho vay. Cần có hành lang pháp lý đầy đủ cũng như trình Chính phủ có những chủ trương, chương trình tín dụng hợp lý, tích cực và có những chính sách để giao cho ngân hàng chính sách xã hội thực hiện chương trình có mục tiêu, đối tượng có điều kiện ưu đãi.
Bên cạnh đó, ngành ngân hàng sẽ mở rộng mạng lưới hơn nữa nhất là tới các vùng sâu, vùng xa để người dân tiếp cận vốn dễ dàng hơn. Cụ thể là đưa những mô hình tín dụng lưu động của các ngân hàng, những sản phẩm thuận lợi để người dân tiếp cận.
Đặc biệt, ngành ngân hàng tập trung cho những nguồn vốn cụ thể để cho đối tượng vay tiêu dùng. Đơn cử như gói 5.000 tỷ đồng của Agribank đang triển khai. Quan trọng nhất là NHNN sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cải tiến các thủ tục để đơn giản nhất, thuận tiện nhất cho người dân tiếp cận vốn dễ dàng nhất.
Như những nhu cầu vốn có tính chất bức thiết, đột xuất trong sinh hoạt như là khám chữa bệnh, cưới hỏi, ma chay, cho con đi học là những nhu cầu hết sức chính đáng. Người ta có nhu cầu tín dụng trong khoảng thời gian rất ngắn và số lượng không nhiều thì có thể giải quyết trong thời gian ngắn nhất. Nếu không làm được những điểm này thì tín dụng đen sẽ luồn lọt, lấn chiếm vào.
Vậy, còn mức lãi suất cho vay sẽ như thế nào, thưa ông?
Lãi suất cho vay là thỏa thuận giữa người vay và người đi vay. Mức lãi suất cho vay phải đảm bảo bù đắp rủi ro và những chi phí tối thiểu của ngân hàng.
Nhưng ngân hàng nhà nước vừa kêu gọi và cũng chỉ đạo các ngân hàng làm sao có mức lãi suất hợp lý để tạo điều kiện cho người vay, nhất là nông dân và lao người lao động có thu nhập thấp vay vốn để chữa bệnh, để đóng tiền học cho con…
Dẫu vậy, mức lãi suất chắc chắn là thấp hơn rất nhiều so với mức mà bà con đang tiếp cận với tín dụng đen. Vì ngành ngân hàng không đặt mục tiêu lợi nhuận ở những khoản vay này mà trọng tâm là đảm bảo an sinh xã hội.
Nhưng có lẽ một mình hệ thống ngân hàng sẽ không thể giải quyết được câu chuyện tín dụng đen…
Lâu nay, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cũng rất quyết liệt triển khai các giải pháp. Song, tới đây cần sự phối hợp tích cực, vào cuộc của các tổ chức đoàn thể, nhất là chính quyền địa phương phường xã.
Cái khó nhất của ngân hàng là cho vay phải thu hồi được nợ, đảm bảo hạn chế rủi ro. Do đó, ngân hàng phải biết người vay là ai, vay có phải đáp ứng nhu cầu chính đáng hay là để đánh bạc, vi phạm pháp luật.
Tôi nghĩ nếu có nhu cầu về vốn, người dân nên chủ động đến ngân hàng để vay. Thực tế không khó khăn đến mức như nhiều người nghĩ là khó khăn khi phải đảm bảo rất nhiều thủ tục. Hiện điều kiện hết sức thuận lợi, nhiều sản phẩm tín dụng đơn giản, phù hợp với các đối tượng vay.
Nhằm cung cấp các thông tin hữu ích tới bạn đọc và người dân, Báo Đầu tư sẽ tổ chức cuộc Tọa đàm về hoạt động cho vay tiêu dùng năm thứ ba với chủ đề “Phát triển Tín dụng tiêu dùng – Giải pháp đẩy lùi tín dụng đen” vào hồi 9h ngày 15/3 (thứ Sáu) tại trụ sở Báo Đầu tư – 47, Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội.
Tham dự Tọa đàm có các chuyên gia kinh tế tài chính hàng đầu hiện nay gồm TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương; Ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước; TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế, LS. Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành BASICO; và nhiều chuyên gia, lãnh đạo các tổ chức tài chính lớn hiện nay.