Phố làng ...

Phố làng ...

(ĐTCK) Hồn cốt làng quê đó chính là cái tình, các cụ bảo tình làng. Làng lên phố cũng tốt, nhưng cái tình mà không giữ được thì nguy

Mười mấy năm trước, mình vừa ra trường, tài sản có mỗi mảnh bằng và cái quyết tâm bám trụ thủ đô. Can gì đâu. Trẻ trai vạ vật chỗ nào chả được. Miễn rẻ thì thôi. Vậy là mò vào tận làng hồng xiêm Xuân Đỉnh mé Hồ Tây thuê nhà. Hồi đó Xuân Đỉnh còn “quê” lắm. Năm hai vụ lúa, đường làng thơm mùi rơm mới. Người Xuân Đỉnh mỗi khi lên phố có việc lại bảo “vào Hà Nội”! Chỗ mình trọ, cứ sẩm tối là ếch nhái râm ran… Thú ra trò!

Thế rồi Xuân Đỉnh vỡ vạc dần nét thị thành. Làng nhộn nhịp hẳn từ khi Trường văn thư lưu trữ xây ký túc xá sinh viên, rồi dân tứ xứ đổ về mua đất xây nhà… Và làng quê thuở nào đã ra màu phố xá.

Ban đầu, làng hơi xao động, nhưng cái mới, cái lạ bao giờ chả hấp dẫn. Vườn hồng xiêm dần chặt bớt để cắt đất bán cho người thiên hạ. Tiền đến dễ và nhanh. Thế là hùa nhau đập nhà ngói để xây nhà ống như người trên phố… Dân tình bỏ ruộng, bỏ vườn. Người nhanh nhạy, tinh khôn thì cưỡi xe SH, @, chạy vè vè quanh làng “cò đất”, thanh niên rỗi việc quanh quẩn lô đề, bia bọt… Karaoke, trò chơi điện tử nhức óc suốt đêm…

Cái phố làng con con mà đến lắm chuyện. Nhớ hồi ấy gần nhà mình trọ là nhà ông Sung, hình như làm thôn đội trưởng hay công an xã gì đó. Nhưng mà hách lắm. Mỗi khi ông đến kiểm tra tạm trú tạm vắng, cái giọng sang sảng khiến mấy đứa sinh viên mới ra trường sợ xanh mắt mèo.

Sợ quá hóa bực, nên nhiều đứa làm trò trêu ông. Buồn cười mãi cái hôm ông đến kiểm tra phòng trọ, có đứa tắt đèn, đóng cửa rồi bật cái băng cát sét có phát tiếng rên hực hực của phim con heo. Gọi mãi không được, ông đập cửa rầm rầm, rồi ghé tai nghe ngóng. Bỗng ông khẽ khàng nhón chân ra ngõ… 10 phút sau, một đội tuần tra đủ cả công cụ trấn áp có mặt. Rồi… rầm! Cánh cửa bật tung… Bên trong, có mỗi thằng cu cởi trần đang ngáy khò khò.

Ông Sung cú: Mẹ, cái đồ… cái đồ bệnh hoạn!

Nhưng tính khí ông thay đổi hẳn từ dịp Tết Canh Thìn 2000. Chả là làng hồi đó có phong trào làm mứt bí để bán. Người nhà đi vắng cả, có mỗi ông Sung đang đứng gọt bí đao thì bỗng lăn đùng ra ú ớ. Mấy đứa nghe tiếng kêu chạy sang thì ông đã lịm đi rồi. Cả bọn hè nhau đưa ông vào viện. Hóa ra ông bị nhồi máu cơ tim. Sau đận ấy, chả hiểu vì cái ơn cứu mạng hay thay tính đổi nết mà ông Sung quý bọn sinh viên mới ra trường lắm. Ông bảo, “các cháu về đây là để tăng thêm bề dày văn hóa cho cái khu này. Chứ thanh niên vô công rồi nghề, rồi lô đề, gái gú, hỏng hỏng”…

Bọn mình sướng quá, cười hi hi: Bác cắt bán rẻ cho cháu tí đất để làm hàng xóm, hay là gả cái Sướng cho cháu, cháu chỉ thích ở rể cho nó… mát mẻ!

- Ông Sung cười: Nó đang đòi bán đất để chạy cho đi Hàn Quốc. Chúng mày giữ được thì tao cho không.

- Bác cứ để em nó đi, vừa làm kinh tế vừa mở mang tầm mắt, sao phải giữ?

- Ôi dào, thích mấy đứa diễn viên Hàn Quốc nên đòi đi. Nhưng cũng phải cho đi thôi, không ở nhà thất nghiệp rồi đua đòi thì chết tao. Như cái thằng Lân con nhà Lan đầu ngõ đấy…

À, thằng cu Lân. Ca này thì đúng là khó chữa thật. Chiều nào đi làm về mình cũng thấy nó ngồi quán bia cỏ, lúc thì chém gió phần phật, lúc lại trầm tư y như đang nghiên cứu bổ đề. Hóa ra đang tính… thơ đề!

Nhà thằng Lân ngay sau ký túc xá sinh viên. Bố mẹ hắn quây tường làm mấy chục phòng cho sinh viên thuê. Giá thì cũng rẻ thôi, nhưng các em sợ nhất mỗi chuyện thằng quý tử con chủ nhà mò đến ngồi đồng, rặt khoe tiền, khoe đất, khoe ăn chơi…

Thằng Lân thường gọi bố mẹ là ông bà, xưng tôi. Hôm nào Lân trúng lô, gã lại rủ mấy anh đi uống rượu ốc. Nhiều lần đâm thành thân tình. Gã bảo, anh biết viết báo, em cũng tính được thơ đề. Xét ra, anh em mình nhiều chữ nhất cái ngõ này. Mình cụng ly, đáp: “Chứ chả chuyện!”.

Thằng này cục giống bố nên hai bố con hay choảng nhau.

Một hôm, chả hiểu nó lấy trộm tiền bán đất hay sao mà ông bố chửi thằng con là đồ ăn cướp. Thế rồi hai bố con đánh nhau. Thằng Lân khỏe hơn, xềnh xệch lôi ông bố đang co quắp như con dế từ trong nhà ra sân rồi đấm như giã giò, vừa đấm vừa chửi:

- Lão già này, đất là của ông bà để lại. Tiền đầy tủ không phá thì để mối nó xông à?

Ông Sung thấy ồn chạy ra can thì bị thằng Lân đẩy ngã chỏng gọng. Lồm cồm bò dậy, ông thở dài bảo, “hồn cốt làng quê đó chính là cái tình, các cụ bảo đó là tình làng. Làng lên phố cũng tốt, nhưng cái tình mà không giữ được thì nguy, thì còn nhiều cảnh thế này các cháu ạ”…

Đã dăm năm rồi không trở lại Xuân Đỉnh… Phố làng bây giờ chẳng biết có khác xưa???

"Phố làng liếm nết ngàn xưa

Cây đa giếng nước cũng vừa đi xong

Thôn quê choáng ngợp đôi dòng

Váy xanh tóc đỏ quét cong đường làng"

Câu thơ của ai, biết là cái lẽ phải đến. Nhưng sao vẫn mơ hồ buồn!