Tổng thống Philippines - ông Rodrigo Duterte cần có thêm nguồn thu để phục vụ cho các kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng đầy tham vọng, trong tình trạng nguồn lực ngân sách có hạn bởi trốn thuế từ lâu đã là vấn đề nan giải tại quốc gia châu Á này. Theo số liệu từ cơ quan thuế Philippines, chỉ có khoảng 15% trong số 100 triệu dân tại đây có thực hiện nghĩa vụ thuế. Ước tính mỗi năm, nhà nước thất thu thuế khoảng 10 tỷ USD.
Đây chính là lý do khiến Tổng thống Philippines quyết định học tập phương pháp của Indonesia, quốc gia láng giềng cũng có tình trạng trốn thuế tương tự và vừa thực hiện thành công vượt mong đợi chính sách ân xá thuế.
Cụ thể, từ tháng 7/2016 đến tháng 3/2017, công dân Indonesia có thể kê khai tất cả tài sản kể cả trong lẫn ngoài nước để được hưởng ân xá, chỉ phải trả mức thuế ưu đãi từ 2 - 10% (thông thường, mức thuế doanh nghiệp là 25% và cá nhân là 30%). Họ cũng không bị điều tra về nguồn gốc số tài sản có được. Sau đó, những ai không kê khai mà bị phát hiện có thể sẽ phải trả gấp đôi số thuế còn nợ và bị truy cứu hình sự tội trốn thuế.
Chỉ sau 3 tháng thực hiện, Chính phủ Indonesia đã thu về 10 tỷ USD tiền thuế và kỳ vọng sẽ thu khoảng 42,7 tỷ USD bổ sung vào ngân sách.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, Philippines khó lòng có thể thực hiện chính sách ân xá thuế nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách vì một số lý do sau.
Ngân hàng phải giữ bí mật
Giới chức Philippines bị trói buộc bởi luật pháp quy định cấm các tổ chức tín dụng tiết lộ tình trạng tài chính của khách hàng, trừ một số ít trường hợp ngoại lệ như bị buộc tội phản quốc hay có quyết định của tòa án. Luật này được đề ra kể từ những năm 1950, theo Trung tâm Nghiên cứu thuế quốc gia Philippines, tương tự với quy định tại Thụy Sĩ và Lebanon.
Thỏa thuận trao đổi thông tin
Thỏa thuận Tự động trao đổi thông tin của OECD là một trong những chìa khóa quan trọng dẫn tới thành công của chương trình ân xá thuế mà Indonesia đã thực hiện. Cụ thể, theo thỏa thuận được ký bởi Singapore và Indonesia, 2 bên sẽ chia sẻ các thông tin về tình trạng tài khoản ngân hàng của người dân nước này tại nước kia mà không cần một lý do cụ thể kể từ năm 2018. Singapore là địa điểm ưa thích của người dân Indonesia và cả Philippines để cất giữ tài sản.
Theo Michael Wan, nhà kinh tế học tại Credit Suisse Group AG, điều này đã tạo nên “mối đe dọa” đối với người dân Indonesia về việc sẽ bị phát hiện khi cố tránh thuế bằng cách đưa tài sản ra nước ngoài trong tương lai. Trong khi đó, Phillippines không tham gia thỏa thuận này nên chưa tạo ra “mối đe dọa” tương tự đối với những người có ý định trốn thuế.
Nhiều lần ân xá thuế thất bại
Michael Wan cho biết, Philippines đã từng nhiều lần thất bại trong các chương trình ân xá thuế. Năm 1973, doanh thu thuế của quốc gia này chỉ tăng lên khoảng gần 1% GDP khi chương trình ân xá giúp thu về một lượng rất nhỏ trong khối lượng lớn tiền thuế bị thất thu. Lần gần đây nhất tiến hành ân xá thuế vào năm 2007 - 2008, Chính phủ Philippines thu về thêm chưa tới 0,1% GDP, theo Credit Suisse.
Trong khi đó, bên cạnh việc tiến hành ân xá thuế, Philippines đang theo đuổi mục tiêu sửa đổi luật thuế, bao gồm việc nâng mức thuế đối với ô tô và nhiên liệu, nhằm thu về thêm khoảng 163 tỷ pesos (3,3 tỷ USD) thuế mỗi năm. Bộ trưởng Bộ Tài chính Carlos Dominguez cho rằng, ông tự tin dự thảo đầu tiên sẽ được thông qua vào tháng 10 năm nay.
Emilio Neri Jr, nhà kinh tế trưởng tại Bank of Philippines Islands cho rằng, các thành viên thị trường sẽ muốn chương trình ân xá thuế là một phần trong kế hoạch cải tổ lớn về chính sách thuế tại đây, thay vì chỉ là một kế hoạch “ngắn hạn” tủn mủn. Có như vậy, chương trình ân xá thuế hiện tại mới tránh lặp lại vết xe đổ của những lần thực hiện trước đó.