1. Xuất phát từ Hà Nội lúc mờ sáng, xe chúng tôi bon bon trong tiết trời mát lạnh và trong trẻo để tới TP. Lạng Sơn.
Từ TP. Lạng Sơn, chúng tôi vượt qua những đoạn đèo quanh co, khúc khuỷu, gấp khúc liên tục mới lên tới đỉnh Mẫu Sơn. Trưa nắng chang chang khiến đá núi tỏa hơi nóng hừng hực như thiêu như đốt. Nắng thế mà cây cối ở đây vẫn xanh rì một màu, không có gió mà vào cua trời cứ mát lạnh như nằm điều hòa.
Hai bên đường, thỉnh thoảng hiện ra những khu ruộng bậc thang nằm rải rác, xen lẫn giữa ngôi nhà đơn sơ của đồng bào người Dao, Nùng, Tày…
Bản làng trải lưa thưa trên một vùng sơn địa rộng lớn. Nhà bám vào đồi. Núi đồi lô xô chen giữa đồng ruộng. Mỗi núi, mỗi đồi mang một nét hồn riêng che chở cho người dân qua biết bao mùa mưa nắng, vui buồn.
Xe chúng tôi chạy chậm lại để có thể ngắm nhìn và tận hưởng không khí trong lành, yên bình trên con đường nhỏ hoang sơ. Vừa đi vừa hình dung về một thế kỷ trước, khi những nhà thám hiểm Pháp lần đầu tiên đặt chân đến đây du thám một Mẫu Sơn rừng thiêng nước độc.
Lúc đó, việc tìm kiếm và thiết lập các khu nghỉ dưỡng trên độ cao 1.000 m không chỉ nhằm thỏa mãn niềm hứng thú phiêu lưu, mà còn bởi nhiệm vụ “hồi sức” cho các viên chức, binh lính Pháp bị đánh gục bởi khí hậu và những căn bệnh của xứ nhiệt đới như tả lị, viêm gan, sốt rét... Thời đó, người Pháp đã cho xây hơn 40 căn biệt thự bằng đá. Chúng không cao lớn, sừng sững nhưng vững chãi, nguy nga như viên ngọc quý giữa rừng già.
Một thế kỷ thăng trầm đã trôi đi, trước mắt chúng tôi bây giờ chỉ còn lại cổ phủ kín rêu, cũ kỹ màu thời gian. Nhiều ngôi biệt thự đã bị tiêu hủy trong kháng chiến, số còn lại xuống cấp do sự tàn phá của thời gian, rồi bị bỏ hoang và trở thành phế tích. Tuy không còn được sử dụng, nhưng những ngôi biệt thự này vẫn thu hút sự chú ý của nhiều du khách. Đó cũng được coi là một “nét duyên thầm” tô điểm cho vẻ hoang sơ, bí ẩn và có chút kiêu hãnh của núi rừng Mẫu Sơn.
2. Đứng tại nơi cao nhất của “nóc nhà vùng Đông Bắc” nhìn xuống là một mảng sương mù dày đặc đang vây lấy hàng trăm ngọn núi nhấp nhô như sóng lượn, tạo nên quang cảnh tựa chốn thiên đường. Dãy này xếp dãy kia, miên man, chập chùng tiếp nối. Mây sà thấp la đà như khăn mỏng quấn xung quanh. Không gian mù mờ và bềnh bồng như thể được đệm bông.
Nhìn sang bên trái, bản làng dưới kia như những mảnh ghép hình với màu xanh của ruộng nương, màu xám của những mái nhà, màu trắng của mây… Bằng một cách nào đó, làng quê xinh xắn ấy đứng chênh vênh nhưng vô cùng vững chãi nơi vách núi.
Bên phải là nhiều dòng suối chảy từ đỉnh núi xuống để đợi nhau cùng chảy vào sông Kỳ Cùng. Thứ nước trong trẻo ấy không chỉ là nguồn sống của hàng trăm hộ dân, mà còn là nguyên liệu quan trọng làm nên thương hiệu rượu Mẫu Sơn và chè San Tuyết nổi tiếng từ lâu.
Ngồi xuống một phiến đá ven đường, tôi căng lồng ngực hít một hơi thật dài, thật sâu để luồng không khí mát lạnh, còn ngây ngây mùi sương, mùi gió lan tỏa vào từng tế bào.
Tại đây, tôi dễ dàng gặp và chuyện trò ngẫu hứng với nhiều người Dao, Tày, Mông, Nùng… Họ mặc trang phục thổ cẩm độc đáo đang cùng nhau bán những đặc sản địa phương. Nào là mật ong rừng, hoa lan rừng, gà, rượu, đến các loại thảo dược như sâm thổ cao ly, xuyên khung, bạch chỉ... nghe lạ lẫm với tôi.
Nhìn một lượt các mặt hàng, mắt tôi dừng lại trước gùi chanh rừng của một cô gái người Mông khá trẻ. Chanh nhỏ hơn quả thông thường, khi chín có màu vàng ươm. Cô gái bán 80.000 đồng/kg, tôi mua 2 kg. Lúc trả tiền, cô còn dúi vào túi tôi thêm mấy quả nữa vì sợ… cân thiếu.
Nghe người địa phương giới thiệu giống chanh này 20 năm trước sống trong rừng, người dân vô tình lấy hạt về trồng tạo ra được giống chanh đặc sản. Ăn cả vỏ thì ngọt bùi và thơm. Còn bỏ vỏ dùng lõi thì chua. Trước khi có cây chanh, người Mẫu Sơn chỉ có 2 mùa trồng lúa và ngô, đủ ăn là mừng rồi. Nhưng bây giờ, họ còn có thêm nguồn thu khác hấp dẫn từ giống chanh này.
3. Ngồi chơi một lúc thì trời đã tối sầm, trời nhiều sương mù và lạnh hơn. Chúng tôi nhanh chóng lựa một nhà nghỉ quanh đây để ngủ. Tuy là cuối tuần, nhưng chỉ có 2 - 3 chỗ còn sáng đèn. Quán ăn cho du khách cũng khá đơn sơ, chủ yếu là vài quán cóc nhỏ ngoài trời bán đồ nướng.
Chẳng có sự lựa chọn nào, chúng tôi ghé đại vào một quán rồi đề nghị chủ quán tùy ý gọi món cho. Ông chủ nhiệt tình, hiếu khách nhanh chóng mang ra một đĩa thịt lợn rừng nướng kèm ít rau thơm và chai rượu nhỏ.
Ông chủ giới thiệu đây là rượu men lá, một sản phẩm du lịch không thể thiếu, đã góp phần tạo nên niềm tự hào của người dân Mẫu Sơn. Người Dao quen làm ruộng, đi rẫy lên nương, đôi tay quen mở đất khai hoang, vào rừng đốn củi nên sần sùi, thô ráp. Nhưng cũng chính đôi tay ấy lại ẩn giấu sự khéo léo thuần thục khi họ cất những chum rượu men lá ấm nồng, thơm phức, nấu những món ăn từ lá rừng với hương vị không nơi nào có được.
“Rượu ở đây phải hội tụ đủ 3 yếu tố: Nguồn nước ngọt riêng của Mẫu Sơn, khí hậu dịu mát kết hợp cùng bí quyết gia truyền của người Dao trong việc lên men và chưng cất mới tạo được vị ngọt, vị ngon, vị thơm đặc trưng”, ông chủ chia sẻ.
Chúng tôi quây quần bên bếp lửa lai rai chút rượu, thưởng thức Mẫu Sơn lúc khuya dần về sáng. Trên đỉnh cao, gió thổi vu vu qua các mỏm đá cheo leo. Tôi cảm giác như mình đang trôi bồng bềnh trên đỉnh non ngàn, chỉ cần với tay sẽ chạm đến những vì sao.
4. Mẫu Sơn còn một đặc sản nổi tiếng khác nữa là chè San Tuyết. Đây mới chính là lý do thực sự khiến tôi vượt non cao lên tới tận đại ngàn. Theo chỉ dẫn của vài người, tôi tìm đến xã Công Sơn, nằm liền kề Mẫu Sơn hỏi thăm thôn Ngàn Pặc. Ngay từ đường vào tôi đã bắt gặp những cây chè San Tuyết cao to hơn cả mái nhà. Thân cây vừa mốc thếch vừa phủ đầy rong rêu. Lá chè to như lá đa và búp mơn mởn phủ đầy lông tơ trắng muốt.
Chè ở đây sạch toàn toàn, vì người dân không mất công chăm bón gì, cứ mặc cây luồn bộ rễ chắc khỏe xuống tầng đất sâu hút dinh dưỡng hay vươn cành lá lên trời cao hấp thụ sương trời, khí núi.
Giữa thiên nhiên hoang sơ, gió núi lạnh tái tê, nhấp chén trà nước vàng sậm như mật ong, thơm lừng, chát ngọt mà toàn bộ cơ thể như phiêu lãng vào cõi mộng khó quên.
Chất lượng chè San Tuyết đã được công nhận từ lâu. Tuy nhiên, để phát triển thành thương hiệu lớn, thì vẫn còn khá nhiều khó khăn. Vì chưa được cải thiện về mẫu mã và phát huy một cách hiệu quả việc liên kết tiêu thụ sản phẩm, nên giá chè San Tuyết còn thấp hơn nhiều so với các loại chè đặc sản khác, mặc chất lượng thì không thua kém gì. Đến bây giờ, vấn đề này vẫn là một câu hỏi còn bị bỏ ngỏ nhiều năm qua của tỉnh Lạng Sơn.
5. Rời khỏi thôn Ngàn Pặc trời đã về chiều, chúng tôi mau chóng thu dọn hành lý trở về. Vượt non cao bao lần, tưởng đôi chân đã quen với sương, với gió, với những gập ghềnh, khúc khuỷu, ây thế mà lần này lên đỉnh Mẫu Sơn, lòng tôi vẫn dậy lên những cảm xúc tinh khôi như lần đầu gặp gỡ. Hỏi lòng sao không bay bổng, lâng lâng cho được.
Trên đường trở về, tôi gặp mấy nhóm khách ta lẫn Tây cưỡi xe máy vù vù đi chiều ngược lại. Ngoảnh mặt nhìn đỉnh Mẫu Sơn trên kia mới thấy con đường mình đã qua hùng vĩ đến nhường nào. Ngay bên dưới sự hùng vĩ ấy, đồng bào người Dao, Tày, Nùng vẫn đang chăm chỉ quẩy gánh trĩu đầy lúa, ngô. Họ bỏ lại sau lưng đám khói bay về trời...
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com