Sau chuỗi 4 phiên tăng điểm liên tiếp, đà tăng của thị trường đã bị chặn lại sau nhịp điều chỉnh ngày hôm qua.
Đây cũng là điều hợp lý bởi sau thời gian tăng điểm này, nhiều nhóm cổ phiếu đã hồi phục về mức giá tốt, nên hoạt động chốt lời đã diễn ra khá quyết liệt và mạnh mẽ. Tuy nhiên, điểm tích cực là lực cầu mua vào tại những thời điểm thị trường sụt giảm cũng khá tốt khiến thị trường cân bằng hơn, thanh khoản tiếp tục được cải thiện.
Điều này còn thể hiện tâm lý nhà đầu tư hiện cũng đã tốt hơn trước rất nhiều, cho dù nhân tố ảnh hưởng mạnh nhất đến thị trường trong thời gian qua là vấn đề Biển Đông chưa có cải thiện.
Quay trở lại thị trường trong phiên sáng hôm nay (23/5), thị trường đã hồi phục trở lại và mở cửa trong sắc xanh nhẹ, nhưng giao dịch khá thận trọng.
Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 0,71% (+0,13%) lên 542,22 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt 3,4 triệu đơn vị, giá trị 33,34 tỷ đồng.
Trong phiên hôm qua, hoạt động chốt lời chủ yếu diễn ra tại các mã đầu cơ tăng nóng, còn các bluechips chính là động lực kéo thị trường trở lại. Phiên sáng nay, các bluechips tiếp tục được dùng để nâng đỡ thị trường.
Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, các bluechips tiếp tục tăng mạnh điểm, giúp đà tăng của thị trường được nới rộng.
Sau khi dùng các mã trụ đẩy chỉ số đạt mức tăng khá tốt, lệnh bán đã ngay lập tức được tung vào, đích đến vẫn là các mã đầu cơ đã tăng nóng trước đó. Tuy nhiên, lệnh bán không mở rộng mà chỉ tập trung vào một số mã.
Trong khi thị trường dao động trong biên độ hẹp, nên khi lực bán được tung vào dù không quá mạnh nhưng cũng đủ để làm chỉ số quay đầu lao qua mốc tham chiếu.
Nhưng khi chỉ số gần về mốc 540 điểm, bên mua lập tức vào cuộc, chỉ số được kéo tăng trở lại và giữ được đà tăng cho đến hết phiên sáng.
Kết thúc phiên sáng 23/5, VN-Index tăng 2,46 điểm (-0,45%) lên 544,19 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 53,25 triệu đơn vị, giá trị 601,389 tỷ đồng. Toàn sàn có 86 mã tăng, 104 mã giảm và 110 mã đứng giá. Chỉ số VN30-Index tăng 3,81 điểm (-0,64%) lên 596,56 điểm, trong đó có 12 mã tăng, 9 mã giảm và 9 mã đứng giá.
Trong khi đó, HNX-Index giảm 0,05 điểm (-0,07%) xuống 74,52 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 36,899 triệu đơn vị, trị giá 267,68 tỷ đồng. Toàn sàn có 57 mã tăng, 91 mã giảm và 222 mã đứng giá.
Giao dịch thỏa thuận trên cả 2 sàn đều không đáng kể trong phiên sáng nay.
Trên sàn HOSE, các cổ phiếu lớn có sự phân hóa khá mạnh, giao dịch chậm. Đạt thanh khoản trên 1 triệu đơn vị chỉ có 4 mã là CII, HAG, IJC, SSI. Nhưng chỉ SSI là được kéo về tham chiếu, 3 mã còn lại đều giảm điểm. Tương tự, các mã tăng ở đầu phiên cũng bị kéo về tham chiếu là VNM, FPT.
Trong khi đó, các bluechips khác như GAS, MSN, KDC, HPG, PVD, PGD, VIC vẫn giữ được mức tăng tốt cho đến hết phiên, giúp chỉ số duy trì đà tăng.
Ngoài GAS tăng 1.000 đồng lên 93.000 đồng/CP và MSN tăng 1.000 đồng lên 90.500 đồng/CP, thì KDC cũng đã tăng mạnh 2.500 đồng lên 59.000 đồng/CP và HPG tăng 2.000 đồng lên 51.000 đồng/CP.
Đối với các cổ phiếu vừa và nhỏ, dòng tiền vẫn vào khá tốt nhưng cũng chỉ tập trung tại một vài mã như FLC, ITA, HQC, VHG, DLG…. Trong đó, FLC có thanh khoản cao nhất sàn HOSE với 9,37 triệu đơn vị khớp lệnh, kết phiên tăng 200 đồng lên 10.300 đồng/CP. ITA vẫn chỉ dập dình quanh tham chiếu và cũng khớp được 3,5 triệu đơn vị. HQC cũng khớp hơn 3 triệu đơn vị nhưng đã giảm 300 đồng xuống 6.900 đồng/CP.
Trên HNX, sau khi tăng ở đầu phiên, hầu hết cổ phiếu lớn như ACB,VCG, VND, SCR, PVS… giảm điểm và kéo chỉ số xuống dưới tham chiếu. Cho dù BVS, SHS, SHB có duy trì được mức tăng nhẹ. SHB tăng 200 đồng lên 9.100 đồng/CP và khớp được 2,77 triệu đơn vị. SHS tăng 100 đồng lên 8.000 đồng và khớp 1,49 triệu đơn vị.
Ngoài ra, PVX được khớp cao nhất thị trường dù chỉ nhỉnh hơn FLC đôi chút, đạt 9,38 triệu đơn vị, cuối phiên sáng tăng 200 đồng lên 4.900 đồng/CP.