Phiên sáng cuối tuần 21/8: Cơ hội gom hàng giá rẻ

Phiên sáng cuối tuần 21/8: Cơ hội gom hàng giá rẻ

(ĐTCK) Việc bên nắm giữ cổ phiếu ồ ạt tháo chạy trong mấy phiên vừa qua đã tạo điều kiện cho những nhà đầu tư nắm giữ tiền mặt tha hồ mua hàng giá rẻ. Đã lâu lắm rồi, thị trường chứng khoán Việt Nam mới chứng khiến phiên giao dịch mà có lúc VN-Index mất tới 25 điểm.

Kết thúc phiên hôm qua 20/8, thị trường lại giảm sâu, nguyên nhân sụt giảm không có gì mới, vẫn là những thông tin liên quan đến tỷ giá hay giá dầu thô thế giới tiếp tục giảm mạnh. Tính kể từ đầu tuần, đây là phiên thứ 2 thị trường mất khoảng 2% giá trị trở lên.

Việc thị trường liên tiếp để mất các ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn mạnh cho thấy xu hướng đi xuống chưa dừng lại. Cùng với đó, việc thanh khoản gia tăng trong một phiên giảm điểm như phiên 20/8, đi kèm với động thái gia tăng bán ròng của khối ngoại cũng cho thấy bên nắm giữ cổ phiếu đang mất kiên nhẫn với xu thế ngắn hạn. Trong bối cảnh rủi ro cao như hiện tại, hầu hết các công ty chứng khoán đều khuyến nghị nhà đầu tư nên đứng ngoài quan sát, đồng thời cần hết sức thận trọng trong các quyết định giải ngân.

Trở lại phiên giao dịch sáng 21/8, ngay từ đầu phiên, tâm lý bất an đã đè nặng lên nhà đầu tư. Áp lực bán lớn theo đó dồn mạnh vào thị trường, sắc đỏ bao trùm ngay từ khi mở cửa, thanh khoản tăng vọt.

Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm mạnh 7,35 điểm (-1,35%) xuống 559,34 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 4,6 triệu đơn vị, giá trị 102,31 tỷ đồng.

Bước vào đợt khớp lệnh liên tục, áp lực bán tiếp tục gia tăng khiến đà giảm của chỉ số nhanh chóng được nới rộng.

Độ rộng thị trường suy giảm nhanh chóng bởi áp lực bán mạnh dồn vào nhóm cổ phiếu dẫn dắt như các bluechips ngân hàng, dầu khí, chứng khoán. Nhóm VN30 không còn mã nào tăng điểm. Các mã GAS, PVD, VNM, BVH đang có mức giảm từ 1.000 đồng trở lên. KBC giảm sàn.

Thời điểm giảm sâu nhất, VN-Index giảm hơn 11 điểm, cầu bắt đáy đã được tung vào khá mạnh. Bên cạnh đó, áp lực bán ở các cổ phiếu vừa và nhỏ cũng không cao, giúp đà giảm của chỉ số được thu hẹp bớt.

Nhóm cổ phiếu bánh kẹo với KDC là tiên phong, đã nhanh chóng hồi phục và có được sắc xanh. BBC thậm chí đạt sắc tím, song đây chỉ là màu tím ảo khi khối lượng khớp lệnh rất thấp.

Tuy nhiên, sức ép ở nhóm cổ phiếu lớn vẫn rất mạnh, vì vậy đà giảm của thị trường dần được nới rộng trở lại.

Diễn biến trên HNX cũng tương tự như trên HOSE khi các mã trong rổ HNX30 cũng đồng loạt giảm điểm. Song trái ngược hẳn với HOSE, thanh khoản trên HNX lại rất thấp.

Áp lực bán tháo gia tăng mạnh sau đó, kéo cả 2 sàn giảm mạnh. Có thời điểm, VN-Index đã giảm tới 25 điểm, còn HNX-Index là hơn 3 điểm.

Tuy nhiên, điểm tích cực là dòng tiền bắt đáy hoạt động rất tích cực. Tận dụng sự hoảng loạn của một số nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu, bên nắm giữ tiền mặt đã tha hồ mua vào ở mức giá thấp. Chính nhờ lực cầu bắt đáy giúp nhiều mã thoát khỏi mức sàn và 2 sàn cũng hãm đà giảm về cuối phiên.

Kết thúc phiên sáng, với chỉ 23 mã tăng và 213 mã giảm, trong đó khoảng 30 giảm sàn,  VN-Index mất 15,2 điểm (-2,68%) xuống 551,49 điểm. Nhóm VN30 không có mã nào tăng, chỉ số VN30-Index mất 15,19 điểm (-2,54%) xuống 583,03 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch đạt 125,7 triệu đơn vị, giá trị 2.010,33 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận hơn 2 triệu đơn vị, trị giá gần 117 tỷ đồng.

Tương tự, với 24 mã tăng và 167 mã giảm, HNX-Index mất 2,07 điểm (-2,63%) xuống 76,48 điểm. Chỉ số HNX30-Index mất 5,43 điểm (-3,69%) xuống 141,74 điểm khii rổ HNX30 cũng không còn mã nào tăng.

Tổng khối lượng giao dịch đạt 36,7 triệu đơn vị, giá trị 349,42 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

Nhờ lực cầu bắt đáy cuối phiên, các mã GAS, PVT, ITA, FLC mới thoát mức giá sàn. FLC chỉ còn giảm 400 đồng và khớp hơn 13 triệu đơn vị, cao nhất HOSE. ITA giảm 300 đồng và khớp 5,56 triệu đơn vị.

KBC tưởng chừng thoát mức sàn, nhưng cuối phiên vẫn về mức giá này 12.600 đồng và khớp tới 9,85 triệu đơn vị.

Trong nhóm ngân hàng, VCB là mã giảm mạnh nhất 1.100 đồng, nhưng thanh khoản yếu nhất nhóm. MBB khớp cao nhất với 3,6 triệu đơn vị, giảm 200 đồng. Đứng sau là CTG với mức giảm 900 đồng và khớp 3,4 triệu đơn vị.

Trong nhóm chứng khoán, SSI cũng khớp lệnh khá cao với 5,55 triệu đơn vị và giảm 400 đồng. HCM khớp 1,1 triệu đơn vị, giảm 400 đồng.

Không chỉ nhóm cổ phiếu lớn, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng đua nhau giảm sàn. Tính chung toàn thị trường, có trên 50 mã nằm sàn phiên sáng nay.

Mã HAI, HHS, VHG cũng thoát mức sàn, trong đó HAI khớp lệnh 4,11 triệu đơn vị, VHG khớp 33, triệu đơn vị, còn lại đều khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Các mã như BGM, DXG, GTN, HQC, HAP, JVC, SBT cùng đều giảm điểm mạnh, thanh khoản trên 1 triệu đơn vị.

DLG gây chú ý khi đi ngược thị trường với mức tăng 300 đồng, khớp được 5,84 triệu đơn vị.

Trên HNX, KLF thoát mức sàn và chỉ còn giảm 400 đồng, dẫn đầu thanh khoản trên sàn này với 5,2 triệu đơn vị được khớp. SHB đứng sau với hơn 4 triệu đơn vị khớp lệnh, giảm 400 đồng. Các mã VND, VCG, SCR, PVS, HUT và CEO đều khớp trên 1 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, PVX và VIX cũng nằm trong nhóm có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị. VIX giảm 600 đồng, còn PVX giảm 200 đồng.

Tin bài liên quan