Phiên sáng cuối tuần 2/10: Dòng tiền vẫn đứng ngoài quan sát

Phiên sáng cuối tuần 2/10: Dòng tiền vẫn đứng ngoài quan sát

(ĐTCK) Diễn biến giằng co trong biên độ hẹp với thanh khoản thấp tiếp tục tiếp diễn trong phiên giao dịch sáng nay khi dòng tiền chỉ đứng ngoài quan sát.

Kể từ đầu tuần, thị trường liên tục đón nhận những thông tin vĩ mô cũng như vi mô tích cực, tuy nhiên, những thông tin này đã không tạo được nhiều ảnh hưởng lên thị trường.

Tâm lý nhà đầu tư vẫn tỏ ra hết sức thận trọng, dòng tiền vào thị trường hết sức hạn chế. Điều này khiến chuỗi giao dịch ảm đạm của thị trường tiếp tục được kéo dài thêm.

Một trong những nguyên nhân khiến nhà đầu tư duy trì sự thận trọng cao độ chính là động thái rút ròng vốn của khối ngoại trong khoảng 2 tháng qua, kể từ thời điểm NHNN quyết định điều chỉnh tỷ giá trong tháng 8.

Theo thống kê của Đầu tư Chứng khoán, khối ngoại đã bán ròng hơn 1.000 tỷ đồng trong tháng 9, tăng rất mạnh so với mức hơn 360 tỷ đồng của tháng 8 và là tháng bán ròng mạnh nhất kể từ đầu năm nay.

Đánh giá thị trường trong thời điểm này, nhiều CTCK cho rằng, việc thiếu vắng dòng tiền sẽ khiến thị trường trong ngắn hạn trở nên khó lường hơn, rủi ro theo đó cũng sẽ ở mức cao hơn.

“Trong những phiên tăng điểm gần đây của thị trường, chúng tôi quan sát thấy xung lực mua khá yếu, thể hiện ở những mức tăng nhẹ và khối lượng giao dịch có xu hướng giảm. Do đó, VN-Index nhiều khả năng sẽ sớm kiểm tra lại ngưỡng hỗ trợ 560 điểm. Trong kịch bản xấu, lực cầu không đủ sức giúp VN-Index duy trì ngưỡng hỗ trợ, chỉ số sàn HOSE có thể quay trở lại xu hướng giảm để kiểm tra ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật thấp hơn”, CTCK VPBS đánh giá.

Quay trở lại phiên giao dịch sáng 2/10, sắc đỏ tiếp tục ngự trị trên cả 2 chỉ số chính, nhưng không mạnh như 2 phiên giữa tuần. Áp lực bán ở các cổ phiếu lớn không còn mạnh nên sức ép lên thị trường cũng nhẹ hơn. Dù vậy, thanh khoản vẫn là vấn đề nan giải khi tâm lý thận trọng tiếp tục phủ lên thị trường.

Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 0,21 điểm (-0,04%) xuống 563,33 điểm, tổng khối lượng giao dịch đạt xấp xỉ 1,4 triệu đơn vị, giá trị 19,73 tỷ đồng.

Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, đà giảm nhanh chóng được nới rộng khi các sức ép được gia tăng ở các cổ phiếu lớn. Các mã như VNM, FPT, BVH, HSG, SSI... đều giảm điểm. Trong khi sắc đỏ cũng chiếm thế chủ đạo ở 2 nhóm ngân hàng và dầu khí với GAS, PVD, VCB, STB, BID, CTG.

Nhóm cổ phiếu thị trường cũng đang chịu áp lực bán nhẹ, giao dịch chậm nên phần nhiều các mã đang lình xình ở mốc tham chiếu.

Trên HNX, chỉ số này giảm điểm khi nhóm dầu khí, chứng khoán đang giảm điểm nhẹ. Riêng PLC và VND lại đang tăng 2-3 bước giá, cùng với ACB, SHB, PVG, HUT ... đứng giá tham chiếu giúp chỉ số không giảm mạnh hơn.

Giao dịch trên thị trường chung vẫn rất ảm đạm. Sau gần 1 giờ giao dịch, chỉ duy nhất KLF là có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị. KLF cũng đứng giá tham chiếu.

Nửa cuối phiên giao dịch, thị trường đã giao dịch kịch tính hơn. Sau khi lùi gần mốc 560 điểm, lực cầu chỉ gia tăng nhẹ nhưng cũng đủ sức kéo VN-Index bật tăng lên mốc 565 điểm. Tuy nhiên, áp lực bán nhích lên khi chỉ số tăng điểm đã kéo VN-Index trở lại xuống dưới mốc tham chiếu và giằng co tại đây, kết phiên vẫn giữ được sắc xanh nhạt.

Trong khi đó, HNX-Index cũng giằng co khá mạnh xung quanh mốc tham chiếu, nhưng cuối phiên lại không giữ được sắc xanh. Thanh khoản trên 2 sàn dù vẫn còn ở mức thấp, nhưng đã không tệ như trong phiên sáng qua.

Kết thúc phiên sáng, với 98 mã tăng và 78 mã giảm, VN-Index tăng 0,25 điểm (+0,04%) lên 563,61 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 42,45 triệu đơn vị, giá trị 719,38 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp đáng kể với 8,7 triệu đơn vị, giá trị 134,77 tỷ đồng. Đáng chú ý, HQC thỏa thuận gần 5,6 triệu đơn vị, trị giá gần 29 tỷ đồng; GMD hơn 1,6 triệu đơn vị ở mức giá sàn 31.900 đồng, trị giá hơn 51 tỷ đồng; CII là 1 triệu đơn vị, trị giá 22,5 tỷ đồng và VNM là 0,25 triệu đơn vị ở mức giá trần 108.000 đồng/CP, trị giá 27 tỷ đồng.

Với 58 mã tăng và 80 mã giảm, HNX-Index giảm 0,04 điểm (+0,05%) xuống 77,98 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 16,79 triệu đơn vị, giá trị 160,8 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,34 triệu đơn vị, giá trị 6,61 tỷ đồng.

Nhóm VN30 góp phần đáng kể giúp VN-Index giữ được sắc xanh. Chỉ số VN30-Index tăng 0,55 điểm (+0,09%) lên 582,88 điểm với 11 mã tăng và 6 mã giảm.

Trong khi nhóm HNX30 lại không tạo được lực đỡ tốt cho HNX-Index. Chỉ số HNX30-Index giảm 0,08 điểm (-0,05%) về 143,82 điểm với 11 mã tăng và 8 mã giảm với 9 mã và 9 mã giảm.

Nhìn chung, thị trường đã giao dịch cân bằng hơn ở nửa cuối phiên sáng. Nhóm cổ phiếu lớn đã giữ được sức, trong đó HAG tăng 200 đồng lên 14.900 đồng và khớp hơn 1 triệu đơn vị. Đây cũng là mã duy nhất trong nhóm VN30 đạt thanh khoản hơn 1 triệu đơn vị.

Trong khi nhóm ngân hàng, dầu khí tỏ ra lình xình, thanh khoản cũng không cao như mọi khi. STB, EIB, BID, GAS, PVD vẫn giảm nhẹ 1-1 bước giá. MBB, CTG, PVT đứng tham chiếu.

Nhóm cổ phiếu thị trường cũng đã giao dịch tích cực hơn nên sắc xanh chiếm ưu thế hơn. Đạt thanh khoản trên 1 triệu đơn vị có NT2, SBT, DLG, và BGM, trong đó dẫn đầu là NT2 với 1,7 triệu đơn vị và tăng 800 đồng lên 25.900 đồng. JVC tiếp tục giảm sàn xuống 42.00 đồng/CP và khớp gần 0,87 triệu đơn vị.

Trên HNX, nhóm cổ phiếu lớn trên sàn này thiếu sự đồng thuận nên hỗ trợ không tốt cho chỉ số. KLF dẫn đầu thanh khoản với 2,9 triệu cổ phiếu và đứng giá tham chiếu.

Ngoài ra, cũng chỉ có thêm API khớp 1,08 triệu đơn vị và tăng nhẹ 1 bước giá lên 11.700 đồng/CP.

Tin bài liên quan