Phiên sáng cuối tuần 16/1: Bất động sản, chứng khoán đỡ thị trường

Phiên sáng cuối tuần 16/1: Bất động sản, chứng khoán đỡ thị trường

(ĐTCK) Trong khi nhóm dầu khí, ngân hàng chịu áp lực chốt lời, thì nhóm chứng khoán và bất động sản lại trở thành những bệ đỡ, giúp thị trường trở nên cân bằng hơn trong phiên giao dịch sáng nay.

Thị trường phiên hôm qua giao dịch tích cực cả về điểm số lẫn thanh khoản, đặc biệt là trên HNX, khi dòng tiền tiếp tục tập trung nhiều tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.

Nhóm cổ phiếu lớn cũng hoạt động khá hiệu quả với sự trở lại của các cổ phiếu dầu khí, trong khi nhóm ngân hàng đã tạm thời “nghỉ ngơi” sau chuỗi tăng mạnh trước đó. Dòng tiền luân chuyển qua các nhóm cổ phiếu khiến mặt bằng giá chung của thị trường được đẩy lên cao, đồng thời thể hiện mức độ phân hóa ngày càng rõ nét khi bức màn kết quả kinh doanh quý IV dần được mở.

Diễn biến này cho thấy thị trường đang dần lấy lại trạng thái cân bằng sau thời gian biến động mạnh trước đó. Mặc du áp lực chốt lời vẫn rất mạnh, nhưng rủi ro giảm sâu trong ngắn hạn được đánh giá đang dần giảm bớt.

Bước vào phiên sáng 16/1, áp lực bán mạnh đã xuất hiện ngay từ đầu khiến các chỉ số đều giảm điểm. VN-Index mở cửa trong sắc đỏ khi các nhóm cổ phiếu ngân hàng, dầu khí cùng bị bán khá mạnh và giao dịch dưới tham chiếu, lực cầu tương đối thận trọng nên thanh khoản chưa thực sự tích cực.

Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 0,86 điểm (-0,15%) xuống 576,88 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 3,34 triệu đơn vị, giá trị 49,56 tỷ đồng. Trên HNX, chỉ số HNX-Index cũng bắt đầu trong sắc đỏ khi đa phần các mã trong nhóm HNX30 đều giao dịch dưới tham chiếu.

Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, đà giảm của VN-Index dần được thu hẹp khi bên mua nới tay hơn, giao dịch theo đó có đôi chút tích cực.

Dòng tiền tiếp tục tập trung tại nhóm cổ phiếu bất động sản nên nhóm này hiện đang có được đà tăng khá tốt. FLC tăng 200 đồng lên 11.200 đồng và khớp gần 5 triệu đơn vị. Các mã khác như KBC, ITA, ASM, DIG, DLG, DXG, HAR... cùng giữ mức giá xanh.

Góp phần giúp VN-Index thu hẹp đà giảm còn có các mã lớn khác SSI, HCM, HSG, BVH...

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đang có sự phân hóa rõ nét khi CTG, BID có được sắc xanh, còn EIB, MBB, STB giảm điểm, VCB đứng tham chiếu.

Nhóm dầu khí vẫn đang chịu áp lực bán khá mạnh. GAS giảm 5 đồng, PVT giảm 100 đồng, DPM giảm 200 đồng, PVD đứng tham chiếu....

Trên HNX, cầu mua tốt ở nhóm cổ phiếu lớn giúp HNX-Index đang tiến dần về mốc tham chiếu.

Các mã chứng khoán như BVS, KLS, SHS, VND cùng các mã VCG, SCR HUT... đang tăng điểm. Trong đó KLS khớp trên 2 triệu đơn vị, SHS khớp trên 1 triệu đơn vị.

Nhóm dầu khí đang diễn biến khá lình xình. PVC tăng 400 đồng, còn PVS giảm 200 đồng, các mã PGS, PLC, PVX, PVG đứng tham chiếu.

Mã có thanh khoản mạnh nhất là KLF với 2,7 triệu đơn vị được khớp, hiện đang giảm 1 bước giá xuống 12.000 đồng/CP.

Tại thời điểm 10h10, VN-Index giảm 0,57 điểm (-0,1%), xuống 577,17 điểm, tổng khối lượng giao dịch đạt 33,78 triệu đơn vị, giá trị 517,43 tỷ đồng. Trong khi đó, HNX-Index tăng 0,13 điểm (+0,15%) lên 86,02 điểm, tổng khối lượng giao dịch đạt 25,12 triệu đơn vị, giá trị 272,51 tỷ đồng.

Sau khi vượt qua mốc tham chiếu, áp lực bán gia tăng một lần nữa kéo HNX-Index lùi trở lại. Nhưng cầu mua rất tốt ở các mã lớn đã kéo HNX-Index tăng trở lại và kết phiên trong sắc xanh nhẹ.

Trong khi đó, có thời điểm VN-Index cũng đã về được mốc tham chiếu, nhưng vì áp lực bán ở mức giá cao vẫn mạnh, còn lực mua tỏ ra thận trọng nên VN-Index nhanh chóng giảm trở lại và lình xình dưới mốc tham chiếu cho đến hết phiên sáng.

Sự thận trọng cũng khiến thanh khoản chung của cả 2 sàn đều giảm khá mạnh so với phiên sáng hôm qua.

Kết thúc phiên giao dịch sáng 16/1, với 84 mã tăng và 77 mã giảm, VN-Index giảm 0,72 điểm (-0,12%) xuống 577,02 điểm. Chỉ số VN30-Index giảm 1,18 điểm (-0,19%) xuống 616,44 điểm với 10 mã tăng và 13 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 60,685 triệu đơn vị, giá trị 972,63 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp chỉ 1,25 triệu đơn vị, giá trị 60,65 tỷ đồng, đáng chú ý có 500.000 cổ phiếu TLG được thỏa thuận trị giá 26,5 tỷ đồng và 500.000 cổ phiếu TIX trị giá 11,25 tỷ đồng. 

Với 65 mã tăng và 74 mã giảm, HNX-Index tăng 0,16 điểm (+0,18%) lên 86,4 điểm. Chỉ số HNX30-Index tăng 0,76 điểm (+0,45%) lên 168,72 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 37,49 triệu đơn vị, giá trị 449,64 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khá đáng kể với hơn 8,1 triệu đơn vị, giá trị 54,69 tỷ đồng, chủ yếu đến từ 7,5 triệu cổ phiếu PSI thỏa thuận ở mức sàn 6.800 đồng, giá trị 51 tỷ đồng.

Áp lực bán mạnh khiến nhóm bất động sản có đôi chút ảnh hưởng, nhưng đa phần vẫn tăng ổn. FLC tăng 300 đồng lên 11.300 đồng/CP và khớp 10,87 triệu đơn vị, mạnh nhất HOSE. DLG tăng 400 đồng lên 11.400 đồng/CP và khớp 4,6 triệu đơn vị. KBC giữ mức tăng 300 đồng, còn ITA về mốc tham chiếu, cả 2 mã cùng khớp trên 2 triệu đơn vị.

Tương tự là nhóm chứng khoán khi SSI, HCM, AGR và BSI cũng đều giữ được sắc xanh. SSI tăng 200 đồng lên 27.700 đồng/CP và khớp 1,79 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu dầu khí đã không còn giảm mạnh như dầu phiên sáng. GAS và PVD cùng về được mốc tham chiếu, còn PVD và DPM cùng giảm nhẹ 200 đồng.

Trong nhóm ngân hàng, chỉ còn CTG là giữ được sắc xanh, BID và EIB về tham chiếu, còn các mã MBB, STB VCB giữ sắc đỏ.

So với HNX30, nhóm VN30 hoạt động kém hiệu quả hơn hẳn nên VN-Index chưa thể tăng. Ngoài FLC và SSI, còn lại đều có mức thanh khoản thấp.

Chính nhờ nhóm HNX30 được giao dịch mạnh, nên HNX-Index đã có sự hồi phục tốt về cuối phiên. Có tới 8 mã trong nhóm này đạt thanh khoản trên 1 triệu đơn vị.

Trong đó, KLS khớp 2,89 triệu đơn vị, tăng 500 đồng lên 11.200 đồng/CP. SHS tăng 300 đông lên 11.100 đồng/CP và khớp 1,7 triệu đơn vị. VCG khớp 1,75 triệu đơn vị, tăng 400 đồng lên 13.100 đồng/CP.

Mã KLF khớp mạnh nhất sàn với 3,97 triệu đơn vị, nhưng giảm 200 đồng xuống 11.900 đồng/CP.

Tin bài liên quan