Phiên sáng 9/9: Dòng tiền vẫn đứng ngoài, VN-Index chưa thể trở lại

Phiên sáng 9/9: Dòng tiền vẫn đứng ngoài, VN-Index chưa thể trở lại

(ĐTCK) Dù mở cửa trong sắc xanh nhưng sự vắng bóng dòng tiền khiến thị trường nhanh chóng đảo chiều với thanh khoản sụt giảm mạnh.

Thị trường vừa trải qua tuần giao dịch đầu tiên của tháng 9 không mấy thuận lợi khi lực cầu vẫn tỏ ra khá thận trọng sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh trong khi bên bán luôn thường trực khiến VN-Index liên tiếp điều chỉnh. Tuy nhiên, áp lực bán không diễn ra ồ ạt nên thị trường chỉ điều chỉnh nhẹ và qua 4 phiên giao dịch, chỉ số VN-Index để mất gần 10 điểm.

Trong khi thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh, giao dịch nhà đầu tư nước ngoài đã trở lại trạng thái mua ròng sau nhiều tuần xả bán liên tiếp, tuy nhiên, nhân tố chính giúp khối này thay đổi xu hướng xuất phát từ giao dịch thỏa thuận lớn cổ phiếu AST. Nếu loại trừ yếu tố đột biến này, khối này vẫn bảo lưu trạng thái bán ròng nhưng giá trị đã giảm mạnh, chỉ còn khoảng 40 tỷ đồng.

Với những diễn biến trên, một số công ty chứng khoán cho rằng, độ rộng thị trường liên tục nghiêng mạnh về số mã giảm giảm, do đó không loại trừ khả năng xuất hiện nhịp điều chỉnh trong những phiên tới nhưng rủi ro giảm sâu không quá lo ngại.

Tuy nhiên, một số chuyên gia chứng khoán lại nhận định, khả năng thị trường sẽ hồi phục trở lại. Theo ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược, CTCK Dầu khí (PSI), trong tháng 9 sẽ có nhiều thông tin hỗ trợ thị trường như đàm phán thương mại Mỹ - Trung nhiều khả năng 2 bên sẽ nhượng bộ khiến căng thẳng giảm bớt, cuộc của FED với kịch bản hạ tiếp lãi suất 0,25% hay kỳ review các quỹ ETF đi kèm với việc gia tăng tỷ trọng các cổ phiếu lớn cũng sẽ khiến thị trường khởi sắc hơn.

Bước vào phiên sáng đầu tuần mới 9/9, mặc dù tâm lý nhà đầu tư vẫn thận trọng cao độ nhưng diễn biến tích cực ở một số mã lớn đã giúp VN-Index mở cửa trong sắc xanh và dành lại mốc 975 điểm.

Tuy nhiên, lực cầu khá yếu trong khi áp lực bán luôn thường trực khiến thị trường nhanh chóng thoái lui. Chỉ số VN-Index rung lắc và giao dịch lình xình quanh mốc tham chiếu với thanh khoản sụt giảm mạnh.

Đáng chú ý, cổ phiếu FTM tiếp tục bị xả mạnh trong khi bên mua vắng bóng. Sau khoảng 50 phút giao dịch, FTM tiếp tục đứng giá sàn 7.050 đồng/Cp, đây là phiên giảm sàn thứ 17 liên tiếp, khối lượng khớp lệnh 5.640 đơn vị và dư bán sàn hơn 15 triệu đơn vị.

Thị trường không có nhiều biến động và tiếp tục diễn biến giằng co nhẹ trong suốt thời gian còn lại.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 173 mã tăng và 107 mã giảm, VN-Index giảm 0,97 điểm (-0,1%), xuống 973,11 điểm. Thanh khoản thấp với tổng khối lượng giao dịch đạt 74,25 triệu đơn vị, giá trị gần 1.452 tỷ đồng, tăng 9,19% về khối lượng và 17,29% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước (6/9). Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 25,39 triệu đơn vị, giá trị 494,19 tỷ đồng.

Nhóm VN30 giao dịch thiếu tích cực với 17 mã giảm và chỉ 10 mã tăng. Trong đó, các cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục phân hóa nhẹ với MSN, VIC, VNM, SAB tăng nhẹ, còn BID, GAS, VRE, VHM cũng giảm dưới 1%, đáng kể TCB có mức giảm mạnh nhất trong nhóm này với mức giảm 1,58%, tạm đứng tại mức giá 21.850 đồng/CP.

Cổ phiếu ROS tiếp tục bị đẩy lùi sâu do áp lực bán gia tăng. Chốt phiên, ROS giảm 3,9% xuống mức 26.050 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 3,74 triệu đơn vị, tiếp tục dẫn đầu thanh khoản thị trường.

Đáng chú ý, mặc dù được xếp vào nhóm cổ phiếu đang giao dịch ở đỉnh điểm mua (buying climax) nhưng diển biến cổ phiếu FPT sáng nay vẫn hấp dẫn và tiếp tục khởi sắc. Với mức tăng 2,1%, cổ phiết FPT chốt phiên sáng tại mức giá 54.000 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh đứng thứ 3 trên sàn HOSE, đạt 1,92 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu bất động sản và khu công nghiệp cũng chịu sức ép và nhiều mã giao dịch dưới mốc tham chiếu như ITA giảm 4,92% xuống 3.090 đồng/CP và khớp gần 3,4 triệu đơn vị, SCR giảm 0,8% xuống 6.600 đồng/CP và khớp 1,7 triệu đơn vị, FLC, HQC, KBC, HBC…

Trên sàn HNX, sắc xanh chỉ kịp le lói đầu phiên và đã nhanh chóng bị dập tắt bởi áp lực bán gia tăng.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 34 mã tăng và 49 mã giảm, HNX-Index giảm 0,23 điểm (-0,23%), xuống 100,69 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 7,56 triệu đơn vị, giá trị 89,34 tỷ đồng, giảm 7,8% về lượng nhưng tăng 7,46% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,08 triệu đơn vị, giá trị 81,57 tỷ đồng.

Các cổ phiếu dầu khí đi ngang với các mã PVS, PVB, PVI, PVC đều đứng giá tham chiếu. Trong khi đó, ACB tiếp tục bị điều chỉnh nhẹ cùng DGC, CEO, VCG…

Trái lại, VCS tiếp tục là điểm sáng trong nhóm cổ phiếu bluechip khi tăng 1,31% và tạm chốt phiên sáng tại mức giá 85.000 đồng/CP.

Thanh khoản cũng là điểm đáng lưu ý trên sàn HNX khi trong tổng số gần 370 cổ phiếu đang niêm yết, không có mã nào có khối lượng khớp 1 triệu đơn vị. Cổ phiếu PVS dẫn đầu với khối lượng khớp lệnh chỉ đạt 854.400 đơn vị, tiếp theo là KLF, HUT và PVX chỉ hơn nửa triệu đơn vị.

Diễn biến giằng co liên tục lên xuống quanh mốc tham chiếu cũng diễn ra trên thị trường UPCoM.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,01 điểm (-0,02%), xuống 56,75 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 3,4 triệu đơn vị, giá trị 61,03 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 1 triệu đơn vị, giá trị 30,37 tỷ đồng.

Các mã lớn đang là nhân tố chính kìm hãm đà tăng của thị trường như BSR giảm 1,1% xuống 9.000 đồng/CP, VGI giảm 4,9% xuống 31.000 đồng/CP, GVR giảm 2,82% xuống 13.800 đồng/CP, ACV giảm 0,4% xuống 79.500 đồng/CP, BCM, VGT… cũng giảm.

Tin bài liên quan