Phiên sáng 9/8: Thị trường lao dốc, điều gì đã xảy ra?

Phiên sáng 9/8: Thị trường lao dốc, điều gì đã xảy ra?

(ĐTCK) Áp lực bán bất ngờ gia tăng và lan rộng toàn thị trường trong phiên sáng nay, khiến cả 2 sàn lao dốc mạnh. Lực bán diễn ra ồ ạt ở hàng trăm mã lớn nhỏ khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang không biết điều gì đang xảy ra.

VN-Index tiếp tục công cuộc chinh phục đỉnh cao mới, vượt qua mốc 795 điểm và hướng tới mục tiêu rất gần là 800 điểm. Tuy nhiên, không nằm ngoài nhận định của các chuyên gia chứng khoán khi cho rằng “tuy gần mà xa”.

Sau khi được kéo qua vùng giá 795 điểm trong phiên sáng qua, áp lực bán đã xuất hiện khiến thị trường trở nên rung lắc và quay đầu giảm điểm khi lực cung giá thấp gia tăng mạnh trong phiên chiều. VN-Index đe dọa thủng mốc 790 điểm nhưng nhờ sự hỗ trợ tích cực của một số mã lớn như SAB, GAS, VCB đã giúp đà giảm được thu hẹp và bảo toàn được ngưỡng hỗ trợ trên.

Theo phân tích của ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng phân tích CTCK IVS, thị trường chứng khoán hiện nay có nhiều nét tương đồng với năm 2016. Năm 2016, chỉ số VN-Index đã cố gắng chinh phục lại mốc đỉnh 673 điểm nhưng bất thành và thị trường đã bước vào một giai đoạn điều chỉnh tương đối dài trước khi tăng trở lại.

Do vậy, trong ngắn hạn, gần nhất là tháng 8, đà tăng của thị trường có thể sẽ sớm bị chặn lại, bởi dù thị trường có cố gắng bứt phá, nhưng chưa nhìn rõ những dòng tiền mới, hỗ trợ cho đà bứt phá này.

Bước vào phiên giao dịch sáng 9/8, áp lực bán tiếp tục gia tăng mạnh và lan tỏa toàn thị trường. Cùng với số mã giảm điểm chiếm ưu thế trên bảng điện tử, trong nhóm bluechip hầu hết cũng lùi về dưới mốc tham chiếu khi chỉ còn duy nhất ROS nhích nhẹ 100 đồng/CP, khiến VN-Index nhanh chóng chia tay mốc 790 điểm.

Trong khi dòng tiền tham gia có phần thận trọng hơn thì lực cung giá thấp tiếp tục ồ ạt đổ vào thị trường khiến VN-Index tiếp tục đe dọa mốc kháng cự thấp hơn 785 điểm trong đợt khớp lệnh liên tục.

Mặc dù nhận được thông tin tích cực là việc Ngân hàng nhà nước chấp thuận nới mục tiêu tăng trưởng tín dụng lên 20%, nhưng diễn biến nhóm cổ phiếu này trong phiên sáng nay khá tiêu cực và tạo gánh nặng chính lên thị trường. Sau gần 1 giờ giao dịch, BID giảm 4,42%, CTG giảm 1,78%, VCB giảm 0,26%, MBB giảm 1,5%, STB giảm 0,82%.

Nhóm cổ phiếu dầu khí sau những phiên khởi sắc cũng đã đảo chiều giảm, trong đó cặp đôi lớn gồm GAS giảm 1,2%, PLX giảm 0,9%. Thêm vào đó, các mã lớn khác như VNM, SAB , VIC, FPT, KDC, MWG… cũng đều giảm khá mạnh.

Không chỉ nhóm cổ phiếu lớn, một số mã đầu cơ vừa và nhỏ cũng bị chốt lời mạnh. Điển hình HAR sau 7 phiên tăng trần liên tiếp đã lao dốc mạnh trong phiên sáng nay. Từ mức giá trần, HAR đã đảo chiều giảm kịch sàn với mức giảm 6,7% và dư bán sàn 354.440 đơn vị.

Bên cạnh đó, HAI cũng mất sắc tím sau 22 phiên tăng trần và thậm chí có thời điểm bị kéo xuống mức giá sàn. Hiện HAI giảm 3,11%, tạm đứng ở mức giá 21.800 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công 4,44 triệu đơn vị.

Thị trường tiếp tục diễn biến tiêu cực, áp lực bán tháo trên diện rộng khiến sắc đỏ bao trùm bảng điện tử. Số mã giảm luôn chiếm áp đảo và gấp hơn 3 lần số mã tăng, trong đó các cổ phiếu lớn đua nhau giảm sâu, khiến VN-Index có thời điểm giảm tới hơn 15,5 điểm. Dù đà giảm có phần thu hẹp về cuối phiên nhờ lực cầu bắt đáy nhập cuộc, nhưng do cung giá thấp khá lớn khiến cả 2 chỉ số chính vẫn đánh mất hơn 1% trong phiên sáng nay.

Chốt phiên, sàn HOSE có 204 mã giảm/65 mã tăng, VN-Index giảm 10,42 điểm (-1,32%) xuống 781,15 điểm. Thanh khoản sôi động với khối lượng giao dịch đạt 201,11 triệu đơn vị, giá trị 3.127,6 tỷ đồng, tăng mạnh 54,43% về lượng và 36,38% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 4,29 triệu đơn vị, giá trị 178,36 tỷ đồng.

Trong khi đó, nhận tín hiệu đỏ trên sàn HOSE, sàn HNX cũng nhanh chóng đảo chiều giảm mạnh sau nhịp tăng nhẹ đầu phiên.

Với 118 mã giảm/52 mã tăng, HNX-Index giảm 1,17 điểm (-1,14%) xuống 101,11 điểm. Thanh khoản cũng cải thiện với tổng khối lượng giao dịch đạt 82,9 triệu đơn vị, giá trị 586,77 tỷ đồng, tăng 60,35% về lượng và hơn 62% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận đạt 725.433 đơn vị, giá trị 7,48 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu bluechip gồm VN30 và HNX30 tạo sức ép lớn. Cụ thể, VN30-Index giảm 8,66 điểm (-1,14%) xuống 749,76 điểm khi có tới 26 mã giảm, chỉ 4 mã tăng và 1 mã đứng giá. Tương tự, HNX30 cũng có 22 mã giảm, 2 mã tăng và 4 mã đứng giá, HNX30-Index giảm 2,64 điểm (-1,39%) xuống 187,17 điểm.

Trong phiên hôm nay, BID điều chỉnh giá tham chiếu để trả cổ tức năm 2016 bằng tiền mặt theo tỷ lệ 7%. Cổ phiếu này đã bị ồ ạt bán ra ở giữa phiên và bị kéo xuống mức giá sàn, tuy nhiên đà giảm có phần thu hẹp nhờ lực cầu khá tốt.

Tuy nhiên, BID vẫn là một trong những cổ phiếu tác động tiêu cực tới thị trường khi giảm 5%, xuống mức giá 20.800 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công 6,34 triệu đơn vị. Ngoài ra, các cổ phiếu khác trong nhóm ngân hàng cũng đều nới rộng đà giảm điểm, gia tăng gánh nặng lên thị trường.

Bộ đôi dẫn đầu tác động mạnh tới diễn biến chỉ số chung của thị trường là VNM và SAB cũng đều đứng dưới mốc tham chiếu với mức giảm lần lượt 0,9% và 0,4%. Thêm vào đó, các mã vốn hóa lớn khác như GAS, VIC, MSN, HPG, BVH… cũng đều giảm điểm.

Ở nhóm cổ phiếu nóng, trong khi AMD chỉ còn tăng nhẹ thì cặp đôi HAI và HAR cũng đều chia tay sắc tím và quay đầu giảm sàn, chấm dứt chuỗi ngày dài đua trần. Cụ thể, HAI giảm 6,89% với khối lượng khớp 6,64 triệu đơn vị và dư bán sàn 655.770 đơn vị; còn HAR giảm 6,7% với khối lượng khớp 2,68 triệu đơn vị và dư bán sàn 721.180 đơn vị. FLC cũng đảo chiều giảm 0,7% sau 4 phiên tăng liên tiếp với khối lượng khớp 7,22 triệu đơn vị.

Trong khi đó, đột biến đến với TSC. Không chỉ duy trì sắc tím và ghi nhận phiên tăng trần thứ 5 liên tiếp, TSC đã giao dịch tăng vọt trong phiên sáng nay. Cụ thể, TSC tăng 6,9%  với khối lượng khớp lệnh đạt 14,72 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản chỉ sau HQC khớp 17,75 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, đồng loạt các cổ phiếu lớn trong nhóm ngân hàng, dầu khí cũng đều giảm khá mạnh như ACB và SHB cùng giảm 1,2%, PVC giảm 3,2%, PVS giảm 2,3%, PGS giảm 3%, PVI giảm 1,8%...

Ngoài ra, các mã lớn khác như LAS, VCG, VCS, VND, NTP, CEO… cũng tác động thiếu tích cực lên thị trường khi lần lượt cùng giao dịch trong sắc đỏ.

Cổ phiếu KLF đã không giữ được sắc tím sau 2 phiên tăng trần liên tiếp, tuy nhiên đà tăng vẫn khá mạnh đạt 5,3%, chốt phiên tại mức giá 4.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 19,82 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường.

Lực bán tháo diễn ra mạnh đã khiến thị trường có phiên giảm mạnh nhất trong 7 tháng rưỡi qua và khiến tâm lý nhiều nhà đầu tư hoang mang không hiểu lý do gì khiến thị trường có phiên lao dốc mạnh như vậy.

Một số ý kiến lý giải là do thị trường phân phối đỉnh, số khác lại cho rằng có một số thông tin bất lợi khiến tâm lý nhà đầu tư hoảng loạn.

Tuy nhiên, điểm tích cực là lực cầu vẫn duy trì rất tốt, nhất là khi VN-Index về gần ngưỡng 775 điểm và HNX-Index xuống dưới ngưỡng 101 điểm. Chính lực cầu bắt đáy này giúp cả 2 chỉ số đã hãm bớt đà giảm, trong khi nhiều cổ phiếu nhỏ vẫn giữ được sức nóng của mình.

Trên sàn UPCoM, các mã lớn cũng là tác nhân chính khiến chỉ số tiếp tục giảm điểm.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,11 điểm (-0,2%) xuống 55,08 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 5,26 triệu đơn vị, giá trị 48,87 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 2,89 triệu đơn vị, giá trị 55,85 tỷ đồng, trong đó GEX thỏa thuận hơn 2,8 triệu đơn vị, giá trị 54,68 tỷ đồng.

Các mã lớn như GEX, HVN, VIB, VGT, LTG… vẫn chưa thoát khỏi sắc đỏ và tiếp tục tạo sức ép lớn lên thị trường.

Trong khi đó, cổ phiếu nhỏ TOP duy trì vị trí dẫn đầu thanh khoản trên sàn UPCoM với khối lượng giao dịch đạt 1,93 triệu đơn vị. Tiếp đó, PXL có khối lượng giao dịch đạt 535.100 đơn vị.

Tin bài liên quan