Phiên sáng 9/11: Sắc đỏ bao trùm, VN-Index mất mốc 920 điểm

Phiên sáng 9/11: Sắc đỏ bao trùm, VN-Index mất mốc 920 điểm

(ĐTCK) Sau 2 phiên tăng nhẹ liên tiếp, thị trường đã quay đầu điều chỉnh trong phiên sáng nay khi số mã giảm chiếm thế áp đảo trên bảng điện tử và VN-Index đánh mất mốc 920 điểm.

Vẫn chịu ảnh hướng khá lớn từ diễn biến thị trường quốc tế, chứng khoán Việt Nam đã nhanh chóng được kéo lên cao ngay khi mở cửa phiên giao dịch hôm qua (8/11), sau phiên rung lắc nhẹ trước đó. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư thận trọng chủ yếu đứng ngoài quan sát trước bối cảnh thị trường đang biến động khó lường khiến cung cầu không gặp nhau.

Cùng với thanh khoản rơi về mức thấp nhất trong hơn 3 tháng qua, đà tăng trong phiên 8/11 cũng đã thu hẹp đáng kể, thậm chí có thời điểm bị đẩy về sát mốc tham chiếu.

Với những diễn biến trên, hầu hết các công ty chứng khoán đều khuyến nghị nhà đầu tư cần thận trọng quan sát và hạn chế gia tăng tỷ trọng trong thời điểm hiện tại khi thị trường chưa thể hiện tín hiệu rõ ràng. Theo SHS, trong phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index có thể tiếp tục giằng co và đi ngang với vùng hỗ trợ tại 915-925 điểm (MA5-10) và vùng kháng cự tại 930-940 điểm.

Bước vào phiên giao dịch cuối tuần, trong khi dòng tiền tham gia khá hạn chế thì bên bán tiếp tục dâng cao khiến chỉ số VN-Index đảo chiều giảm sau 2 phiên tăng liên tiếp trước đó.

Đà giảm được nới rộng hơn khi sang đợt khớp lệnh liên tục do áp lực bán gia tăng mạnh và tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip. Chỉ sau hơn 20 phút giao dịch, mốc 920 điểm đã bị xuyên thủng.

Ngay khi về dưới vùng kháng cự này, lực cầu bắt đáy đã nhập cuộc giúp thị trường bật ngược đi lên. Tuy nhiên, dòng tiền tham gia khá nhỏ giọt khiến thị trường thiếu động lực để bật cao và chỉ số VN-Index chưa thể thoát khỏi sắc đỏ.

Thị trường giao dịch ảm đạm, hầu hết các cổ phiếu trong nhóm bluechip đều đứng dưới mốc tham chiếu và thanh khoản cũng khá cạn kiệt. Sau hơn 1 giờ giao dịch, trên sàn HOSE mới chỉ đạt 750 tỷ đồng tổng giá trị giao dịch.

Trái với diễn biến chung của thị trường, cổ phiếu FLC tiếp tục tỏa sáng và thu hút sự quan tâm của giới đầu tư. Hiện FLC tăng 4,6% lên mức 5.940 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lên tới 10,34 triệu đơn vị, trong khi hầu hết các mã trên sàn có khối lượng khớp lệnh khá nhỏ giọt.

Một trong những thông tin tác động tời FLC có thể là việc Thủ tướng Chính phủ vừa chính thức đồng ý với đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải về việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty TNHH Hàng không Tre Việt - đơn vị sở hữu hãng hàng không Bamboo Airways, thành viên của Tập đoàn FLC.

Dự kiến, Bamboo Airways sẽ đưa về Việt Nam ngay trong năm nay khoảng 20 máy bay và bổ sung thêm 20 - 30 chiếc trong năm 2019, để phục vụ các kế hoạch vận hành đã được đặt ra. Máy bay mới từ hai hợp đồng trị giá 8,8 tỷ USD ký kết với Airbus và Boeing dự kiến sẽ được bàn giao từ năm 2020.

Áp lực bán tiếp tục gia tăng về cuối phiên đã nhấn chìm thị trường trong sắc đỏ.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có tới 171 mã giảm và chỉ 78 mã tăng, chỉ số VN-Index giảm 6,91 điểm (-0,75%) xuống 919,37 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 77,74 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị hơn 1.425 tỷ đồng, giảm 9,5% về lượng và 5,78% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận đạt 8,16 triệu đơn vị, giá trị 140,4 tỷ đồng.

Tương tự, sàn HNX cũng bị đẩy lùi sâu dưới mốc tham chiếu. Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,85 điểm (-0,81%) xuống 103,69 điểm với 58 mã giảm và chỉ 28 mã tăng. Tổng khối lượng giao dịch đạt 16,48 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 180,25 tỷ đồng, giảm 5,83% về lượng và 19,26% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,28 triệu đơn vị, giá trị hơn 9 tỷ đồng.

Bên cạnh nhóm VN30 chỉ còn 2 mã NVL và SBT tăng nhẹ, top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HOSE cũng chỉ còn duy nhất VHM giữ được sắc xanh.

Trong đó, hầu hết các nhóm cổ phiếu trụ cột đều giảm. Cụ thể, nhóm ngân hàng với VCB, CTB và BID cùng giảm 1,1%, TCB giảm 1,7% xuống 26.550 đồng/CP, MBB giảm 0,9% xuống 21.200 đồng/CP, STB giảm 1,2% xuống 12.450 đồng/CP, HDB giảm 0,5% xuống 33.050 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu dầu khí có GAS giảm 2,1% xuống 98.3000 đồng/CP, PVD giảm 3,3% xuống 15.900 đồng/CP, PLX giảm 1,9% xuống 58.300 đồng/CP, PXS giảm 1,7% xuống 5.210 đồng/CP…

Thêm vào đó, một số mã lớn khác giảm khá sâu như VNM giảm 1,4% xuống 118.300 đồng/CP, MSN giảm 1,8% xuống 83.000 đồng/CP, SAB giảm 1,1% xuống 223.500 đồng/CP...

Thanh khoản thị trường tiếp tục sụt giảm mạnh, trong đó hầu hết các mã giao dịch tốt trên sàn HOSE chỉ khớp hơn 1 triệu đơn vị. Đáng kể, FLC vẫn là điểm sáng của thị trường khi tiếp tục thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.

Tạm chốt phiên sáng, FLC tăng 3,5% lên 5.880 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu thị trường, đạt 12,58 triệu đơn vị.

Tương tự, một số cổ phiếu lớn trên sàn HNX cũng giao dịch thiếu tích cực, là gánh nặng chính của thị trường như ACB giảm 1% xuống 29.100 đồng/CP, SHB giảm 1,3% xuống 7.500 đồng/CP, PVI giảm 0,3% xuống 31.800 đồng/CP, PVS giảm 2,7% xuống 18.200 đồng/CP, VCS giảm 0,5% xuống 74.800 đồng/CP, DGC giảm 1,7% xuống 46.600 đồng/CP…

Đáng chú ý trong nhóm cổ phiếu dầu khí, PGS đảo chiều giảm mạnh sau 8 phiên liên tiếp khởi sắc. Chốt phiên, PGS giảm 10% xuống mức giá sàn 30.600 đồng/CP và chỉ khớp 500 đơn vị.

Trên sàn HNX chỉ có 4 mã có khối lượng khớp tới hàng triệu đơn vị. Trong đó, PVS và KLF dẫn đầu với gần 2,4 triệu đơn vị; tiếp theo đó là SHB khớp 1,92 triệu đơn vị và NVB khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Trên sàn UPCoM, diễn biến cũng rung lắc trong phiên sáng cuối tuần và cũng không ngoại trừ khi giảm sâu hơn về cuối phiên do chịu áp lực bán tăng mạnh.

Chốt phiên, sàn UPCoM có 37 mã tăng và 52 mã giảm, chỉ số UPCoM-Index giảm 0,21 điểm (-0,41%) xuống 51,79 điểm. Tổng khối lượng giao dịch chỉ gần 5 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 78,94 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể chỉ hơn 6 tỷ đồng.

Không có mã nào có khối lượng giao dịch tới 1 triệu đơn vị. Cổ phiếu dầu khí BSR vẫn giao dịch sôi động nhất sàn với 763.700 đơn vị được chuyển nhượng thành công và tạm chốt phiên tại mức giá 15.800 đồng/CP, giảm 2,47%.

Tin bài liên quan