Phiên sáng 5/12: Chốt lời ồ ạt, sóng KLF chấm dứt

Phiên sáng 5/12: Chốt lời ồ ạt, sóng KLF chấm dứt

(ĐTCK) Đúng như dự báo của một số chuyên gia chứng khoán khi trao đổi với Đầu tư Chứng khoán trong chuyên mục bàn tròn tuần qua, con sóng nào cũng có đỉnh của nó và khi điều này đang tạm đúng với KLF, cũng như DST trong phiên giao dịch sáng nay.

Tiếp nối phiên điều chỉnh cuối tuần qua, thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa phiên giao dịch sáng nay tiếp tục giảm điểm khi một số cổ phiếu vốn hóa lớn như VCB, GAS, BID, ROS giảm giá.

Hiện ứng ETF gần như chưa ảnh hưởng nhiều tới thị trường trong phiên sáng nay. Cuối tuần qua, Quỹ FTSE ETF đã công bố thay đổi danh mục trong đợt review cuối cùng của năm 2016. Theo đó, quỹ này thêm vào HSG và CII với tổng khối lượng mua vào lần lượt là 157,8 triệu cổ phiếu và 88,11 triệu cổ phiếu, còn ROS đã không được thêm vào như kỳ vọng.

Một số mã khác cũng được tăng tỷ trọng trong đợt review này như VNM, SSI, STB, PVS, nhưng không đáng kể, với khối lượng mua vào dự kiến lần lượt là 15 triệu cổ phiếu, 1,98 triệu cổ phiếu, 17 triệu cổ phiếu và 3,95 triệu cổ phiếu.

Trong khi đó, quỹ này lại bán ra tại nhiều mã lớn như VIC (81,5 triệu), MSN (23 triệu), BVH (42,7 triệu), HPG (3,95 triệu), VCG (29,6 triệu), PVD (19,7 triệu), DPM (32,88 triệu)…

Tuy nhiên, diễn biễn của các mã này trong phiên sáng nay chưa bị tác động nhiều, các mã dự kiến sẽ bị bán ra mạnh lại đang có sắc xanh như DPM, HPG, HAG, VIC, trong khi các mã được thêm mới hoặc mua thêm như CII, HSG, SSI, STB lại đang giảm giá.

Áp lực bán gia tăng cuối phiên đã khiến sắc xanh nhạt tại VNM cũng chuyển thành sắc đỏ, một số mã bluechip khác cũng đảo chiều như FPT, PVD,NKG, SMC… khiến đà giảm của VN-Index được nới rộng thêm và mốc 660 điểm bị đe dọa.

Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 4,78 điểm (-0,72%), xuống 660,36 điểm với 74 mã tăng, trong khi có tới 154 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 107,18 triệu đơn vị, giá trị 1.941,4 tỷ đồng, tuy nhiên giao dịch thỏa thuận đã đóng góp tới 59,58 triệu đơn vị, giá trị 1.060 tỷ đồng, chủ yếu đến từ VSH với 39,7 triệu cổ phiếu, giá trị 797 tỷ đồng.

Tương tự, HNX-Index cũng nhanh chóng đảo chiều sau sắc xanh nhạt đầu phiên và đà giảm nới rộng dần đều về cuối phiên, chốt ở mức 80,47 điểm, giảm 0,71 điểm (-0,87%) với 47 mã tăng và cũng có tới 84 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 42,76 triệu đơn vị, giá trị 341,69 tỷ đồng, giao dịch thỏa thuận không đáng kể.

Áp lực bán mạnh khiến các mã có vốn hóa lớn đều giảm giá, như VNM giảm 0,15%, VCB giảm 0,85%, GAS giảm 2,8%, VIC giảm 0,12%, BID giảm giảm 1,31%, ROS giảm 3,06%, BVH giảm 1,2%... Trong nhóm này, chỉ có HPG và MSN có mức tăng tốt, lần lượt 1,07% và 1,43%, còn CTG đứng ở tham chiếu.

Trên HNX, các mã lớn cũng đồng loạt giảm giá, như ACB giảm 0,56%, PVS giảm 2,19%, PVC giảm 2,25%, PVB giảm 1,67%, VCG giảm 0,65%, VCS giảm 2,38%..., chỉ có NTP tăng nhẹ.

Tuy nhiên, sự chú ý của cả 2 sàn trong phiên sáng nay vẫn dồn vào 2 mã là HQC (HOSE) và KLF (HNX).

HQC sau thông tin về việc hỗ trợ lãi suất cho khoảng 5.000 khách hàng mua nhà các dự án nhà ở xã hội của Công ty và điều này có thể làm sụt giảm lợi nhuận của Công ty đã bị bán tháo mạnh với lượng dư bán sàn trong các phiên gần đây rất lớn, hàng chục triệu đơn vị. Trong phiên sáng nay, ngay từ khi mở cửa phiên, lượng dư bán sàn và ATO đã chất đầy, trong khi bên mua lại rất nhỏ giọt, khiến HQC có phiên giảm sàn thứ 4 liên tiếp, xuống 3.550 đồng với lượng dư bán sàn hơn 49 triệu đơn vị, trong khi lượng khớp chỉ hơn 100.000 đơn vị.

Trong khi đó, tưởng chừng KLF sẽ tiếp tục có phiên tăng trần thứ 11 liên tiếp để lên ngưỡng 4.200 đồng (tương đương với mức tăng 133% so với ngày 18/11) khi có lượng dư mua trần tới 8,5 triệu đơn vị. Tuy nhiên, đúng như nhận định của một số chuyên gia, con sóng nào cũng có đỉnh, nên trong nửa cuối phiên sáng, áp lực chốt lời ồ ạt diễn ra, đẩy KLF xuống mức sàn 3.600 đồng, trước khi hồi trở lại, đóng cửa ở mức giá 3.800 đồng, giảm 2,56% với 21,58 triệu đơn vị được khớp.

Tương tự, DST cũng không còn duy trì được đà tăng trần như 10 phiên trước đó, nhưng mã này vẫn tích cực hơn KLF khi đóng cửa tăng 1,19%, lên 34.000 đồng. Trong 10 phiên tăng trần, DST cũng có mức tăng 154,5% và với mức giá hiện tại, mã này cũng đã tăng 157,6%.

Trong khi đó, ACM gây chú ý với phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp với thanh khoản khá tốt, tổng khớp gần 2 triệu đơn vị và còn dư mua trần. HKB cũng bật tăng mạnh mẽ sau khi lình xình đầu phiên, chốt phiên với mức trần 2.300 đồng, tổng khớp 1,47 triệu đơn vị và cũng còn dư mua trần khá lớn.

Tin bài liên quan