Phiên sáng 31/5: VNM khởi sắc, VN-Index hồi sinh

Phiên sáng 31/5: VNM khởi sắc, VN-Index hồi sinh

(ĐTCK) Dù áp lực bán vẫn gia tăng mạnh, nhưng đà tăng của một số mã lớn, đặc biệt là VNM, giúp VN-Index phục hồi trở lại sau phiên lao dốc hôm qua.

Thị trường đã có một phiên điều chỉnh sâu trong ngày 30/5. Sau những diễn biến thiếu tích cực từ phiên sáng, thị trường đã trở nên tiêu cực hơn ngay sau giờ nghỉ trưa khi lực cung lớn ồ ạt bung mạnh khiến sắc đỏ ngập tràn bảng điện tử. Đặc biệt, nhóm cổ phiếu bluechip chịu áp lực lớn đã tác động khá mạnh khiến VN-Index có phiên giảm mạnh nhất kể từ đầu năm, mất hơn 1% và thủng ngưỡng 740 điểm.

Tuy nhiên, thị trường vẫn có những tín hiệu khá tốt như thanh khoản trên sàn HOSE tiếp tục giữ ở mức trên 5.000 tỷ đồng, dòng vốn ngoại vẫn duy trì trạng thái mua ròng hơn 100 tỷ đồng… Đây sẽ là những yếu tố hỗ trợ tốt cho tâm lý thị trường khi bước vào phiên giao dịch cuối cùng của tháng 5.

Theo nhận định từ SHS, phiên điều chỉnh 30/5 được cho là cần thiết, nhằm giúp margin bớt căng, cũng như tạo nền giá vững chắc giúp thị trường đi lên bền vững hơn. Theo đó, trong phiên 31/5, VN-Index sẽ hồi phục lại về kháng cự 739-743 điểm nếu test thành công hỗ trợ 734-737 điểm.

Đúng như nhận định trên, thị trường đã tìm thấy “ánh sáng” trong phiên sáng 31/5 sau phiên lao mạnh ngày hôm qua. Áp lực bán được tiết chế giúp sắc xanh trở lại, trong đó hầu hết các cổ phiếu bluechip cũng đã hồi phục là điểm tựa chính giúp thị trường khởi sắc.

Tâm lý lo ngại sau phiên giảm sâu hôm qua khiến thị trường giao dịch khá thận trọng. Trên sàn HOSE nói chung và trong nhóm VN30 nói riêng, sắc xanh chiếm áp đảo nhưng biên độ tăng khá hẹp khiến độ rộng thị trường không mấy an toàn.

Sau khoảng 40 phút cầm cự, VN-Index đã chính thức đảo chiều do lực cung hàng gia tăng. Cùng với các mã lớn như VNM, VCB, VIC, MSN chỉ còn nhích nhẹ, các cổ phiếu khác như GAS, BID, CTG… quay đầu đảo chiều, gia tăng “bất lợi” lên thị trường.

Trong khi thị trường tiếp tục phát đi những tín hiệu xấu thì một số mã vẫn đi ngược xu thế chung. Cụ thể, “tân binh” CTF dù giao dịch hạn chế với khối lượng khớp lệnh hiện chỉ đạt 500 đơn vị nhưng sắc tím được bảo toàn với mức tăng 6,9%.

Tâm điểm đáng chú ý là VNG. Trong khi các mã tăng trần trong phiên hôm qua như ABT, KAC, TV3, VNF… đều quay đầu giảm điểm hoặc trở lại mốc tham chiếu thì VNG vẫn tiếp tục vững bước.

Hiện VNG tăng 6,7% lên mức 12.750 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 232.230 đơn vị và dư mua trần 280.820 đơn vị. Đây là phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp của mã này.

Sau nhịp điều chỉnh đẩy VN-Index về mốc 735 điểm, lực cầu hấp thụ gia tăng mạnh giúp thị trường bật ngược lên. Tuy nhiên, áp lực bán vẫn luôn thường trực khiến số mã giảm điểm vẫn chiếm áp đảo và VN-Index cũng tăng không quá lớn.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 95 mã tăng và 126 mã giảm, VN-Index tăng 0,85 điểm (+0,12%) lên 739,06 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 90,16 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 2.115,16 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 3,77 triệu đơn vị, giá trị gần 325 tỷ đồng. Riêng SAB thỏa thuận 1,46 triệu đơn vị, giá trị 280,7 tỷ đồng.

Tương tự, sau khi nhận tín hiệu điều chỉnh như sàn HOSE, sàn HNX cũng quay đầu đi lên, tuy nhiên đà tăng có phần khởi sắc hơn.

Với mức tăng 0,88 điểm (+0,95%), HNX-Index chốt phiên sáng tại mức 94,12 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 48,78 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 464,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chỉ đạt hơn 4 tỷ đồng.

Trong khi nhóm cổ phiếu ngân hàng đang phân hóa nhẹ với BID, VCB, STB tăng nhẹ, MBB đứng giá, còn CTG giảm điểm; thì các mã họ P lại chịu tác động của thông tin thiếu tích cực từ việc giá dầu thô suy giảm, đều giao dịch trong sắc đỏ.

Sau những rung lắc đầu phiên, cổ phiếu lớn VNM đã khởi sắc, đang đóng vai trò là điểm tựa chính giúp thị trường tăng điểm. Hiện VNM tăng 1,07% lên mức 151.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 270.490 đơn vị.

Ngoài VNM, một số mã lớn khác cũng hỗ trợ thị trường như VIC, MWG, FPT, HSG, ROS…

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, NVT sau chuỗi ngày dài với 12 phiên tăng trần liên tiếp, Chủ tịch HĐQT Công ty đã đăng ký bán ra 3 triệu cổ phiếu, khiến cổ phiếu này quay đầu đi xuống. Sau 3 phiên giảm sàn, chốt phiên sáng nay, NVT đứng tại mức giá 4.010 đồng/CP, giảm 7% và dư bán sàn 2,57 triệu đơn vị.

Trong khi đó, VOS và VNG cùng có phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp, bất chấp thời điểm thị trường lao dốc giảm sâu. Hiện VOS tăng 6,8% và chuyển nhượng 105.030 đơn vị, dư mua trần 246.170 đơn vị; còn VNG tăng 6,7% với khối lượng khớp lệnh 307.900 đơn vị và dư mua trần 115.020 đơn vị.

Tâm điểm đáng chú ý trong phiên sáng nay là SHB. Trong khi hầu hết các mã ngân hàng chỉ lình xình nhẹ quanh mốc tham chiếu thì SHB lại có cú bứt phá mạnh.

Dòng tiền ồ ạt chảy vào giúp SHB có thời điểm được kéo lên trần. Kết phiên, SHB tăng 5,8% lên mức 7.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu thị trường, đạt 25,82 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, ACB cũng hồi phục sau phiên điều chỉnh nhẹ hôm qua. Với mức tăng 0,8%, ACB chốt phiên tại mức 25.200 đồng/CP và khớp 1,19 triệu đơn vị.

Trái với diễn biến thiếu tích cực từ các cổ phiếu dầu khí trên sàn HOSE, các mã cùng họ trên sàn HNX lại đua nhau khởi sắc, cũng hỗ trợ tốt cho thị trường hồi phục như PVC, PVS, PGS…

Sàn UPCoM có diễn biến trái ngược với 2 sàn chính. Sau nửa đầu phiên khởi sắc, áp lực điều chỉnh từ các mã lớn đã đẩy chỉ số sàn xuống dưới mốc tham chiếu.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm nhẹ 0,04 điểm (-0,07%) xuống 57,9 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,27 triệu đơn vị, giá trị hơn 30 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận khá thấp, chỉ đạt gần 2,4 tỷ đồng.

Một số mã lớn giao dịch trong sắc đỏ, tác động thiếu tích cực tới thị trường như HVN, ACV, VOC, VGT…

SBS là cổ phiếu giao dịch tốt nhất trên sàn UPCoM, với khối lượng giao dịch đạt 1,26 triệu đơn vị. Chốt phiên sáng, SBS tăng 7,14% đứng tại mức giá 1.500 đồng/CP.

Tin bài liên quan