Phiên sáng 3/2: Lực cầu bắt đáy nhập cuộc, thị trường hãm đà rơi

Phiên sáng 3/2: Lực cầu bắt đáy nhập cuộc, thị trường hãm đà rơi

(ĐTCK) Áp lực bán tháo diễn ra ngay khi mở cửa phiên sáng nay đầy VN-Index có lúc giảm hơn 40 điểm với hàng loạt mã giảm sản. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy sau đó nhập cuộc giúp thị trường trở lại và đóng cửa phiên sáng còn giảm hơn 29 điểm.

Thị trường đột ngột lao dốc trong những ngày đầu Xuân mới, đi ngược với nhận định của giới phân tích sau những phiên khởi sắc cuối năm Kỷ Hợi. Chỉ trong 2 phiên giao dịch, chỉ số VN-Index đã để mất tới 55 điểm, tương ứng giảm hơn 5,6% và kết thúc tuần tại mức 102,36 điểm, đây là mức thấp nhất trong gần 1 năm qua (đóng cửa phiên 11/2/2019 tại 926,1 điểm).

Áp lực bán tháo không chỉ diễn ra ở thị trường chứng khoán Việt Nam, trên thị trường châu Á cũng diễn ra trạng thái đỏ lửa trước tác động từ dịch cúm Corola. Tuy nhiên, điểm nhấn thị trường trong 2 phiên vừa qua là sự lội ngược dòng của nhóm cổ phiếu ngành dược trong nước khi hầu hết các mã đều tăng mạnh.

Mặc dù vậy, theo phân tích và đánh giá, nhóm cổ phiếu dược hiện nay, chủ yếu nguyên liệu của ngành là nhập khẩu. Khi nhu cầu phòng chống dịch tăng cao ở Trung Quốc và khu vực châu Á, giá nguyên liệu sẽ đẩy lên cao, cũng như tạo sự khan hiếm nếu các thuốc, thành phần thuốc có thể phòng ngừa và chữa trị được dịch Virus Corona thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng khó mà hưởng lợi.

Bên cạnh đó, do các doanh nghiệp dược Việt Nam chủ yếu là sản xuất trực tiếp, hoặc gia công không có bằng sáng chế thuốc, cũng như không một giải pháp nào để tăng phòng ngừa, hoặc chữa trị cho bệnh nhân nhiễm Virus Corona, nên giai đoạn đầu có thể các doanh nghiệp thiết bị y tế hưởng lợi nhưng xét về cơ cấu doanh thu và tỷ trọng là không quá lớn.

Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngành dược vẫn đang là tâm điểm chính của thị trường trong bối cảnh này.

Bước vào phiên giao dịch sáng 3/2, thị trường tiếp tục chịu áp lực xả bán mạnh. Toàn bảng điện tử chìm trong sắc đỏ, chỉ số VN-Index nhanh chóng thủng ngưỡng kháng cự 900 điểm và để mất tới hơn 40 điểm.

Mặc dù sau đó có bật ngược đi lên chút ít nhưng đà bán tháo vẫn diễn ra khiến hàng trăm mã giao dịch dưới mốc tham chiếu và số mã giảm sàn cũng tiếp tục tăng cao. Chỉ số VN-Index biến động lình xình quanh mốc 900 điểm.

Trong khi thị trường đỏ lửa thì nhóm cổ phiếu dược vẫn tiếp tục lội ngược dòng và tỏa sáng. Điển hình, DHG, TRA, DHT tăng trần, IMP và AMV cũng tăng gần hết biên độ.

Thị trường vẫn chưa tìm thấy tín hiệu tích cực khi chỉ lượng ít cổ phiếu le lói sắc xanh trong khi vẫn hàng trăm mã giao dịch dưới mốc tham chiếu. Tuy nhiên, VN-Index đã may mắn lấy dành lại mức giá 900.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE chỉ có 22 mã tăng và có tới 316 mã giảm, VN-Index giảm 29,61 điểm (-3,16%), xuống 907,01 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 167 triệu đơn vị, giá trị 2.929,59 tỷ đồng, tăng 43,58% về khối lượng và 36,62% về giá trị so với phiên sáng 31/1. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 18,31 triệu đơn vị, giá trị 334,98 tỷ đồng.

Trong nhóm VN30, chỉ số CTG và NVL xanh nhạt với mức tăng chỉ trên dưới 0,5%, còn lại đều giảm sâu. Đáng kể, ROS và VJC giảm sàn, BID -2,9% xuống 50.000 đồng/CP, GAS -5,5% xuống 81.700 đồng/CP, MSN -6,6% xuống 46.800 đồng/CP, SAB -2,4% xuống 207.000 đồng/CP, VNM -3,7% xuống 104.500 đồng/CP, VHM -3,1% xuống 84.800 đồng/CP, VCB -2,3% xuống 86.700 đồng/CP, TCB -3,7% xuống 20.800 đồng/CP, VIC -1% xuống 113.500 đồng/CP, VRE -4% xuống 28.850 đồng/CP…

Không chỉ các mã lớn giảm sâu, nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ cũng bị xả bán mạnh. Cụ thể, FLC, HQC, HAG, AMD, HAI, ASM, ITA… cũng lần lượt nằm sàn, trong đó FLC dẫn đầu thanh khoản với hơn 11,8 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Trái lại, các cổ phiếu dược phẩm vẫn duy trì đà tăng khá tốt với DHG, DHT, TRA, JVC vẫn bảo toàn sắc tím cùng AMV, IMP tăng mạnh.

Trên sàn HNX, sau khi rơi xuống mốc 98, thị trường cũng đã thu hẹp đà giảm chút ít.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 2,43 điểm (-2,37%), xuống 99,43 điểm với 79 mã giảm và chỉ 7 mã tăng. Tổng khối lượng giao dịch đạt 40,5 triệu đơn vị, giá trị 385,66 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp thêm hơn 1 triệu đơn vị, giá trị 28,93 tỷ đồng.

Bên cạnh nhiều mã trong nhóm HNX30 giảm sàn như PVC, KLF, L14, NDN, nhiều mã lớn giảm sâu khiến thị trường vẫn chưa thoát khỏi đà lao dốc.

Cụ thể, ACB -2,6% xuống 22.400 đồng/CP, DGC -3,7% xuống 23.700 đồng/CP, PVS -4,3% xuống 15.600 đồng/CP, PVI -1,6% xuống 30.100 đồng/CP, VCG -2,8% xuống 24.600 đồng/CP, VCS -3,4% xuống 63.300 đồng/CP, BVS -4% xuống 10.000 đồng/CP…

Trong khi đó, SHB vẫn giữ mốc tham chiếu 7.500 đồng/CP và là mã giao dịch sôi động nhất sàn HNX với khối lượng khớp lệnh đạt 13,89 triệu đơn vị. Tiếp theo là ACB khớp gần 3,54 triệu đơn vị, PVS khớp 3,12 triệu đơn vị.

Thị trường UPCoM cũng chứng kiến đà xả bán mạnh và giảm sâu.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 1,22 điểm (-2,21%), xuống 53,91 điểm với 84 mã giảm và 22 mã tăng. Tổng khối lượng giao dịch đạt 9,87 triệu đơn vị, giá trị 117,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp thêm 15,23 tỷ đồng.

Cũng như sàn niêm yết, nhiều mã lớn trên UPCoM cũng giảm mạnh như BSR, GVR, VGT, VGI, VEA… Trong đó, BSR -5,13% xuống 7.400 đồng/CP với khối lượng giao dịch lớn nhất, đạt 2,88 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan