Phiên sáng 28/12: Bluechip đảo chiều, VN-Index đuối sức

Phiên sáng 28/12: Bluechip đảo chiều, VN-Index đuối sức

(ĐTCK) Dù mở cửa với sắc xanh, nhưng với việc một số bluechip đảo chiều khiến VN-Index đuối sức vừa đóng cửa trong sắc đỏ. Tâm điểm chú ý của thị trường phiên sáng nay vẫn là OGC và đặc biệt là "tân binh" NVL.

Thị trường hôm qua 27/12 đã có phiên giao dịch giằng co khá mạnh. Đã có một vài thời điểm VN-Index đã điều chỉnh giảm dưới mốc tham chiếu, song đều nhanh chóng hồi phục trở lại nhờ sự đồng thuận của nhóm cổ phiếu lớn, mà điển hình trong đó là VNM và SAB.

Cùng với đó, thanh khoản thị trường cũng đã tăng khá mạnh trở lại. Đây là diễn biến được nhìn nhận là rất tích cực, nhất là trong bối cảnh thị trường đang thiếu vắng thông tin, cũng như tâm lý nghỉ lễ đang chi phối lên dòng tiền vào thị trường.

Bước vào phiên sáng nay, sắc xanh tiếp tục được phủ lên thị trường khi nhóm cổ phiếu lớn vẫn đang cho thấy sự đồng thuận, trong đó 2 mã có tác động mạnh nhất là VNM và SAB đều đang tăng điểm khá tốt.

Mặc dù vậy, áp lực lên một số mã lớn khác như GAS, BID, VCB… hay khá nhiều bluechips như KDC, GMD, MWG, REE, CII… khiến đà tăng của VN-Index bị ảnh hưởng đáng kể. VN-Index rung lắc mạnh.

Hoạt động giao dịch diễn ra chậm, khi sự thận trọng đầu phiên được để cao. Trên cả 2 sàn, OGC là có thanh khoản vượt trội với hơn 3,9 triệu đơn vị được sang tên sau 45 phút giao dịch, cùng với đó là mức tăng trần lên 1.320 đồng/CP. Thanh khoản mạnh tốt trở lại với OGC trong một vài phiên vừa qua, khi đây đang là thời điểm diễn ra phiên xử phúc thẩm một trong những “đại án” kinh tế, trong đó có liên quan đến OGC.

Hôm nay cũng là phiên mà cổ phiếu NVL của Novaland chính thức giao dịch trên HOSE. Cũng như các cổ phiếu mới chào sàn khác, NVL hiện đang tăng kịch trần lên 60.000 đồng/CP, tức tăng 20%, thanh khoản mạnh thứ 2 thị trường với 1,04 triệu đơn vị được khớp và vẫn còn dư mua trần hơn 1 triệu đơn vị.

Một mã cổ phiếu cũng gây chú ý không kém, nhưng ở trong hoàn cảnh hoàn toàn trái ngược, đó là CDO. Dường như chuỗi giảm sàn của CDO chưa đến hồi kết và đang hướng đến phiên giảm sàn thứ 17 liên tiếp trong phiên sáng này. Mặc dù trước đó, ở thời điểm CDO có phiên giảm sàn thứ 10, Chủ tịch HĐQT CDO đã lên tiếng trấn an cổ đông.

Cụ thể, theo ông Vũ Đình Nhân, Chủ tịch HĐQT Công ty, năm 2017, lợi nhuận dự kiến của CDO tăng khoảng 20% so với con số ước lợi nhuận năm 2016 là 47 tỷ đồng.
Giải thích về việc giá cổ phiếu CDO liên tục giảm sàn, ông Nhân cho biết, diễn biến giá cổ phiếu là câu chuyện thị trường, không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh chung của Công ty, vì Công ty vẫn đang trong chiều hướng tốt lên.
"Tôi xin nhấn mạnh lại một lần nữa với các cổ đông, nhà đầu tư rằng mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty vẫn diễn ra một cách bình thường và trong xu hướng tốt dần lên trong tương lai"., ông Nhân khẳng định.

Dần về cuối phiên, áp lực cung giá thấp được gia tăng, khiến nhiều mã vốn hóa lớn và bluechips giảm điểm, kéo VN-Index lùi qua mốc tham chiếu. Đồng thời, sức cầu suy yếu cũng làm động lực tăng của VN-Index bị triệt tiêu, thanh khoản theo đó sụt giảm mạnh.

Trong khi đó, HNX-Index vẫn duy trì được sắc xanh khi vẫn nhận được sự hỗ trợ khá tốt từ các cổ phiếu lớn.

Kết thúc phiên giao dịch sáng 28/12, với 119 mã giảm và 87 mã tăng, VN-Index giảm 1,31 điểm (-0,2%) về 662,55 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 60,19 triệu đơn vị, giá trị 1.183,33 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 152 tỷ đồng, với hơn 63 tỷ đồng là giá trị giao dịch của trái phiếu Anco; 6,8 triệu cổ phiếu ITA, giá trị 25,2 tỷ đồng và 1,44 triệu cổ phiếu SCR, giá trị 12,2 tỷ đồng.

Ngược lại, với 77 mã giảm và 58 mã tăng, HNX-Index tăng 0,27 điểm (+0,34%) lên 78,14 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 12,86 triệu đơn vị, giá trị 128,75 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 16,86 tỷ đồng.

VN-Index quay đầu giảm khi các mã vốn hóa lớn như SAB, BID, BVH, MSN, VIC, VCB đều giảm điểm trước áp lực cung giá thấp gia tăng, GAS, CTG cố găng mới giữ được mốc tham chiếu.

Sức cầu tại nhóm cổ phiếu lớn cũng suy yếu rõ rệt. Chỉ có HPG là duy trì được mức thanh khoản tốt, với 1,99 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Lúc này, sắc xanh của VNM và ROS, hay HPG, HSG, FPT, KDC… có vai trò hãm bớt đà giảm của chỉ số.

Hoạt động giao dịch vẫn diễn ra chủ yếu ở nhóm cổ phiếu thị trường, nhưng cũng chỉ có 11 mã là khớp lệnh đạt trên 1 triệu đơn vị trên cả 2 sàn giao dịch.

OGC tiếp tục dẫn đầu thị trường với 5,43 triệu đơn vị được khớp và vẫn còn dư mua trần hơn 1,36 triệu đơn vị.

Với NVL, khác với xu hướng “om hàng” khi cổ phiếu mới được đưa lên lại, thì cổ phiếu này lại thể hiện mức thanh khoản hết sức dồi dào, khi có tới hơn 3,487 triệu đơn vị được sang tay ngay trong buổi sáng giao dịch đầu tiên, trong khi vẫn còn dư mua trần hơn 0,46 triệu đơn vị.

Chia sẻ thêm, với gần 590 triệu cổ phiếu phổ thông được niêm yết, thì phiên tăng trần này đã giúp ông chủ của NVL là ông Bùi Thành Nhơn góp mặt trong nhóm tỷ phú USD trên sàn chứng khoán Việt Nam và đứng vị trí thứ 4, với giá trị tài sản hiện đạt trên 23.100 tỷ đồng, sau các ông Trịnh Văn Quyết, Phạm Nhật Vượng và Trần Đình Long.

Trong khi đó, CDO vẫn yên vị ở mức giá sàn với lượng dư bán sàn hơn 7,88 triệu đơn vị.

SHB và KLF là 2 mã có lượng khớp trên 1 triệu đơn vị trên sàn HNX. SHB tăng nhẹ, còn KLF đứng giá tham chiếu. Các mã lớn ACB, NTP, VCS, BVS… tăng ổn định, giúp HNX-Index duy trì sắc xanh.

Tin bài liên quan