Phiên sáng 26/11: Nhà đầu tư đứng nhìn, thị trường chưa thể gượng dậy

Phiên sáng 26/11: Nhà đầu tư đứng nhìn, thị trường chưa thể gượng dậy

(ĐTCK) Dòng tiền vẫn chủ yếu đứng ngoài quan sát khiến thị trường giao dịch ảm đạm và đóng cửa với sắc đỏ trong phiên giao dịch sáng đầu tuần mới.

Bên cạnh nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng, dòng tiền trong nước cũng tham gia khá hạn chế khiến giao dịch buồn tẻ, nhưng sự hỗ trợ tích cực của các nhóm cổ phiếu lớn đã giúp VN-Index khởi sắc trong tuần qua và lần lượt lấy lại các mốc kháng cự quan trọng.

Tuy nhiên, sau 5 phiên tăng liên tiếp, thị trường đã gặp áp lực bán gia tăng và tập trung vào các mã bluechip và vốn hóa lớn, khiến đà tăng bị chặn lại, VN-Index đóng cửa phiên cuối tuần tại mốc 917 điểm.

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta, xu hướng ngắn và trung hạn của chỉ số VN-Index vẫn đang duy trì ở mức giảm, nhưng điểm tích cực là dòng tiền có sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu cho thấy dòng tiền vẫn chưa rút hoàn toàn ra khỏi thị trường và cơ hội tìm kiếm lợi nhuận vẫn có. Do đó, sẽ không hoàn toàn có kịch bản quá xấu đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.

Bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới 26/11, thị trường vẫn duy trì sắc đỏ trước áp lực bán có phần chiếm áp đảo.

Đà giảm càng nới rộng hơn khiến VN-Index nhanh chóng thủng mốc 915 điểm. Tuy nhiên, ngay lập tức, lực cầu gia tăng giúp thị trường bật ngược trở lại nhưng chưa đủ mạnh để giúp VN-Index dành lại mốc tham chiếu.

Sau hơn 1 nửa thời gian giao dịch và giằng co, việc đảo chiều hồi phục của một số mã lớn đã giúp thị trường le lói sắc xanh. Đà tăng không mấy bền vững trước sự vắng bóng của dòng tiền mạnh cùng lực bán thường trược, đã kéo VN-Index trở về dưới mốc tham chiếu khi chốt phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 154 mã giảm và 109 mã tăng, chỉ số VN-Index giảm 0,64 điểm (-0,07%) xuống 917,33 điểm. Thanh khoản giảm đáng kể với tổng khối lượng 50,7 triệu đơn vị, giá trị 1.100,6 tỷ đồng, giảm 19,15% về lượng và 24,4% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đạt 3,74 triệu đơn vị, giá trị 108,54 tỷ đồng.

Tương tự, sàn HNX cũng phát tín hiệu xanh trong phút chốc và nhanh chóng quay trở về dưới mốc tham chiếu trước áp lực bán dâng cao.

Chốt phiên, sàn HNX có 45 mã giảm và 27 mã tăng, chỉ số HNX-Index giảm 0,31 điểm (-0,3%) xuống 103,96 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 14,23 triệu đơn vị, giá trị 196,98 tỷ đồng, giảm 41,42% về lượng và 48% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,92 triệu đơn vị, giá trị 13,91 tỷ đồng.

Nhóm VN30 chỉ có 7 mã tăng và có tới 17 mã giảm, trong đó bên cạnh đà tăng nhẹ của MSN, HPG, MWG, HSG, KDC, đáng chú ý là trụ cột VNM đảo chiều sau phiên giảm cuối tuần trước với mức tăng khá tốt 2,5%, chốt phiên tại mức 120.900 đồng/CP.

Trái lại, thông tin giá dầu thô lao dốc trong ngày Black Friday xuống mức thấp nhất 1 năm, đã khiến các cổ phiếu trong nhóm dầu khí đề suy giảm như GAS giảm 2,1% xuống 90.600 đồng/Cp, PLX giảm 0,7% xuống 57.800 đồng/Cp, PVD giảm 1% xuống 15.350 đồng/CP…

Bên cạnh đó, dòng bank cũng lần lượt quay đầu điều chỉnh dù đà giảm không quá sâu nhưng hầu hết đều giao dịch trong sắc đỏ, ngoại trừ BID tăng nhẹ 0,2% lên 31.750 đồng/Cp và TCB tăng 0,8% lên 26.300 đồng/CP.

Giao dịch toàn sàn khá ảm đạm. Cổ phiếu ASM có thanh khoản dẫn đầu sàn HOSE chỉ với gần 2,3 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công. Còn trong nhóm Vn30 chỉ có duy nhất CTG và MBB có khối lượng khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, trong khi VCG và NTP tăng nhẹ trên dưới 0,5% thì các mã lớn khác đang chịu áp lực bán ra như VCS giảm 1,5% xuống 73.900 đồng/CP, PVS giảm 1,6% xuống 18.800 đồng/CP, ACB giảm 0,3% xuống 28.900 đồng/CP, PVB giảm 1,7% xuống 17.200 đồng/CP.

Cổ phiếu VCG đã hạ nhiệt sau phiên bùng nổ ngày cuối tuần bởi tác động của phiên đấu giá lượng lớn cổ phiếu do SCIC và Viettel nắm giữ, khiến cổ phiếu này có thời điểm quay đầu điều chỉnh. Chốt phiên VCG chỉ tăng 0,5% lên 20.400 đồng/CP với khối lượng khớp dẫn đầu thanh khoản thị trường đạt hơn 3 triệu đơn vị.

Đứng ở vị trí tiếp theo về thanh khoản và PVS với 2,78 triệu đơn vị được khớp lệnh, VGC với 2,18 triệu đơn vị và HUT với hơn 1 triệu đơn vị, còn lại đề có khối lượng khớp lệnh dưới 1 triệu đơn vị.

Trên sàn UPCoM, sau diễn biến rung lắc đầu phiên, thị trường đã đảo chiều hồi nhẹ và chốt phiên trong sắc xanh.

Cụ thể, UPCoM-Index tăng 0,08 điểm (+0,16%) lên 51,95 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,2 triệu đơn vị, giá trị 61,78 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 2,46 triệu đơn vị, giá trị 46,59 tỷ đồng, trong đó PRT thỏa thuận 2,2 triệu đơn vị, giá trị 39,16 tỷ đồng.

Một số mã lớn góp sức giúp thị trường hồi phục như ACV tăng 1,3% lên 80.300 đồng/Cp, HVN tăng 0,9% lên 32.700 đồng/CP, MSR tăng 0,5% lên 21.400 đồng/CP, POW tăng 2,76% lên 14.900 đồng/CP…

Trong đó, POW là mã giao dịch sôi động nhất trên sàn với khối lượng giao dịch đạt 974.300 đơn vị.

Tin bài liên quan