Phiên sáng 24/10: Mạo hiểm với TLH?

Phiên sáng 24/10: Mạo hiểm với TLH?

(ĐTCK) Sau thông tin chia cổ tức 10% bằng tiền mặt, cổ phiếu TLH đã được đẩy lên trần với thanh khoản tốt trong phiên sáng nay. Tuy nhiên, theo dữ liệu giao dịch, đà tăng mạnh của mã này thời gian gần thường không kéo dài.

Thị trường phiên hôm qua đã giảm điểm mạnh trước áp lực bán lớn và trên diện rộng, đặc biệt tập trung vào các bluechip. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy cũng rất mạnh mẽ khiến thanh khoản tăng mạnh trở lại, đồng thời giúp thị trường rút bớt được đà giảm.

Tâm điểm của thị trường phiên hôm qua là OGC khi mã này bị bán tháo mạnh với tổng khối lượng khớp lập kỷ lục hơn 22 triệu đơn vị và đóng cửa còn dư bán giá sàn. 

Bước vào phiên sáng nay, đa số công ty chứng khoán đều nhận định, thị trường đang bước vào giai đoạn bán quá đà và sẽ tiếp tục giảm điểm trong phiên cuối tuần này.

Với nhận định trên, cùng diễn biến của phiên hôm qua khiến nhà đầu tư không khỏi thận trọng khi bước vào phiên sáng nay. VN-Index mở cửa trong sắc đỏ với thanh khoản ở mức trung bình thấp. Tương tự, HNX-Index cũng giảm điểm ngay từ đầu phiên với dư âm còn sót lại từ phiên trước đó.

Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 0,87 điểm (-1,15%) xuống 592,66 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 4,27 triệu đơn vị, giá trị 56 tỷ đồng.

Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, lực mua đã được tung vào thị trường và điểm đến vẫn là những cổ phiếu bluechips, kéo nhiều mã trong nhóm này tăng điểm, chỉ số VN-Index theo đó cũng nhanh chóng đổi sắc. Nhưng do vẫn còn thận trọng nên hoạt động giao dịch tỏ ra khá chậm.

Đối với mã OGC, sau phiên bị nện sàn hôm qua, đến phiên sáng nay vẫn đang chị áp lực bán khá mạnh và hiện đang có thanh khoản cao nhất trong nhóm VN30. Tuy nhiên, cũng giống phiên hôm qua, lực mua bắt đáy ở OGC khá tốt, giúp thanh khoản mã này được ở mức cao và cũng không còn giảm sàn như hôm qua.

Trong nhóm VN30, ngoài OGC, các mã khác đang được giao dịch cầm chừng. FLC sau phiên đi ngược dòng thị trường hôm qua nhờ thông tin kết quả kinh doanh khả quan, đã quay trở lại sắc đỏ trong phiên sáng nay.

Sau 1 tiếng giao dịch, 2 bên mua bán tiếp tục giằng co. Trong khi bên mua chỉ muốn mua giá thấp nên chỉ đặt lệnh giá đỏ, thì bên bán vẫn quyết giữ mức giá xanh. VN-Index lại đổi sắc đi kèm mức thanh khoản rất thấp.

Đối với sàn HNX, diên biến giao dịch cũng tương tự như trên HOSE. Sau khi mở cửa trong sắc đỏ, chỉ số HNX-Index cũng nhanh chóng chuyển sang sắc xanh khi các mã lớn có tính dẫn dắt trên sàn này như VND, SHB, SHS, PVS, PVG, PVC… cùng tăng nhẹ. Sau đó, chỉ số này lại giảm điểm trở lại khi VN-Index chưa mấy tích cực, thanh khoản cũng ở mức thấp.

Diễn biến giằng co tiếp tục được các bên duy trì cho đến cuối phiên sáng khiến thanh khoản thị trường chưa thể cải thiện. Tuy nhiên, VN-Index vẫn kết phiên trong sắc xanh nhờ vào lực mua đỡ giá ở một số mã cổ phiếu lớn. Trong khi HNX-Index vẫn chưa về được tham chiếu bởi sức cầu quá yếu.

Đóng cửa, VN-Index tăng 1,15 điểm (+0,19%) lên 594,68 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 48,59 triệu đơn vị, giá trị 820,55 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,67 triệu đơn vị trị giá 71,93 tỷ đồng, chủ yếu đến từ 1,057 triệu cổ phiếu VNS giá trị 47,56 tỷ đồng.

HNX-Index giảm 0,15 điểm (-0,18%) xuống 87,15 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 28,95 triệu đơn vị, giá trị 399 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 2 triệu đơn vị trị giá 12,46 tỷ đồng, chủ yếu là từ hơn 1,6 triệu cổ phiếu HBS giá trị 8,9 tỷ đồng.

Trên HOSE, việc các mã trụ như GAS và VIC sau phần lớn thời gian đứng tham chiếu thậm chí giảm điểm, đã tăng điểm về cuối phiên đã giúp chỉ số duy trì được sắc xanh. GAS tăng 1.000 đồng lên 106.000 đồng/cổ phiếu, còn VIC tăng 200 đồng lên 47.500 đồng/cổ phiếu. Các trụ còn lại như MSN, VNM cũng đã về được mốc tham chiếu

Bên cạnh đó, một số mã khác trong nhóm VN30 như FPT, MBB, STB, KDC, DPM, DRC cũng đã được giao dịch tốt hơn ở những thời điểm cuối phiên cũng đã góp phần hỗ trợ chỉ số. KDC và DRC cùng tăng 500 đồng, đạt tương ứng 60.500 và 59.500 đồng/cổ phiếu.

Ngược lại, do cung cầu không gặp nhau nên FLC, SSI, HAG, HSG… vẫn chìm trong sắc đỏ, thanh khoản thấp hơn nhiều so với những phiên trước. FLC giảm 300 đồng xuống 11.100 đồng/cổ phiếu và khớp 2,9 triệu đơn vị. SSI giảm 200 đồng xuống 29.500 đồng/cổ phiếu và khớp 1,7 triệu đơn vị. HAG giảm 100 đồng xuống 24.600 đồng/cổ phiếu và khớp 1,28 triệu đơn vị.

Bên bán tiếp tục bơm OGC ra thị trường, trong khi bên mua vẫn miệt mài gom hàng nên mã này đã được thanh khoản cao nhất sàn HOSE với hơn 4,5 triệu đơn vị, kết phiên giảm 400 đồng xuống 10.800 đồng/cổ phiếu.

Trong khi đó, các mã bất động sản khác như BCI, DIG, DLG,HDG, NBB… duy trì được sắc xanh, nhưng thanh khoản cũng không cao như mọi khi.

Trong các mã tăng trần, gây chú ý có TLH với thanh khoản tăng cao đạt trên 2 triệu đơn vị sau thông tin sắp tới sẽ tiến hành chi trả cổ tức 2013 bằng tiền mặt theo tỷ lệ 10%. Cổ phiếu này, cũng như hoạt động của doanh nghiệp thường khá ít gây sự chú ý của giới đầu tư. Theo dữ liệu giao dịch, cổ phiếu TLH ít có những phiên tăng liên tục trong khoảng 3 tháng gần đây và thường sau phiên tăng mạnh là quay đầu giảm giá.

Đối với HNX, mặc dù có sự trở lại của nhóm dầu khí, nhưng các mã lớn khác vẫn chịu sức ép bán mạnh, cộng với lực cầu ở sàn này quá yếu nên chỉ số chưa thể về được mốc tham chiếu.

Các mã PLC, PGS, PVC cùng tăng điểm trở lại, trong đó PLC tăng 500 đồng lên 26.000 đồng/cổ phiếu.

Còn lại những VCG, SHS, KLF, ACB, LAS… vẫn chìm trong sắc đỏ. KLF giảm 500 đồng xuống 11.300 đồng/cổ phiếu và khớp trên 7,3 triệu đơn vị, mạnh nhất sàn HNX.

Tương tự là FIT với mức giảm 400 đồng xuống 26.000 đồng/cổ phiếu và khớp được 2,48 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan