Phiên sáng 23/8: Sắc đỏ áp đảo, VN-Index quay đầu điều chỉnh

Phiên sáng 23/8: Sắc đỏ áp đảo, VN-Index quay đầu điều chỉnh

(ĐTCK) Sau 7 phiên tăng điểm liên tiếp lên sát mốc 1.000 điểm, áp lực chốt lời gia tăng đã đẩy VN-Index đảo chiều điều chỉnh trong phiên sáng nay với sắc đỏ chiếm thế áp đảo trên bảng điện tử.

Mặc dù thị trường tiếp tục có phiên tăng điểm thứ 7 liên tục nhưng với việc tiếp cận vùng thử thách 990-1.000 điểm khiến áp lực bán chốt lời luôn chực chờ, chỉ số VN-Index trở nên rung lắc.

Cụ thể, trong phiên giao dịch hôm qua (22/8), sắc đỏ chiếm chủ đạo trên bảng điện tử và mỗi lần thử sức mốc 1.000 điểm, thị trường lại nhanh chóng bị giật lùi trở lại bởi lực cung dâng cao.

Với diễn biến thị trường có phần hụt hơi này, nhiều công ty chứng khoán đã đưa ra nhận định nhiều khả năng VN-Index sẽ xuất hiện điều chỉnh trong phiên cuối tuần.

Theo MBS, thị trường đang thiếu sự đồng thuận, trong khi nhóm cổ phiếu trụ vẫn hoạt động tốt để nâng đỡ chỉ số thì nhóm midcap lại đang bị chốt lời sau khi đã đưa chỉ số VN30 vượt đỉnh tháng 7 và đang gặp cản ở đỉnh tháng 5. Do vậy, những phiên rung lắc sẽ không tránh khỏi trong các phiên sắp tới.

Bước vào phiên giao dịch cuối tuần ngày 23/8, thị trường vẫn mở cửa trong sắc xanh nhưng với biên độ khá hẹp bởi lực cầu tỏ ra thận trọng trong khi áp lực bán vẫn neo ở giá cao.

Thiếu trụ đỡ vững chắc khiến thị trường tăng kém bền vững, chỉ số VN-Index nhanh chóng bị đẩy về dưới mốc tham chiếu ngay khi bước sang đợt khớp lệnh liên tục do áp lực bán gia tăng.

Trên bảng điện tử, số mã giảm đang chiếm áp đảo, trong đó nhóm cổ phiếu bluechip cũng gia tăng sức ép khi chỉ còn một vài mã điểm xanh nhạt.

Sau hơn 45 phút giao dịch, sàn HOSE có 138 mã giảm và 95 mã tăng, trong đó nhóm VN30 có tới 20 mã giảm và chỉ 5 mã tăng. Hầu hết các mã vốn hóa lớn như VNM, VIC, VHM, VCB, TCB, GAS, MSN… đều quay đầu điều chỉnh. Tuy nhiên, lực bán không diễn ra quá ồ ạt khiến đà giảm khá cầm chừng.

Đáng chú ý, dòng tiền tỏ ra thận trọng cao độ khiến thanh khoản sụt giảm mạnh. Tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường đạt chưa tới 900 tỷ đồng, trong tổng số gần 1.600 mã niêm yết và đăng ký giao dịch, chỉ có duy nhất HPG có khối lượng khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Thị trường vẫn duy trì trạng thái giao dịch thiếu tích cực trong hơn nửa thời gian còn lại của phiên sáng. Sau khi được kéo lại mốc 995 điểm, áp lực bán nhanh chóng trở lại khiến VN-Index thoái lui.

Chốt phiên giao dịch sáng, sàn HOSE có 182 mã giảm và 102 mã tăng, chỉ số Vn-Index giảm 3,43 điểm (-0,34%) xuống 993,83 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 86,44 triệu đơn vị, giá trị 1.896,72 tỷ đồng, tăng 13,74% về lượng và 23,75% về giá trị so với phiên sáng qua (22/8).

Giao dịch thỏa thuận đạt 28,76 triệu đơn vị, giá trị 689,46 tỷ đồng, trong đó ROS thỏa thuận 10,9 triệu đơn vị, giá trị 301,93 tỷ đồng; EIB thỏa thuận 10,26 triệu đơn vị, giá trị 184,8 tỷ đồng.

Nhóm VN30 vẫn chủ yếu giao dịch dưới mốc tham chiếu với 19 mã giảm và 7 mã tăng. Trong đó, top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất hầu hết đều giao dịch trong sắc đỏ như VNM giảm 0,65% xuống 123.200 đồng/CP, VIC giảm 0,4% xuống 125.600 đồng/CP, VCB giảm 0,5% xuống 79.600 đồng/CP, GAS giảm gần 1% xuống 103.600 đồng/CP, MSN, TCB, BID cũng giảm nhẹ.

Ngoại trừ duy nhất SAB giao dịch khởi sắc sau phiên điều chỉnh hôm qua, tuy nhiên, đà tăng còn khá hạn chế chỉ tăng 0,76% và tạm chốt phiên sáng tại mức giá 278.100 đồng/CP.

Ngay sau phiên hồi phục hôm qua (22/8) sau 7 phiên giảm liên tiếp, cổ phiếu ROS đã quay đầu điều chỉnh khi chốt phiên sáng nay giảm 3,47% xuống 25.050 đồng/CP nhưng là mã giao dịch sôi động nhất thị trường, đạt gần 3,69 triệu đơn vị.

Ngoài ra, một số mã bluechip khác cũng giữ sắc xanh nhưng với biên độ cũng khá hẹp như HPG, GMD, FPT, VJC, STB với mức tăng chỉ vài ba trăm đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, các mã ITA, SCR, ASM, DLG, SHI… tiếp tục chịu áp lực bán ra và giao dịch dưới mốc tham chiếu.

Đáng chú ý, cổ phiếu GAB đã lội ngược dòng thành công từ mức giá sàn lên mức 14.200 đồng/CP, tăng 1,79%; trong khi đó, cổ phiếu DAH vẫn duy trì sắc xanh mắt mèo với khối lượng dư bán sàn khá lớn 920.690 cổ phiếu.

Trên sàn HNX, sự hồi phục của một số mã bluechip đã giúp HNX-Index lấy lại thăng bằng.

Chốt phiên, HNX-Index đứng tại mức giá tham chiếu 103,5 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 11,54 triệu đơn vị, giá trị 138,59 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,13% về lượng nhưng giảm 26,69% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận chỉ đóng góp thêm gần 8 tỷ đồng.

Trong nhóm HNX30 một số mã giao dịch khởi sắc như VCS tăng 0,58% lên 87.000 đồng/CP, SHB tăng 3,28% lên 6.300 đồng/CP, PVB tăng 0,94% lên 21.500 đồng/CP, DGC, CEO cũng nhích nhẹ. Trong đó, SHB là mã dẫn đầu thanh khoản với 2,66 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Trái lại, các mã đóng vai trò lực cản khiến thị trường chưa thể hồi phục sắc xanh như ACB giảm 0,44% xuống 22.600 đồng/CP, PVI giảm 0,75% xuống 38.300 đồng/CP, VCG giảm 0,26% xuống 26.500 đồng/CP…

Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu chứng khoán bị bán khá mạnh khi hầu hết đều chuyển đỏ như BVS giảm 1,9% xuống 10.600 đồng/CP, CTS giảm 1% xuống 8.900 đồng/CP, IVS giảm sàn, SHS giảm 1,22% xuống 8.100 đồng/CP, MBS giảm 3,23% xuống 3.230 đồng/CP…

Trên UPCoM, giao dịch khá rung lắc.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,04 điểm (-0,07%) xuống 57,89 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 7,98 triệu đơn vị, giá trị hơn 135 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 2,54 triệu đơn vị, giá trị 61,27 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR dẫn đầu thanh khoản với khối lượng giao dịch đạt gần 1,59 triệu đơn vị và chốt phiên tại mức giá 9.400 đồng/CP, tăng 1,08%.

Trong khi đó, QNS đứng thứ 2 khi chuyển nhượng thành công 515.700 đơn vị và chốt phiên giảm nhẹ 0,33% xuống 29.900 đồng/CP.

Tin bài liên quan