Phiên sáng 23/4: Ồ ạt chốt lời VHG, thị trường giao dịch èo uột

Phiên sáng 23/4: Ồ ạt chốt lời VHG, thị trường giao dịch èo uột

(ĐTCK) Sau chuỗi 25 phiên tăng trần liên tiếp nếu tính cả phiên mở cửa sáng nay, với mức tăng 370%, cổ phiếu VHG đã bị chốt lời ồ ạt. Ngoại trừ sự đột biến của VHG, diễn biến chung của thị trường phiên sáng nay rất èo uột.

Kể từ mức giá 440 đồng của phiên ngày 18/3, cổ phiếu VHG đã có chuỗi tăng trần liên tiếp 25 phiên (cả mở cửa phiên sáng nay), lên mức 2.070 đồng, tương đương mức tăng 370%. Điều đặc biệt, cổ phiếu này tăng mạnh bất chấp kết quả kinh doanh 2018 thu lỗ năng và đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính kiểm toán 2018 được công bố, số lỗ trên báo cáo kết quả kinh doanh công ty mẹ tăng gần 100 tỷ đồng so với báo cáo tự lập. Trên báo cáo hợp nhất, số lỗ tăng thêm gần 21 tỷ đồng.

Theo VHG, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến kết quả này là do đơn vị kiểm toán - Công ty TNHH Kiểm toán Chuẩn Việt yêu cầu VHG trích lập dự phòng thêm tại một loạt khoản đầu tư và phải thu khó đòi như Công ty Thương mại và dịch vụ Dầu khí Vũng Tàu (VMG), CTCP Khoáng sản Quảng Nam, CTCP Công nghiệp Cao su Quảng Nam, CTCP Sản xuất, ứng dụng công nghệ Cao Thái Sơn…

Trước đó, Công ty cũng thua lỗ trong 2 năm 2016 và 2017 và với kết quả trên, thời gian hủy niêm yết trên HOSE với cổ phiếu VHG chỉ còn là vấn đề thời gian.

Thực tế, từ ngay sau khi báo cáo tài chính tự lập của doanh nghiệp được công bố, HOSE đã gửi công văn cảnh báo nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc với VHG.

Theo ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt, mức tăng này nghe có vẻ vô cùng hấp dẫn, nhưng tổng giá trị giao dịch hàng ngày chỉ chừng hơn 1 tỷ đồng, như vậy người chơi có lẽ nhỏ lẻ và cũng không thể “ăn dày” tính theo giá trị tuyệt đối.

Cũng theo các chuyên gia, đầu tư vào các cổ phiếu này có độ rủi ro và khuyến nghị, nhà đầu tư nào đã có hàng nên canh bán còn mua mới hoàn toàn không nên vì khả năng khi giá rớt lại thì khó mà bán kịp.

Trong phiên sáng nay, như thường lệ, VHG lại mở cửa với sắc tím, lên 2.070 đồng với lượng dư mua hàng triệu đơn vị. Tuy nhiên, đột biến đã xảy ra khi lực cung chốt lời được tung ồ ạt vào thị trường, kéo mã này lùi thẳng về mức sàn 1.810 đồng.

Dù có những lúc được nâng đỡ để kéo trở lại trên tham chiếu, nhưng trước áp lực chốt lời ồ ạt sau đó, VHG không thoát khỏi mức giá sàn 1.810 đồng khi chốt phiên sáng nay với hơn 6 triệu đơn vị được khớp, đứng đầu sàn HOSE và còn dư bán sàn tới hơn 2,2 triệu đơn vị.

Trong khi đó, một mã penny nóng khác là PPI vẫn duy trì sắc tím lên 1.160 đồng và còn dư mua trần gần 1 triệu đơn vị, tổng khớp ít do lực cung hạn chế.

Về xu hướng chung của thị trường, VN-Index sáng nay giao dịch giằng co nhẹ quanh tham chiếu với thanh khoản thấp do nhà đầu tư vẫn giữ sự thận trọng là chủ yếu. Các mã cổ phiếu lớn đang có sự phân hóa, nhưng biên độ dao động giá hẹp, khiến VN-Index chỉ lình xình sát dưới tham chiếu trong suốt thời gian giao dịch của phiên sáng.

Chốt phiên, VN-Index giảm 0,70 điểm (-0,07%), xuống 965,16 điểm với 134 mã tăng và 134 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 63,9 triệu đơn vị, giá trị 1.447,4 tỷ đồng, giảm 21,6% về khối lượng và giảm nhẹ 5,8% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 10,75 triệu đơn vị, giá trị 467,38 tỷ đồng.

Trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trên sàn có sự phân hóa rõ nét, nhưng mức tăng giảm không lớn. Trong đó, sắc xanh xuất hiện tại VIC, GAS, VRE, CTG, PLX, HPG, BVH, NVL, HDB, STB, BHN, PNJ, DHG, trong khi VHM, VCB, VNM, SAB, BID, TCB, VJC, MBB, MWG, POW, FPT, EIB, ROS chìm trong sắc đỏ.

Trong các mã tăng, ngoại trừ EIB tăng mạnh 3,03% lên 11.900 đồng, GAS tăng 2,12% lên 110.900 đồng, DHG tăng 2,13% lên 114.900 đồng và VRE, PNJ tăng hơn 1%, còn lại đều tăng dưới 1%.

Tương tự, trong các mã giảm, ngoại trừ EIB giảm 1,72% xuống 17.100 đồng, POW giảm 1,4% xuống 14.050 đồng, SAB giảm 1,4% xuống 239.600 đồng, VCB giảm 1,03% xuống 67.200 đồng, còn lại chỉ giảm nhẹ.

Trong nhóm này, ROS có thanh khoản tốt nhất nhưng cũng chỉ hơn 3,4 triệu đơn vị được khớp, STB tiếp theo với 2,2 triệu đơn vị, còn lại đều dưới 1 triệu đơn vị.

Trên HNX, dù có sắc xanh từ sớm do ACB mở cửa tăng nhẹ, nhưng sau đó cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn này quay đầu, cùng sắc đỏ của VGC khiến HNX-Index không thể giữ được sắc xanh, đóng cửa gần như không đổi.

Chốt phiên sáng, HNX-Index giảm nhẹ 0,02 điểm (-0,02%), xuống 105,61 điểm với 58 mã tăng và 67 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 14,54 triệu đơn vị, giá trị 192 tỷ đồng, giảm hơn 27% về khối lượng và 12,7% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp kiêm tốn 0,4 triệu đơn vị, giá trị 8,96 tỷ đồng.

Cũng như trên HOSE, mức biến động giá của các mã lớn trên HNX không lớn, chỉ trên dưới 1%, trong đó mã tăng mạnh nhất nhóm là PVS chỉ tăng 0,88% lên 23.000 đồng với 1,12 triệu đơn vị, trong khi giảm mạnh nhất là 1,06% xuống 18.600 đồng.

Trong khi đó, mã tí hon DPS sáng nay lại có giao dịch khá sôi động với 1,36 triệu đơn vị được khớp, dẫn đầu sàn HNX, đóng cửa ở mức trần 800 đồng.

Ngoài 2 mã trên, sáng nay sàn HNX không có mã nào có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, sau chớm xanh nửa đầu phiên, UPCoM-Index cũng giao dịch trong sắc đỏ suốt nửa cuối phiên sáng.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,05 điểm (-0,09%), xuống 55,6 điểm với 72 mã tăng và 56 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 4,93 triệu đơn vị, giá trị 101 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,68 triệu đơn vị, giá trị 44,34 tỷ đồng.

Thanh khoản trên thị trường này khá èo uột khi mã có thanh khoản tốt nhất là SBS cũng có giao dịch chưa tới 0,4 triệu đơn vị.

Các mã lớn như BSR, OIL, HVN, VGI, VEA, SDI, MSR, MCH…, có thanh khoản khém và biến động giá không lớn.

Tin bài liên quan