Phiên sáng 23/11: Dòng tiền dè dặt, VN-Index loay hoay tìm hướng đi

Phiên sáng 23/11: Dòng tiền dè dặt, VN-Index loay hoay tìm hướng đi

(ĐTCK) Ngoại trừ sự bùng nổ của VCG, diễn biến chung của cả 3 sàn trong phiên sáng nay (23/11) diễn ra khá ảm đạm khi nhà đầu tư dè dặt. Các chỉ số giằng co trong biên độ hẹp với thanh khoản sụt giảm mạnh.

Mặc dù tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa mạnh dạn nhập cuộc khiến dòng tiền tham gia chưa sôi động, nhưng sự luân phiên dẫn dắt thị trường của các cổ phiếu bluechip đã giúp VN-Index duy trì đà tăng, lần lượt tiến bước qua các ngưỡng tâm lý trong những phiên vừa qua.

Theo đánh giá của giới phân tích, việc chứng khoán Mỹ nghỉ Lễ Tạ ơn, không giao dịch trong phiên thứ Năm sẽ là cơ hội để thị trường Việt Nam thể hiện xu hướng thực sự khi nhà đầu tư sẽ không cần theo dõi diễn biến chứng khoán Mỹ để ra quyết định nữa.

Tuy nhiên, trong phiên cuối tuần, diễn biến thị trường dự báo sẽ gặp khó khăn khi áp lực bán có dấu hiệu tăng cao tại vùng kháng cự 925-935 điểm. TVSI dự bán thị trường sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh, nhưng rủi ro giảm sâu chưa quá lo ngại ở thời điểm hiện tại.

Bước vào phiên giao dịch sáng cuối tuần 23/11, diễn biến phân hóa của nhóm cổ phiếu bluechip khiến thị trường giằng co nhẹ ngay từ đầu phiên. Sau khi mở cửa xanh nhạt, chỉ số VN-Index đã bị đẩy lùi về dưới mốc tham chiếu trước sức ép điều chỉnh đến từ một số mã lớn.

Mặc dù thị trường nhanh chóng đảo chiều thành công vươn lên mốc 925 điểm nhưng áp lực bán thường trực và nhắm tới nhóm bluechip khiến niềm vui bị dập tắt, chỉ số VN-Index rơi xuống sát mốc 920 điểm.

Sau khoảng 80 phút giao dịch, bên cạnh sắc đỏ bao phủ bảng điện tử, trong nhóm VN30 chỉ còn 3 mã là NVL, PNJ và SBT nhích nhẹ, trong khi có tới 22 mã giảm, là gánh nặng chính của thị trường.

Tương tự, sàn HNX cũng khá rung lắc và liên tục đổi màu. Trong đó, VCG là tâm điểm đáng chú ý trong phiên sáng nay.

Sau 2 phiên đấu giá thành công của SCIC và Viettel với mức giá cao ngày hôm qua, cổ phiếu VCG sáng nay đã nổi sóng. 

VCG được kéo thẳng lên mức trần 20.300 đồng với 7,2 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần.

Trong phiên đấu giá trọn lô 254,9 triệu cổ phiếu VCG (tương đương 57,71%) của SCIC hôm qua, Công ty An Quý Hưng bỏ mức giá 28.900 đồng, tương đương tổng giá trị 7.367 tỷ đồng để mua trọn lô cổ phiếu VCG này, cao hơn nhiều mức giá khởi điểm 21.300 đồng.

Sau đó ít phút, tiếp tục diễn ra phiên đấu giá trọn lô 94 triệu cổ phiếu VCG của Viettel (tương đương 21,28% vốn VCG). Trong phiên này, chỉ có 2 nhà đầu tư tham gia và chỉ bỏ giá chênh nhau 72.000 đồng cho trọn lô. Kết quả, một nhà đầu tư đã sở hữu 94 triệu cổ phiếu VCG từ Viettel với giá trị 2.002 tỷ đồng.

Mặc dù dòng tiền tham gia khá yếu nhưng lực bán không quá ồ ạt khiến thị trường không giảm sâu. Ngay khi bị đẩy về dưới mốc 920 điểm, chỉ số VN-Index đã bật ngược trở lại, thu hẹp đà giảm đáng kể.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 156 mã giảm và 94 mã tăng, chỉ số VN-Index giảm 1,18 điểm (-0,13%) xuống 923,24 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 62,71 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.456 tỷ đồng, giảm 22,77% về lượng và 25,95% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận đạt 11,34 triệu đơn vị, giá trị 500,83 tỷ đồng.

Một số mã lớn đã đảo chiều thành công dù đà tăng còn hạn chế nhưng cũng đã góp sức hỗ trợ giúp thị trường không giảm sâu như GAS, PLX, MSN, VCB, BVH cùng bộ 3 cổ phiếu họ Vingroup.

Cụ thể, bên cạnh VHM đã lấy lại mốc tham chiếu, VIC và VRE đảo chiều tăng nhẹ, với mức tăng tương ứng 0,3% lên 98.300 đồng/CP và 0,48% lên 31.450 đồng/CP.

Trái lại, cặp đôi lớn VNM và SAB vẫn giao dịch thiếu tích cực với VNM giảm 0,92% xuống 119.000 đồng/CP, SAB giảm gần 1% xuống 239.600 đồng/CP. Cùng hầu hết các mã trong nhóm ngân hàng, ngoại trừ VCB và BID khởi sắc, còn đều đứng dưới mốc tham chiếu như CTG, TCB, MBB, STB, VPB, HDB.

Thanh khoản trong nhóm VN30 cũng không mấy sôi động với chỉ 5 mã có khối lượng khớp hơn 1 triệu đơn vị, trong đó có duy nhất HSG khớp hơn 2 triệu đơn vị.

Đứng đầu về thanh khoản trên sàn HOSE là OGC với khối lượng khớp chỉ 2,88 triệu đơn vị và chốt phiên tại mức giá 3.490 đồng/CP, tăng nhẹ 1,16%.

Trên sàn HNX, dù rung lắc khá mạnh quanh mốc tham chiếu nhưng lực đỡ khá tốt từ nhóm cổ phiếu bluechip đã giúp HNX-Index chốt phiên trong sắc xanh.

Cụ thể, HNX-Index tăng 0,21 điểm (+0,2%) lên 104,77 điểm với khối lượng giao dịch đạt 24,29 triệu đơn vị, giá trị 378,93 tỷ đồng, tăng 4,7% về lượng và 10,53% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận chỉ đóng góp hơn 5,2 tỷ đồng.

Lực đỡ chính trên sàn HNX và cũng là tâm điểm của thị trường trong phiên sáng cuối tuần chính là VCG. Dư âm của 2 phiên đấu giá khủng tiếp thêm lửa giúp cổ phiếu VCG có phiên giao dịch bùng nổ.

Chốt phiên, VCG giữ vững mức trần 20.300 đồng/CP, với thanh khoản dẫn đầu thị trường đạt 7,29 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 0,6 triệu đơn vị.

Đứng thứ 2 về thanh khoản là VGC với gần 3 triệu đơn vị được khớp lệnh và chốt phiên tại mức giá 16.900 đồng/CP, tăng khá mạnh 7%.

Trái lại, các cổ phiếu lớn khác như ACB, SHB, PVS, VCS đều đang đứng dưới mốc tham chiếu dù đà giảm không quá sâu.

Trên sàn UPCoM dù có chút le lói sắc xanh nhưng đà giảm nhanh chóng trở lại trước áp lực bán dâng cao.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,2 điểm (-0,38%) xuống 51,96 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt  4,46 triệu đơn vị, giá trị 66,32 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có đóng góp 305.312 đơn vị, giá trị 7,73 tỷ đồng.

Trong phiên sáng nay, không có mã nào có khối lượng giao dịch tới 1 triệu đơn vị. Cổ phiếu POW dẫn đầu thanh khoản trên sàn UPCoM với chỉ hơn nửa triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công.

Bên cạnh POW, OIL cũng không còn giữ được sắc xanh và chốt phiên tại mốc tham chiếu; trong khi BSR vẫn giảm 0,7% xuống 14.600 đồng/CP.

Một số mã lớn khác cũng giao dịch trong sắc đỏ như ACV, HVN, VEA, MSR, QNS…

Tin bài liên quan