Phiên sáng 21/2: Nhà đầu tư thận trọng, VN-Index quay đầu

Phiên sáng 21/2: Nhà đầu tư thận trọng, VN-Index quay đầu

(ĐTCK) Tâm lý nhà đầu tư thận trọng khi bước vào phiên giao dịch cuối tuần 21/2 khiến dòng tiền tham gia khá hạn chế. Trong đó, sau phiên bùng nổ hôm qua, dòng bank cùng nhóm cổ phiếu nhà Vin quay đầu, là lực cản chính khiến thị trường đảo chiều giảm điểm.

Không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích, thị trường đã có phiên giao dịch đầy bất ngờ trong ngày đáo hạn hợp đồng phái sinh tháng 2 (20/2). Mặc dù phần lớn thời gian, VN-Index chỉ đi ngang, nhưng chỉ trong 1 giờ cuối phiên, chỉ số này đã bật cao nhờ sự tăng mạnh của VIC cùng sắc xanh lan tỏa và chiếm áp đảo trên bảng điện tử. Chỉ số VN-index đã tăng vọt gần 10 điểm và tiến gần hơn với ngưỡng 940 điểm.

Tuy nhiên, thanh khoản thị trường vẫn khá cầm chừng, cùng dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài liên tục tạo áp lực mạnh. Chỉ tính trong 4 phiên đầu tuần, khối ngoại đã bán ròng tới hơn 1.015 tỷ đồng. Đây là một trong những tác nhân khiến một số công ty chứng khoán nhận cho rằng, thị trường vẫn đang trong trạng thái giằng co, tín hiệu hình thành nhịp tăng giá mạnh chưa rõ ràng.

Theo BVSC, thị trường vẫn sẽ dao động trong kênh giá đi ngang được giới hạn bởi cận dưới 920-925 điểm và cận trên 940- 943 điểm trong ngắn hạn. Chỉ số có thể sẽ cần thêm thời gian tích lũy trước khi có thể kỳ vọng bứt phá thành công qua cận trên của kênh giá này và bước vào nhịp tăng điểm mới trong ngắn hạn.

Bước vào phiên giao dịch cuối tuần 21/2, trong bối cảnh thị trường trở lại trạng thái phân hóa, một số bluechip gia tăng sức ép đã cản đường đi lên của VN-Index. Chỉ số này nhanh chóng quay đầu điều chỉnh sau phiên bùng nổ hôm qua.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng cùng bộ 3 nhà Vingroup là gánh nặng chính đẩy VN-Index về mốc 935 điểm sau khoảng 20 phút giao dịch.

Mặc dù sau đó, thị trường có bật được đi lên nhờ sự hỗ trợ của một số bluechip, đặc biệt là điểm tựa VNM tăng khá tốt trong khoảng 2-2,5%, nhưng VN-Index vẫn chưa lấy lại được thăng bằng và tiếp tục giao dịch dưới mốc tham chiếu.

Đáng chú ý, dòng tiền tham gia khá hạn chế. Sau gần 1 giờ giao dịch, tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường chưa tới 800 tỷ đồng. Trong đó, trên sàn HOSE, không có mã nào khớp 2 triệu đơn vị và trên HNX cũng chỉ có duy nhất 1 mã khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị.

Sự hồi phục của một số bluechip, đặc biệt là đà tăng của VNM và MSN được nới rộng đã giúp thị trường đảo chiều hồi phục và chinh phục mốc 940 điểm. Tuy nhiên, ngay khi tiếp cận ngưỡng thử thách này, áp lực bán đã gia tăng khiến thị trường thoái lui, chỉ số VN-Index biến động giằng co và dần đuối sức về cuối phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 149 mã tăng và 181 mã giảm, VN-Index giảm 1,08 điểm (-0,12%), xuống 937,05 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 95,33 triệu đơn vị, giá trị 1.783,36 tỷ đồng, giảm 19,69% về khối lượng và 1,3% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 5,39 triệu đơn vị, giá trị 193,58 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng giao dịch phân hóa, tuy nhiên các mã vốn hóa lớn trong ngành giao dịch thiếu tích cực, đáng kể BID -2,83% xuống mức thấp nhất 49.850 đồng/CP, CTG -1,12% xuống 26.600 đồng/CP; trong khi HDB, STB, VPB vẫn giữ sắc xanh.

Bên cạnh đó, nhiều mã bluechip khác cũng mất điểm, gia tăng sức ép lên thị trường như VIC, VHM, VRE, HPG, PLX, NVL…

Trái lại, cặp đôi VNM và MSN vẫn tăng khá tốt. Cụ thể, VNM +2,3% lên 108.800 đồng/CP, MSN +4,7% lên 53.500 đồng/CP. Thêm vào đó, SAB, BVH, MWG, GAS cũng tăng nhẹ, tuy nhiên không đủ sức để giúp thị trường bảo toàn sắc xanh.

Về thanh khoản, cổ phiếu ngân hàng vẫn dẫn đầu với STB khớp hơn 4 triệu đơn vị, CTG khớp 3,56 triệu đơn vị, MBB khớp 3,22 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, nhiều mã DLG, AMD, FLC, HAI, KBC, HQC… đều giảm điểm.

Cổ phiếu AAA sau phiên tăng trần hôm qua đã hạ nhiệt. Tuy nhiên theo phân tích và nhận định của HSC trong bản tin cổ phiếu cần quan tâm ngày 21/2, cổ phiếu AAA vẫn duy trì đà tăng khi +2,7% lên 13.500 đồng/CP, khối lượng giao dịch vẫn sôi động với 2,32 triệu đơn vị.

Trên HNX, sau khi nhận tín hiệu xanh từ sàn HOSE, HNX-Index cũng đảo chiều đi lên, tuy nhiên lực bán thường trực khiến chỉ số này nhanh chóng quay đầu điều chỉnh.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 28 mã tăng và 43 mã giảm, HNX-Index giảm 0,19 điểm (-0,17%), xuống 109,38 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 16,3 triệu đơn vị, giá trị 177,07 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,2 triệu đơn vị, giá trị 20,78 tỷ đồng.

Trong nhóm HNX30, nhiều mã đứng giá tham chiếu như ACB, CEO, DGC, PVB, PVC, SHS…

Bên cạnh đó, một số mã bị đẩy lùi về dưới mốc tham chiếu như BVS -2% xuống 9.700 đồng/CP, DP3 -6,54% xuống 70.000 đồng/CP, TNG -1,3% xuống 15.200 đồng/CP, VCG -0,8% xuống 24.600 đồng/CP…

Top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất sàn HNX gồm ACB khớp gần 2,5 triệu đơn vị, TIG khớp 1,67 triệu đơn vị, SHB khớp 1,64 triệu đơn vị, HKB khớp 1,53 triệu đơn vị và NVB khớp 1,3 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, sau nhịp rung lắc đầu phiên, thị trường đã hồi phục và duy trì đà tăng đến hết phiên.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,21 điểm (+0,37%), lên 56,55 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 7,97 triệu đơn vị, giá trị gần 105 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,94 triệu đơn vị, giá trị 46,45 tỷ đồng.

Điểm sáng trên UPCoM là VIB. Mặc dù mở cửa tại mốc tham chiếu nhưng lực cầu gia tăng mạnh giúp VIB leo cao và chốt phiên +4,4% lên 19.000 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu, đạt 3,22 triệu đơn vị được giao dịch thành công.

Tin bài liên quan