Phiên sáng 20/9: Chờ kịch hay

Phiên sáng 20/9: Chờ kịch hay

(ĐTCK) Tâm lý giao dịch thận trọng khiến thị trường giao dịch khá ảm đạm, chỉ số VN-Index nhanh chóng đảo chiều giảm sau gần 1 giờ giao dịch trước áp lực bán gia tăng.

Là phiên đáo hạn của hợp đồng phái sinh tháng 9 nên tâm lý thận trọng sớm bao phủ, khiến thị trường giao dịch ảm đảm trong gần suốt cả phiên giao dịch 19/9. Tuy nhiên, lực cầu đã được cải thiện tích cực sau khi VN-Index bị đẩy về ngưỡng 990, trong đó điểm sáng là giao dịch khởi sắc của nhóm cổ phiếu ngân hàng, đã giúp thị trường lội ngược dòng thành công.

Mặc dù VN-Index đã trở lại con đường chinh phục ngưỡng kháng cự mạnh 1.000 điểm nhưng điều đáng quan tâm trong phiên giao dịch hôm qua, đó là thanh khoản sụt giảm bởi dòng tiền tham gia khá hạn chế. Ngoài ra, giao dịch nhà đầu tư nước ngoài vẫn không mấy cải thiện khi tiếp tục duy trì trạng thái bán ròng về khối lượng và chỉ mua ròng nhẹ về giá trị.

Phiên giao dịch 20/9 là phiên cuối cùng để hai quỹ VNM ETFs và FTSE ETFs thực hiện tái cơ cấu danh mục quý III. Cũng như những lần chốt sổ trước đây, phiên giao dịch này được dự báo các cổ phiếu lớn trong danh mục sẽ có nhiều biến động mạnh, nhất là trong phiên ATC.

Theo nhận định của PHS, khả năng thị trường sẽ giao dịch cầm chừng trong phiên cuối tuần khi chịu ảnh hưởng tâm lý từ phiên cơ cấu của các quỹ ETF. Đồng thời, PHS cho rằng, diễn biến sẽ tích cực hơn trong tuần tới và khả năng có thể sẽ chinh phục thành công ngưỡng 1.000 trong đợt tăng này, hướng về các vùng kháng cự xa hơn.

Bước vào phiên giao dịch sáng cuối tuần 20/9, tâm lý thận trong cao độ khiến thị trường giao dịch khá chậm. Sắc xanh vẫn chiếm chủ đạo cùng dự hỗ trợ tích cực của nhóm bluechip đã giúp VN-Index tiến gần hơn tới ngưỡng 1.000 điểm.

Dòng tiền tham gia khá yếu khiến thị trường không đủ lực để bật cao. Chỉ số VN-Index chỉ lình xình trên mốc tham chiếu và quay đầu đi xuống sau khoảng 30 phút giao dịch.

Đà tăng dần thu hẹp trước áp lực bán gia tăng và VN-Index đã đảo chiều giảm điểm, để mất sắc xanh trong hơn 20 phút giao dịch sau đó.

Nhóm cổ phiếu bluechip phân hóa, trong đó, hầu hết các mã lớn biến động khá nhẹ quanh mốc tham chiếu.

Cổ phiếu VJC được cả quỹ FTSE và VNM thêm vào mới trong rổ cơ cấu danh mục kỳ này và dự báo sẽ được mua vào gần 6 triệu cổ phiếu, tuy nhiên, diễn biến cổ phiếu này vẫn chưa có nhiều biến động. VJC tiếp tục duy trì trạng thái điều chỉnh nhẹ 0,6% và tạm đứng tại mức giá 138.600 đồng/CP với khối lượng khớp 19.380 đơn vị.

Áp lực bán gia tăng về cuối phiên khiến nhiều mã đảo chiều giảm, đặc biệt, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn cũng quay đầu điều chỉnh khiến VN-Index bị đẩy lùi và để mất mốc 995 điểm trong phiên sáng cuối tuần.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 127 mã tăng và 157 mã giảm, VN-Index giảm 2,35 điểm (-0,24%), xuống 994,75 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 91,33 triệu đơn vị, giá trị 1.969,2 tỷ đồng, tăng 7,62% về khối lượng và 18,23% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 14,5 triệu đơn vị, giá trị 377,19 tỷ đồng.

Điểm sáng trong phiên hôm qua là dòng bank đã trở nên đuối sức. Ngoại trừ VCB vẫn giữ mức tăng 1%, tạm đứng tại mức giá 82.300 đồng/CP, còn lại chỉ lình xình quanh mốc tham chiếu. Trong đó, BID chưa thoát khỏi nhịp điều chỉnh với mức giảm 1% xuống 40.400 đồng/CP.

Tác nhân chính khiến thị trường bị đẩy lùi là các mã vốn hóa lớn có giao dịch thiếu tích cực dù đà giảm không quá sâu như VHM giảm 0,6% xuống 89.800 đồng/CP, VIC giảm 0,8% xuống 120.500 đồng/CP, VNM giảm 0,4% xuống 123.100 đồng/CP, GAS giảm 0,7% xuống 103.100 đồng/CP, MSN giảm0,4 % xuống 79.900 đồng/CP.

Cổ phiếu ROS sau phiên đảo chiều giảm nhẹ hôm qua, đã tiếp tục bị đẩy lùi sâu hơn trong phiên sáng nay khi giảm 2,2% xuống mức 26.200 đồng/CP nhưng vẫn là mã giao dịch sôi động nhất, đạt hơn 5,88 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhiều mã cũng đảo chiều giảm như SCR, DXG, KBC… Cổ phiếu tăng trần trong phiên hôm qua là ASM cũng hạ nhiệt với mức tăng 6,56% và tạm ứng đứng tại mức giá 7.630 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đứng thứ 2 sau ROS, đạt gần 3,66 triệu đơn vị.

Còn TLD và FTM vẫn chưa thoát khỏi sắc xanh mắt mèo. Trong đó, FTM ghi nhận phiên giảm sàn thứ 26 về mức giá 3.710 đồng/CP với lượng dư bán sàn 5,87 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, giao dịch diễn ra khá rung lắc và thị trường đã kém may mắn khi chốt phiên dưới mốc tham chiếu.

Cụ thể, sàn HNX có 39 mã tăng và 57 mã giảm, HNX-Index giảm 0,07 điểm (-0,07%), xuống 103,97 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 14,95 triệu đơn vị, giá trị 176,21 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,92 triệu đơn vị, giá trị 65,92 tỷ đồng.

Trong khi nhiều mã trong nhóm top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn đều đứng tại mốc tham chiếu như ACB, SHB, PVI, PVS, thì VCS lại điều chỉnh nhẹ sau phiên tăng mạnh hôm qua, với mức giảm 0,1% xuống 96.900 đồng/CP.

Bên cạnh đó, DGC đảo chiều giảm 1,8% xuống 27.300 đồng/CP, NTP giảm 0,3% xuống 39.000 đồng/CP, VCG giảm 0,8% xuống 26.400 đồng/CP…

Cặp đôi nhà bank là SHB và ACB dẫn đầu thanh khoản trên HNX với khối lượng khớp lệnh lần lượt 1,97 triệu đơn vị và 1,65 triệu đơn vị; tiếp theo đó là CEO khớp 1,54 triệu đơn vị và TIG khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Trái lại, trên UPCoM, mặc dù rung lắc cũng diễn ra khá mạnh nhưng UPCoM-Index đã hồi phục thành công.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,08 điểm (+0,15%), lên 56,78 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 4,8 triệu đơn vị, giá trị 66,93 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,57 triệu đơn vị, giá trị 55,12 tỷ đồng, trong đó riêng EVF thỏa thuận 5 triệu đơn vị, giá trị 30 tỷ đồng.

Trong khi GVR, VEA, BSR, ACV điều chỉnh nhẹ thì BCM vẫn giữ sắc xanh với mức tăng 1% lên 31.200 đồng/CP, VGI, MCH… cũng nhích nhẹ.

Cặp đôi khoáng sản tí hon KSH và KHB dẫn đầu thanh khoản với khối lượng giao dịch lần lượt đạt 646.200 đơn vị và 473.300 đơn vị. Chốt phiên, KSH đứng giá tham chiếu 700 đồng/CP, còn KHB tăng lên 800 đồng/CP.

Tin bài liên quan