Phiên sáng 20/3: Sóng bất động sản qua nhanh, VN-Index vẫn leo đỉnh

Phiên sáng 20/3: Sóng bất động sản qua nhanh, VN-Index vẫn leo đỉnh

(ĐTCK) Sau phiên khởi sắc giúp VN-Index tăng mạnh hôm qua, nhóm cổ phiếu bất động sản đã nhanh chóng hạ nhiệt khiến VN-Index rung lắc trong phiên sáng nay. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của một số mã lớn khác như BID, MSN, VPB, cùng đà tăng trần của ROS, VN-Index đã lấy lại được đà tăng vào cuối phiên.

Phiên giao dịch hôm qua ghi nhận việc nhóm cổ phiếu ngân hàng đã bắt đầu chịu áp lực chốt lời khá mạnh sau khi là lực đẩy chính giúp VN-Index vượt ngưỡng cản 1.150 điểm vừa qua.

Đồng thời, thị trường cũng cho thấy sự dịch chuyển khá mạnh của dòng tiền vào nhóm cổ phiếu bất động sản, qua đó, góp phần giúp VN-Index tiếp tục tăng phiên thứ 6 liên tiếp, mặc dù chưa thể giữ được mốc 1.160 điểm khi đóng cửa.

Theo FPTS, VN-Index có thể sẽ có phiên tích lũy ngắn trong vùng giá 1.155-1.165 điểm trước khi tiếp tục tăng giá.

Các chỉ báo chủ chốt như MACD, RSI cũng bảo vệ cho quan điểm tăng giá. Tuy nhiên, Bollinger band thu hẹp là hậu quả của quá trình giằng co trước đó.

Do đường giá đang vận động khá sát với Bollinger Upper band nên những phiên điều chỉnh, rung lắc có thể sẽ xuất hiện xen kẽ trong quá trình “dò đỉnh” của chỉ số. 

Bước vào phiên giao dịch sáng nay (20/3), áp lực chốt lời nhẹ ngay từ khi mở cửa ở hầu hết các cổ phiếu, đã khiến VN-Index mất điểm, xuống dưới 1.155 điểm.

Tuy nhiên, những pha đảo chiều liên tục của nhiều cổ phiếu đang hút dòng tiền cùng nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đang rung lắc nhẹ là tác nhân khiến VN-Index đang giao dịch giằng co khá mạnh quanh tham chiếu.

Điểm tích cực là chỉ số VN30 lại đang tăng khá tốt, bấp chấp việc số mã tăng và giảm ở nhóm này khá cân bằng, và đáng chú ý có ROS duy trì đà tăng mạnh, khi được kéo lên mức giá trần từ sớm.

Một số cổ phiếu khác cũng có mức tăng khá tốt là DHG, CTD, MSN, BMP…

Sau phần lớn thời gian giao dịch giằng co, VN-Index đã được kéo lên chủ yếu nhờ một số cổ phiếu lớn như BID, MSN, PLX, VPB và 2 cổ phiếu bất động sản NVL, ROS còn giữ được đà tăng.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 106 mã tăng và 159 mã giảm, VN-Index tăng 4,57 điểm (+0,39%), lên 1.163,79 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 116,5 triệu đơn vị, giá trị 3.513,43 tỷ đồng, giảm hơn 25% về khối lượng và hơn 8% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 11,5 triệu đơn vị, giá trị 387,72 tỷ đồng.

Trong đó, ROS vẫn giữ vững sắc tím khi kết phiên, tăng 7% lên 145.700 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh gần bằng cả phiên hôm qua với hơn 440.000 đơn vị.

DHG tăng 6,5% lên 111.600 đồng/cổ phiếu; CTD tăng 2,6% lên 165.800 đồng/cổ phiếu; MSN tăng 3,7% lên 97.800 đồng/cổ phiếu; MWG tăng 2,6% lên 120.000 đồng/cổ phiếu; NVL tăng 2% lên 86.000 đồng/cổ phiếu, có hơn 2 triệu đơn vị khớp lệnh; FPT tăng 2% lên 61.700 đồng/cổ phiếu; BMP tăng 1,4% lên 75.000 đồng/cổ phiếu…

Nhóm giảm điểm lớn nhất khá đáng tiếc khi có nhiều mã vốn hóa lớn, nhưng như đã nêu trên, biên độ giảm của nhóm này không quá cao, hầu hết dưới 1% nên đã không gây tác động xấu lên chỉ số.

Cụ thể, SAB giảm 0,9% xuống 223.000 đồng/cổ phiếu; VNM giảm 0,6% xuống 210.800 đồng/cổ phiếu; VIC giảm 0,1% xuống 104.300 đồng/cổ phiếu; HPG giảm 1% xuống 62.500 đồng/cổ phiếu; VJC giảm 0,3% xuống 206.900 đồng/cổ phiếu…

Ngoài ra, sự trở lại từ sắc đỏ của BID, MBB, và VPB giữ đà tăng với thanh khoản tốt cũng đã tạo hiệu ứng khá tích cực cho thị trường chung.

Cụ thể, BID tăng 1,6% lên 42.350 đồng/cổ phiếu, khớp 1,25 triệu đơn vị; MBB tăng 0,8% lên 36.200 đồng/cổ phiếu, khớp hơn 4,88 triệu đơn vị; VPB tăng 4,1% lên 66.000 đồng/cổ phiếu, khớp 4,66 triệu đơn vị.

Trong khi đó, VCB, CTG, STB và HDB vẫn đang bị chốt lời nhẹ. VCB giảm 0,4% xuống 74.000 đồng/cổ phiếu; CTG giảm 0,3% xuống 36.200 đồng/cổ phiếu, khớp gần 4,5 triệu đơn vị; STB giảm 0,6% xuống 15.950 đồng/cổ phiếu, khớp hơn 7 triệu đơn vị; HDB giảm 1,7% xuống 44.450 đồng/cổ phiếu, khớp 1,5 triệu đơn vị…

Nhóm cổ phiếu thị trường chốt phiên sáng nay vẫn chia làm 2, khi SCR, HAG, HNG, NVT, VHG, QCG tăng điểm, thậm chí SCR có thanh khoản tốt nhất sàn với hơn 8,4 triệu đơn vị, còn NVT và VHG tăng kịch trần và có lần lượt 1,9 triệu và 1,6 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ngược lại, FLC, HQC, IDI, HAR, TSC, AMD chìm trong sắc đó, trong đó FLC khớp lệnh cao nhất nhóm với 4,4 triệu đơn vị, TSC giảm sàn và có gần 2 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ngoài NVL, ROS, một số cổ phiếu liên quan đến xây dựng, bất động sản cũng giữ được đà tăng, nhưng nhẹ hơn rất nhiều so với phiên hôm qua như DXG, PDR, HBC, VRC, trong khi cùng với VIC, quay đầu giảm giá còn có DIG, HDG, LDG, TDH, KBC…

Trên sàn HNX, sau nhịp giảm sau ít phút mở cửa, chỉ số HNX-Index đã tăng trở lại và duy trì đà đi lên cho đến hết phiên sáng nhờ sự hỗ trợ tích cực của SHB, ACB, SHS, VGC và CEO.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 57 mã tăng và 63 mã giảm, HNX-Index tăng 1,2 điểm (+0,9%), lên 135,3 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 38 triệu đơn vị, giá trị 619,91 điểm, giảm gần 15% về khối lượng và 21% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,11 triệu đơn vị, giá trị 17,57 tỷ đồng.

Cụ thể, SHB tăng 0,7% lên 13.600 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh 10,75 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn HNX; ACB tăng 2,6% lên 48.200 đồng/cổ phiếu, khớp hơn 3,1 triệu đơn vị; SHS tăng 2,1% lên 24.500 đồng/cổ phiếu, khớp 1,77 triệu đơn vị; VGC tăng 0,4% lên 25.200 đồng/cổ phiếu, khớp hơn 870.000 đơn vị; CEO tăng 1,8% lên 11.100 đồng/cổ phiếu, khớp hơn 400.000 đơn vị.

Ngược lại, giảm điểm đáng kể nhất chỉ có PVS, khi mã này mất 0,4% xuống 25.300 đồng/cổ phiếu, khớp 2,91 triệu đơn vị. Trong khi NVB, MBS, PVI…đứng tham chiếu, khớp lệnh cao nhất là NVB, MBS với trên dưới 1 triệu đơn vị.

Cổ phiếu SPP sau khi mở cửa bị đẩy xuống mức giá sàn đã nhanh chóng được kéo trở lại, và tăng kịch trần cho đến hết phiên, + 9,6% lên 5.700 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh hơn 4,62 triệu đơn vị, chỉ đứng sau SHB.

Trong khi đó, cổ phiếu ACM giảm sàn, sau khi bà Nguyễn Thúy Hạnh, Tổng giám đốc công ty có công văn xin HNX hủy giao dịch đăng ký bán 3 triệu cổ phiếu trước đó. Chốt phiên, ACM giảm 8,3% xuống 1.100 đồng/cổ phiếu, khớp hơn 620.000 đơn vị.

Trên sàn UpCoM, chỉ số UpCoM-Index may mắn chốt phiên có được sắc xanh, khi trong phần lớn thời gian giao dịch trong sắc đỏ, nhờ SBR, LPB, VIB tăng trở lại, trong khi nhiều mã hút dòng tiền khác gần đây đi xuống như HVN, DVN, OIL, VGT, QNS.

Cụ thể, BSR tăng 4,2% lên 27.400 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh hơn 2 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn. 

LPB tăng 1,3% lên 16.000 đồng/cổ phiếu, khớp 1,64 triệu đơn vị; TVN tăng 0,9% lên 11.100 đồng/cổ phiếu, khớp 1,4 triệu đơn vị; VIB tăng 0,2% lên 41.600 đồng/cổ phiếu, khớp hơn nửa triệu đơn vị.

Ngược lại, HVN giảm 3,3% xuống 49.400 đồng/cổ phiếu, khớp 1,2 triệu đơn vị. DVN giảm 2,4% xuống 20.300 đồng/cổ phiếu; OIL giảm 0,9% xuống 22.300 đồng/cổ phiếu; VGT giảm 2,6% xuống 15.100 đồng/cổ phiếu; QNS giảm 2,6% xuống 60.300 đồng/cổ phiếu, những mã này đều có trên dưới 400.000 đơn vị khớp lệnh.

POW đứng tham chiếu ở mức 16.900 đồng/cổ phiếu và có hơn 1 triệu đơn vị khớp lệnh.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,05 điểm (+0,08%), lên 61,61 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 10,83 triệu đơn vị, giá trị 211,33 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 660.000 đơn vị, giá trị 71,8 tỷ đồng.

Tin bài liên quan