Phiên sáng 2/5: Tiền chảy mạnh trở lại sau kỳ nghỉ lễ

Phiên sáng 2/5: Tiền chảy mạnh trở lại sau kỳ nghỉ lễ

(ĐTCK) Sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài, dòng tiền đã chảy mạnh trở lại vào thị trường khi bước vào phiên giao dịch sáng nay (2/5). Tuy nhiên, áp lực từ một số mã lớn khiến các chỉ số chính chưa thể có được sắc xanh khi chốt phiên sáng.

Phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ (26/4) chịu tác động khá mạnh khi dòng tiền tham gia nhỏ giọt. Thị trường giao dịch khá lặng sóng, VN-Index đi ngang gần suốt cả phiên chiều và nhích nhẹ, tuy nhiên, mốc 980 điểm vẫn chưa được chinh phục.

Tính chung trong cả tháng 4/2019, VN-Index giảm 0,11% xuống 979,64 điểm so với tháng 3. HNX-Index dù tăng nhưng chỉ +0,02% lên 107,46 điểm.

Mặc dù điều chỉnh với nhiều phiên thanh khoản thấp, nhưng điểm tích cực là khối ngoại vẫn duy trì trạng thái mua ròng với trị giá khoảng 1.010 tỷ đồng.

Với phiên giao dịch đầu tiên của tháng 5 sau kỳ nghỉ lễ, thống kê cho thấy 5 năm gần đây số phiên tăng lấn át, mặc dù, việc ám ảnh bởi hiệu ứng “Sell in May” trong tháng 5 năm ngoái (2018) là rất rõ ràng, khi VN-Index mất ngay 2,02% trong ngày giao dịch đầu tiên của tháng do tâm lý chốt lời các bluechip, vốn tăng khá mạnh trước đó, do nhiều phiên tăng điểm mạnh của thị trường chỉ nhờ một số mã này được kéo lên.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay 2/5, VN-Index chớm đỏ, nhưng nhanh chóng bật trở lại trên tham chiếu, tuy nhiên, khi nhà đầu tư chưa kịp thở phào thì thị trường bị giáng một đòn khá bất ngờ từ ông lớn BVH, khi mà hơn 12 triệu cổ phiếu ESOP trong tổng số hơn 20,41 triệu cổ phiếu theo tiêu chí này phát hành năm 2018 chính thức được giao dịch tự do bắt đầu từ ngày hôm nay đã nhấn chìm thị trường, kéo chỉ số xuống gần ngưỡng 975 điểm sau khoảng 1 giờ giao dịch.

Theo đó, BVH giảm sàn 7% xuống 82.400 đồng, khớp lệnh hơn 100.000 đơn vị và còn dư bán gần 1,7 triệu đơn vị.

Cộng hưởng thêm việc thị trường đuối sức là việc các cổ phiếu lớn, bluechip khác cũng chưa lấy lại được cân bằng, thậm chí 3 mã lớn nhất thị trường là VIC, VHM và VCB đang giao dịch trong sắc đỏ.

Trong khi các mã xanh cũng chỉ có được mức tăng điểm khiêm tốn như VNM, SAB, MSN, VRE…

Nhóm cổ phiếu nhỏ và vừa, đáng chú ý là VHG, với khả năng lớn là nhiều nhà đầu tư nắm giữ mã này đã “buông tay”, khiến khối lượng khớp lệnh đột biến với hơn 4,5 triệu đơn vị, sau khi tắc thanh khoản 2 phiên gần nhất với chỉ vài nghìn đơn vị khớp lệnh. Hiện, VHG đã thoát mức giá sàn, nhưng vẫn đang giảm sâu hơn 6%.

Cùng chung đà giảm mạnh với VHG còn có KSH, DRH, CRC, KBC, NKG..

Ngược lại, một số đang tăng khá nhờ dòng tiền đầu cơ như SJF, TTF, HSG, trong đó, SJF và TTF có thời điểm còn có mức giá trần.

Sau khi xuống gần ngưỡng 975 điểm, VN-Index cố gắng hồi trở lại nhờ lực cầu trở lại với một số mã lớn, tuy nhiên, lực cầu này còn khá hạn chế, trong sắc đỏ vẫn lấn át trên bảng điện tử và BVH vẫn chưa thoát mức giá sàn, đã đưa chỉ số thoái lui trở lại trong những phút cuối, tuy nhiên điểm tích cực là thanh khoản thị trường được cải thiện đáng kể.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 98 mã tăng và 181 mã giảm, VN-Index giảm 1,99 điểm (-0,2%), xuống 977,65 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 84,92 triệu đơn vị, giá trị 1.702,05 tỷ đồng, tăng 48% về khối lượng và 34% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 12,9 triệu đơn vị, giá trị 297,5 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn phân hóa với các mã tăng đến từ VNM +0,9% lên 131.000 đồng; GAS +0,9% lên 113.800 đồng; SAB +0,4% lên 240.100 đồng; MSN +0,2% lên 87.100 đồng; VRE +0,4% lên 36.150 đồng…cùng một vài bluechip đáng kể như VJC +1,3% lên 117.4000 đồng; MBB +1,2% lên 22.050 đồng; MWG +1,4% lên 86.100 đồng; PNJ +1,7% lên 101.800 đồng; DHG +1,4% lên 117.500 đồng…

Ngược lại thì giảm mạnh nhất vẫn là BVH, khi giảm sàn -7% xuống 82.400 đồng, khớp lệnh chỉ hơn 120.000 đơn vị, và còn dư bán hơn 1,8 triệu đơn vị. VCB -1,3% xuống 67.000 đồng; TCB -1% xuống 23.900 đồng; POW -1,1% xuống 14.650 đồng; ROS -1,8% xuống 30.300 đồng…cùng VHM -0,5%; BID -0,4%; CTG -0,7%; HPG -0,3%, NVL -0,9%...

Khớp lệnh cao nhất là ROS với hơn 4,7 triệu đơn vị; MBB có gần 2 triệu đơn vị; STB có 1,44 triệu đơn vị và đứng tham chiếu; HPG có 1,3 triệu đơn vị; VRE có 1,1 triệu đơn vị; CTG có 1,04 triệu đơn vị...

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ giữ được sức hút chỉ còn PVD, HSG, SJF, ASM, ITA, khớp lệnh từ 0,9 triệu đến 3,87 triệu đơn vị.

VHG bị bán mạnh, khi giảm sàn -6,8% xuống 1.370 đồng, khớp hơn 5 triệu đơn vị và gần như trắng bên mua.

Chìm trong sắc đỏ, nhưng mức giảm thấp hơn có khá nhiều cổ phiếu như FLC, HNG, AAA, KBC, HAG, LDG, SHI, NKG, HQC...khớp từ 0,6 triệu đến 3,2 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index tăng khá từ sớm, nhưng sau đó bị đẩy xuống mức tham chiếu vào giữa phiên và diễn biên sau đó là giằng co nhẹ trong phần còn lại.

Thị trường cũng phân hóa mạnh với PVS +2,6% lên 23.900 đồng; PVI +1,7% lên 41.200 đồng; VGC +1,5% lên 19.800 đồng; DBC +0,9% lên 22.700 đồng; TV2 +2,7% lên 142.800 đồng; NDN +3,1% lên 13.100 đồng... cùng một số mã nhỏ kéo lên mức giá trần là BII, KVC, DPS.

Trong khi đó, phần còn lại đa số giảm như ACB -0,3% xuống 30.000 đồng; VCG -0,4% xuống 27.500 đồng; VCS -0,2% xuống 64.000 đồng; NVB -2,2% xuống 9.000 đồng; MBS -3% xuống 16.000 đồng; PGS -3,3% xuống 34.800 đồng; TNG -0,5% xuống 20.900 đồng; CEO -0,8% xuống 12.000 đồng...cùng SHB, SHS đứng ở tham chiếu.

Khớp lệnh cao nhất sàn là PVS với hơn 3,7 triệu đơn vị; SHB có 3,25 triệu đơn vị; BII có 1,5 triệu đơn vị; HUT có 1,46 triệu đơn vị, giảm 2,8% xuống 3.500 đồng; NDN có 0,92 triệu đơn vị; KVC và DPS có 0,75 triệu đơn vị...

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 45 mã tăng và 59 mã giảm, HNX-Index giảm 0,12 điểm (-0,11%), xuống 107,34 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 19,05 triệu đơn vị, giá trị 224,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 0,8 triệu đơn vị, giá trị 11,48 tỷ đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index giảm ngay khi mở cửa và chạm đáy vào giữa phiên, sau đó đi ngang trong thời gian giao dịch còn lại.

Gần như đa số các mã lớn đều giảm như LPB, VGT, VIB, VGG, VEA, MPC, NTC, MSR, hoặc chỉ có mức giá tham chiếu BSR, OIL, QNS, GVR, MIG.

Tăng điểm và thanh khoản tốt lác đác chỉ còn GEG, VFC, SDI, ACV, VGI, CTR...

Cổ phiếu đáng chú ý là VNX, sau khi tăng 1900% trong hơn 1 tháng qua với đa số các phiên chỉ có 100 đơn vị khớp lệnh, đã tiếp tục có diễn biến này, và tăng kịch trần +14,9% lên 23.900 đồng trong phiên sáng nay.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,3 điểm (-0,54%), xuống 55,93 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 4,23 triệu đơn vị, giá trị 87,94 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,18 triệu đơn vị, giá trị 3,1 tỷ đồng.

Tin bài liên quan