Phiên sáng 2/3: Cổ phiếu vừa và nhỏ "vào sóng"

Phiên sáng 2/3: Cổ phiếu vừa và nhỏ "vào sóng"

(ĐTCK) Trong khi các mã bluechip phân hóa khiến thị trường giao dịch giằng co quanh mức giá 880 điểm, thì nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ lại tạo ấn tượng mạnh khi hàng loạt mã quen thuộc hồi phục tích cực.

Thị trường chứng khoán vừa trải qua tháng 2 giao dịch khá ảm đảm trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ngày càng phức tạp và lan rộng toàn cầu. Bên cạnh áp lực bán trong nước, giao dịch nhà đầu tư nước ngoài cũng khá tiêu cực khi liên tiếp xả bán ồ ạt qua từng phiên giao dịch và bán ròng tới hơn 3.100 tỷ đồng trong cả tháng 2.

Chỉ số VN-Index đã trải qua những phiên lao dốc mạnh, đáng kể có phiên 24/2 giảm tới gần 30 điểm và tính chung trong tháng 2, thị trường đã để mất gần 55 điểm, tương ứng giảm 5,81% và kết phiên cuối cùng của tháng tại mốc 882 điểm, về gần vùng đáy năm 2019.

Theo nhận định của ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS), sau 1 tháng bùng phát đầu tiên dịch cúm Covid 19 đã chuyển sang giai đoạn mới lây lan theo diện rộng tại nhiều quốc gia tạo nên nhiều mối lo ngại mới. Đơn cử tại Việt Nam khởi đầu chúng ta chỉ phải giám sát người từ Trung Quốc nhưng hiện tại có thêm từ Hàn Quốc và sắp tới có thể thêm nhiều nước.

Cuộc chiến chống dịch đang bước vào giai đoạn quyết định cần có sự nỗ lực của cả cộng đồng quốc tế chứ không còn chỉ riêng của Trung Quốc. Việc căng mình chống dịch tổn hao nhiều nguồn lực trong nước trong khi càng làm cho cánh cổng giao thương chúng ta thu hẹp lại.

Với thị trường trong nước vốn rất nhạy cảm, ông Khanh cho rằng, ít nhất trong 2 tuần đầu tháng 3 thị trường sẽ còn điều chỉnh mạnh và chúng ta sẽ chưa thể xác định chính xác đáy thị trường sẽ ở đâu cho đến khi tình hình dịch cúm có tín hiệu kiểm soát hiệu quả.

Bước vào phiên giao dịch đầu tháng 3, mặc dù áp lực lực bán không diễn ra ồ ạt nhưng vẫn chiếm áp đảo khiến thị trường tiếp tục chìm trong sắc đỏ. Chỉ số VN-Index nhanh chóng thủng mốc 880 điểm ngay khi mở cửa phiên giao dịch.

Sang đợt khớp lệnh liên tục, chỉ số VN-Index tiếp tục thử thách mốc 880 điểm và biến động trong biên độ hẹp tại vùng giá này.

Nhóm cổ phiếu bluechip giao dịch phân hóa với gánh nặng chính đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng và bộ đôi lớn nhà Vingroup. Trong khi đó, SAB sau phiên lao dốc cuối tuần trước đã có nhịp hồi khá tốt khi tăng hơn 3%.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đang là điểm nhấn của thị trường khi hàng loạt mã đảo chiều tăng vọt sau nhịp giảm sâu cuối tuần trước. Điển hình HAI và AMD đang ngấp ngé mức trần, HHS tăng hết biên độ lên mức giá trần 4.790 đồng/CP, FLC, DLG, KBC, SCR… cũng hồi xanh.

Sau hơn 90 phút giao dịch lình xình dưới mốc tham chiếu, sự hồi phục của một số mã bluechip đã tiếp sức giúp thị trường đảo chiều khởi sắc. Tuy nhiên, lực đỡ này nhanh chóng quay đầu về cuối phiên do áp lực bán gia tăng khiến VN-Index dừng chân dưới mốc tham chiếu khi chốt phiên sáng.

Cụ thể, VN-Index giảm nhẹ 0,88 điểm (-0,1%), xuống 881,31 điểm khi có 136 mã tăng và 176 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 116,94 triệu đơn vị, giá trị 1.927,23 tỷ đồng, giảm 7,92% về khối lượng và 21,97% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước (28/2).

Cổ phiếu SAB tiếp tục nới rộng biên độ về cuối phiên và chốt phiên +3,5% lên 167.700 đồng/CP, thêm vào đó GAS +2,8% lên 77.800 đồng/CP, các mã lớn như VNM, BVH, TCB cũng nhích nhẹ.

Trong khi đó, VIC và VHM đã thu hẹp biên độ giảm, cùng các mã VCB, PLX, BID, CTG, HPG chỉ giảm nhẹ trên dưới 0,5%, ngoại trừ MSN -2% xuống 48.000 đồng/CP.

Đáng chú ý, trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, mã STB có phiên giao dịch bùng nổ và có thời điểm được kéo lên kịch trần. Chốt phiên, STB +5,17% lên 12.200 đồng/Cp với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu thị trường, đạt 19,5 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhiều mã vẫn duy trì đà tăng tốt cùng giao dịch sôi động, trong đó HAI +5,9 lên 2.690 đồng/CP và khớp 6,72 triệu đơn vị, AMD +3,64% lên 2.280 đồng/CP và khớp 5,62 triệu đơn vị, TCH +2,36% lên 32.550 đồng/CP và khớp 3,3 triệu đơn vị… Đáng kể HHS, DRH, VNE, QCG chốt phiên tại mức giá trần.

Trên sàn HNX, sau nhịp rung lắc giữa phiên, thị trường đã đảo chiều hồi phục và may mắn giữ sắc xanh nhạt do lực bán gia tăng ở cuối phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 43 mã tăng và có tới 41 mã giảm, HNX-Index tăng nhẹ 0,09 điểm (+0,08%), lên 109,66 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 37,85 triệu đơn vị, giá trị 421,9 tỷ đồng, tăng 17,47% về lượng và 20,42% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,56 triệu đơn vị, giá trị 41,82 tỷ đồng.

Cổ phiếu SHB dù không phi nước đại như phiên cuối tuần trước nhưng vẫn giữ được nhịp tăng khi chốt phiên sáng +2,08% lên 9.800 đồng/CP với thanh khoản sôi động, lên tới 23,15 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, SHS cũng mất sắc tím và chốt phiên +5,06% lên 8.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 1,18 triệu đơn vị.

Trái lại, ACB, VCG, BVS, MBS, PVI, PVB tiếp tục đứng dưới mốc tham chiếu với mức giảm nhẹ.

Trên UPCoM, giao dịch diễn ra giằng co mạnh, chỉ số UPCoM-Index liên tục lên xuống quanh mốc tham chiếu.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,03 điểm (-0,06%), xuống 55,02 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 10,29 triệu đơn vị, giá trị 92,58 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp thêm 9,17 tỷ đồng.

Cổ phiếu LPB tiếp tục là điểm sáng của thị trường UPCoM. Chốt phiên, LPB +8,7% lên mức 7.500 đồng/CP với khối lượng giao dịch dẫn đầu, đạt 3,39 triệu đơn vị.

Tiếp theo đó, PPI và G36 có khối lượng giao dịch hơn 1 triệu đơn vị. Trong khi PPI chốt phiên tại mức giá sàn 400 đồng thì G36 +12,24% lên 5.500 đồng/CP.

Tin bài liên quan