Phiên sáng 19/4: Dòng tiền èo uột, VN-Index hạ độ cao

Phiên sáng 19/4: Dòng tiền èo uột, VN-Index hạ độ cao

(ĐTCK) Mặc dù bật tăng mạnh đầu phiên, nhưng với việc dòng tiền tham gia nhỏ giọt khiến VN-Index hạ nhiệt nhanh chóng và đóng cửa với mức tăng nhẹ, thanh khoản sụt giảm mạnh.

Sau kỳ nghỉ lễ, thị trường vẫn không ngắt được nhịp điều chỉnh trước áp lực bán khá lớn trong khi dòng tiền tham gia tiếp tục hạn chế. Chỉ số VN-Index đã liên tiếp thủng các mốc kháng cự thấp hơn khi thiếu sự đồng thuận của nhóm cổ phiếu lớn, trong đó phiên hôm qua 18/4 cũng không ngoại trừ.

Trong phiên 18/4, những tưởng thị trường dần lấy lại cân bằng sau 3 phiên giảm liên tiếp trước đó, nhưng diễn biến trở nên xấu đi từ cuối phiên sáng. Áp lực bán bất ngờ dâng cao đã nhấn chìm thị trường trong sắc đỏ, đẩy VN-Index giảm mạnh xuống vùng 965 điểm. Thậm chí, chỉ số này đã bị đẩy xuống sát mốc 960 điểm ngay khi bước vào phiên chiều và hồi nhẹ khi kết phiên.

Trái với diễn biến bán mạnh của nhà đầu tư trong nước, khối ngoại vẫn là nhân tố tích cực hỗ trợ cho thị trường khi liên tiếp mua ròng mạnh hàng trăm tỷ đồng qua từng phiên. Chỉ tính trong 3 phiên trong tuần này, khối ngoại đã mua ròng gần 632 tỷ đồng.

Theo nhận định MBS, việc hệ số tăng/giảm nghiêng hẳn về bên bán trong 2 phiên gần đây cho thấy mức thiệt hại ở cổ phiếu đã đến trạng thái phải cắt lỗ. Việc thị trường giảm có khả năng là do hiệu ứng đáo hạn phái sinh hay hedging đều được.

Với những diễn biến và phân tích trên, thị trường đã nhanh chóng quay hồi phục trở lại trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 19/4.

Mặc dù dòng tiền tham gia khá nhỏ giọt do tâm lý thận trọng nhưng hầu hết các bluechip đã đảo chiều đi lên, là động lực chính giúp VN-Index tiếp cận lại ngưỡng kháng cự 970 điểm. Trong đó, các nhóm trụ cột như ngân hàng, dầu khí đều giao dịch khởi sắc, đáng kể là sự đảo chiều sau phiên giảm sâu ngày hôm qua của SAB khi bật tăng 5,2% và tạm đứng tại mức giá 242.900 đồng/CP sau khoảng 50 phút giao dịch.

Tuy nhiên, tâm điểm thị trường vẫn dành cho các cổ phiếu nhỏ. Tiêu biểu VHG có phiên tăng trần thứ 23, vươn lên mức giá 1.820 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị, đứng thứ 3 về thanh khoản và lượng dư mua trần khá lớn hơn 4,51 triệu đơn vị.

Người anh em PPI cũng xác lập phiên tăng trần thứ 3 sau khi bị ngắt nhịp tăng trong phiên đầu tuần. Hiện PPI đứng tại mức giá 1.020 đồng/CP và dư mua trần gần nửa triệu đơn vị. Các mã vừa và nhỏ khác như SCR, HSG, FLC, DLG, OGC, ITA… cũng khởi sắc và giao dịch khá tốt.

Sau khi vượt mốc 970 điểm, thị trường dần đuối sức trước dòng tiền suy yếu. Bên cạnh một số mã lớn thu hẹp đà tăng, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng giao dịch kém tích cực hơn khi hầu hết đều quay về mốc tham chiếu hoặc điều chỉnh, khiến VN-Index lùi về mốc 965 điểm và giao dịch lình xình đến hết phiên. Điều đáng quan tâm là thanh khoản thị trường tiếp tục sụt giảm mạnh, dòng tiền chủ yếu đứng ngoài quan sát.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 154 mã tăng và 125 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 4,04 điểm (+0,42%) lên 966,34 điểm. Tổng khối lượng giao dịch chỉ hơn 52 triệu đơn vị, giá trị 1.025,56 tỷ đồng, giảm 28,57% về lượng và 30,83% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 6,38 triệu đơn vị, giá trị 153,22 tỷ đồng. Riêng VND thỏa thuận 5 triệu đơn vị, giá trị 82,5 tỷ đồng.

Các cổ phiếu lớn đều hạ độ cao như GAS tăng 0,8% lên 106.400 đồng/CP, MSN tăng 1,9% lên 87.600 đồng/CP, VHM tăng 0,3% lên 89.300  đồng/CP, VIC và VCB cũng chỉ còn nhích nhẹ. Ngoại trừ SAB vẫn giữ được mức tăng 5,2% lên 242.900 đồng/CP nhưng giao dịch khá hạn chế với khối lượng khớp lệnh đạt 5.260 đơn vị.

Trong khi đó, VNM, VRE, TCB, BID đều quay về mốc tham chiếu. Thậm chí, nhiều mã ngân hàng khác như CTG, MBB, HDB, VPB, EIB đảo chiều giảm nhẹ.

Cổ phiếu ROS vẫn dẫn đầu thanh khoản với khối lượng khớp 4,54 triệu đơn vị và chốt phiên giảm 3,04% xuống mức 30.350 đồng/CP.

Nhóm cổ phiếu thị trường vẫn giữ nhiệt với AAA tăng 0,8% lên 17.950 đồng/CP và đứng thứ 2 về thanh khoản với lượng khớp hơn 2,2 triệu đơn vị; HSG tăng 4,3% lên 8.030 đồng/CP, SCR, ITA, OGC, DLG… cũng đều khởi sắc.

Cặp đôi nhỏ VHG và PPI bảo toàn sắc tím với lượng dư mua trần lớn. Trong đó, mặc dù với công bố kết quả kinh doanh liên tiếp thua lỗ 3 năm và sẽ phải hủy niêm yết trên HOSE, chuyển sang đăng ký giao dịch trên UPCoM, nhưng cổ phiếu VHG đã xác lập phiên tăng trần thứ 23.

Được xếp hạng đứng đầu danh sách những cổ phiếu có tỷ lệ sinh lợi cao nhất HOSE trong nhiều tuần qua, bất chấp thông tin sắp chia tay sàn, cổ phiếu VHG còn tạo đột biến với thanh khoản tăng vọt. Trong phiên sáng nay, VHG đã khớp hơn 1,27 triệu đơn vị, nằm trong top 5 mã thanh khoản tốt nhất sàn HOSE và dư mua trần khá lớn 3,48 triệu đơn vị.

Diễn biến tương tự cũng diễn ra trên sàn HNX khi đà tăng dần thu hẹp sau nửa phiên giao dịch và lình xình đi ngang đến hết phiên.

Chốt phiên, sàn HNX có 42 mã tăng và 54 mã giảm, chỉ số HNX-Index tăng nhẹ 0,04 điểm (+0,04%) lên 105,79 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 14,16 triệu đơn vị, giá trị 110,22 tỷ đồng, giảm 10,94% về lượng và hơn 40% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận chỉ đóng góp thêm hơn 1,6 tỷ đồng.

Sau nhịp hồi nhẹ đầu phiên, nhiều mã bluechip đã quay về mốc tham chiếu như ACB, PVS, PVI, VCG, thậm chí điều chỉnh như VGC giảm 1,1% xuống 18.800 đồng/CP, DGC giảm 1,1% xuống 35.500 đồng/CP.

Trái lại, một số mã vẫn giữ được đà tăng như SHB tăng 1,4% lên 7.500 đồng/CP, VCS tăng 0,3% lên 64.100 đồng/CP, TV2 khởi sắc sau 4 phiên giao dịch thiếu tích cực với mức tăng 2,3% lên 131.400 đồng/CP, hay các mã L14, VC3, NDN, DHT tăng nhẹ.

Trong đó, SHB là mã giao dịch sôi động nhất với khối lượng khớp lệnh 1,57 triệu đơn vị; tiếp theo đó là ACM và BII lần lượt khớp 1,46 triệu đơn vị và 1,06 triệu đơn vị.

Ngoài BII tăng trần, nhiều mã nhỏ khác cũng chốt phiên trong sắc tím như HKB, DCS, PVV, DPS, KHS, MBG, PVL, KLF, HVA…

Trên UPCoM, giao dịch giằng co mạnh và thiếu may mắn khi bị đẩy về dưới mốc tham chiếu trong những phút cuối phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,01 điểm (-0,02%) xuống 55,99 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,88 triệu đơn vị, giá trị 60,21 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 5,78 triệu đơn vị, giá trị 158,45 tỷ đồng, trong đó riêng RCC thỏa thuận hơn 4,56 triệu đơn vị, giá trị 135,11 tỷ đồng.

Tin bài liên quan