Phiên sáng 19/2: Thị trường phân hóa, VN-Index chưa thoát sắc đỏ

Phiên sáng 19/2: Thị trường phân hóa, VN-Index chưa thoát sắc đỏ

(ĐTCK) Sự phân hóa diễn ra khá rõ nét trong phiên giao dịch sáng nay, khiến VN-Index giằng co trong biên độ hẹp và đóng cửa giảm nhẹ.

Thị trường chứng khoán Việt Nam có 3 phiên giảm nhẹ liên tiếp do áp lực từ nhóm cổ phiếu lớn, trong đó đáng chú ý là nhóm cổ phiếu họ Vingroup.

Trong phiên hôm qua, nhóm cổ phiếu này, đặc biệt là anh cả VIC giảm mạnh 3,2% khiến VN-Index mất mốc 930 điểm dù số mã tăng, giảm không chênh lệch nhau quá nhiều.

Ngoài nhóm cổ phiếu họ Vingroup đã giảm của VN-Index trong phiên hôm qua còn do áp lực từ một số mã bluechip khác như SAB, GAS, HPG, VNM, BHN, TCB, MBB, HDB, STB. Trong khi đó, CTG, VPB, BID, EIB, FPT, MWG, PNJ giúp VN-Index thoát được mức đáy của ngày.

Trên thị trường chứng khoán thế giới, sau khi Apple cho biết sẽ không thể đạt được mục tiêu doanh số quý như kế hoạch đặt ra trước đó do ảnh của virus Corona bùng phát tại Trung Quốc khiến nhóm cổ phiếu công nghệ lao dốc, kéo các thị trường chìm trong sắc đỏ.

Với tâm lý trên, thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào phiên sáng nay cũng tiếp tục duy trì sắc đỏ, nhưng mức giảm không lớn.

Trong các mã lớn đáng chú ý, nhóm cổ phiếu họ Vingroup tiếp tục mở cửa giảm giá, nhưng sau đó VIC đã đảo chiều tăng giá mạnh có lúc lên tới 2,3%, giúp VN-Index đảo chiều tăng điểm, lấy lại mốc 930 điểm.

Tuy nhiên, đà tăng mạnh của VIC nhanh chóng hạ nhiệt, trong khi VCB, VHM, BID, TCB, VRE vẫn chìm trong sắc đỏ, khiến VN-Index yếu đà.

Về nửa cuối phiên, lực bán ở nhiều mã bluechip khác gia tăng, trong khi VIC chỉ còn duy trì mức tăng tối thiểu, cùng VNM và một số mã ngân hàng khác tăng nhẹ không đủ sức níu kéo VN-Index giữ lại được sắc xanh khi chốt phiên.

Đóng cửa phiên sáng, VN-Index giảm 0,68 điểm (-0,07%), xuống 927,25 điểm với 154 mã tăng và 165 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 112 triệu đơn vị, giá trị 20.025,6 tỷ đồng, tương đương với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 16 triệu đơn vị, giá trị 537 tỷ đồng.

Như đã đề cập, VIC chỉ còn mức tăng tối thiểu 0,1% lên 104.600 đồng, VNM cũng chỉ tăng nhẹ 0,47% lên 106.000 đồng. Tích cực hơn là CTG tăng 1,12% lên 27.000 đồng, VPB tăng 1,28% lên 27.750 đồng, MSN tăng 2,41% lên 50.900 đồng, POW tăng 1,45% lên 10.500 đồng. Các mã khác như PLX, MWG, HVN… chỉ tăng nhẹ, còn lại đều giảm giá, nhưng mức giảm cũng không mạnh. Trong nhóm bluechip, STB là mã có thanh tốt nhất với hơn 4 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu nhỏ vẫn xuất hiện nhiều con sóng đơn lẻ như tại ITA, HQC, HCD, LMH khi đều đóng cửa với sắc tím và còn dư mua trần khá lớn. Đặc biệt, ITA khớp 6,4 triệu đơn vị, cao nhất sàn HOSE, còn dư mua giá trần gần 300.000 đơn vị. HQC khớp hơn 4 triệu đơn vi, còn dư mua giá trần hơn 1,4 triệu đơn vị, HCD khớp hơn 1,5 triệu đơn vị, còn dư mua gần 200.000 đơn vị.

Trong khi đó, AMD nổi sóng khá sớm, nhưng lại không duy trì được sắc tím khi đóng cửa ở mức 2.300 đồng, tăng 5,5% với 5,5 triệu đơn vị được khớp, đứng sau ITA. Các mã khác như FLC, HAI, DLG, ROS, DRH, HAR… cũng có sắc xanh với giao dịch khá sôi động.

Trên HNX, việc cổ phiếu ACB đảo chiều giảm, cùng với sắc đỏ tại SHB, VCS khiến HNX-Inhdex giảm khá sâu sáng nay.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,81 điểm (-0,74%), xuống 109,26 điểm với 46 mã tăng, 56 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 16 triệu đơn vị, giá trị 207 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

Trong 5 mã vốn hóa lớn nhất thị trường, có tới 3 mã giảm là ACB giảm 1,13% xuống 26.300 đồng, khớp 2,44 triệu đơn vị; VCS giảm 1,3% xuống 76.000 đồng; SHB giảm 2,74% xuống 7.100 đồng, khớp 4,38 triệu đơn vị, lớn nhất sàn. Một mã đứng giá là VCG, chỉ có PVS tăng nhẹ 0,62% lên 16.300 đồng.

Trên UPCoM, sau ít phút rung lắc nhẹ đầu phiên, UPCoM-Index đã trở lại đà tăng và duy trì sắc xanh cho tới hết phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,19 điểm (+0,35%), lên 56,44 điểm với 80 mã tăng và 42 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 20,6 triệu đơn vị, giá trị 935 tỷ đồng, tuy nhiên chủ yếu đến từ giao dịch thỏa thuận khi đóng góp 15,6 triệu đơn vị, giá trị 857 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là từ giao dịch thỏa thuận VCP với 15,5 triệu cổ phiếu, giá trị 853,5 tỷ đồng.

Vì vậy, trên thị trường này sáng nay không có mã nào khớp tới 1 triệu đơn vị, trong đó có thanh khoản tốt nhất là GVR với 0,72 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 4,46% lên 11.700 đồng.

Tin bài liên quan