Phiên sáng 18/5: Nhà đầu tư đứng nhìn, VN-Index tiếp tục lùi sâu

Phiên sáng 18/5: Nhà đầu tư đứng nhìn, VN-Index tiếp tục lùi sâu

(ĐTCK) Dòng tiền dè dặt khi nhà đầu tư chủ yếu lựa chọn cách đứng ngoài quan sát khiến VN-Index tiếp tục lùi sâu và đang de dọa ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.020 điểm trong phiên sáng nay.

Tâm lý thận trọng bao trùm ngay khi mở cửa phiên ngày hôm qua. Dòng tiền dè dặt khiến giao dịch diễn ra chậm, sắc đỏ lấn át. Diễn biến này khiến nhà đầu tư sốt ruột mà tiếp tục thoát hàng, đà giảm của VN-Index theo đó tăng dần về cuối phiên.

Trong phiên chiều, diễn biến có phần tiêu hơn, VN-Index nhanh chóng lùi sâu hơn. Không được sự ủng hộ của dòng tiền, cộng thêm tâm lý bi quan nên VN-Index không thể tránh được phiên lao dốc thứ 2 liên tiếp.

Theo PHS, đồ thị intraday các chỉ báo kỹ thuật đang đi vào vùng quá bán. Do đó, khả năng phiên 18/5 đà giảm của chỉ số có thể sẽ chững lại hoặc nếu tích cực hơn có thể sẽ là một phiên hồi kỹ thuật.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay (18/5), lực mua kỹ thuật ngay lập tức xuất hiện do tâm lý bắt đáy đã kéo chỉ số  VN-Index lên gần ngưỡng 1.040 điểm, sau khi chỉ số này đã mất tổng cộng gần 43 điểm trong 2 phiên vừa qua,

Tuy nhiên, tâm lý thận trọng vẫn lất át do thị trường thời gian này, cùng sự kiên nhẫn ngày một vơi dần qua các phiên, áp lực bán vì thế cũng đã trở lại, kéo VN-Index xuống dưới tham chiếu sau hơn 30 phút giao dịch…

Dòng tiền về cơ bản không có sự thay đổi nào khi vẫn tập trung vào một số cổ phiếu nhỏ và vừa như HHS, KBC, ASM, IDI, HAG…cùng một số bluechip như SBT, HPG, CTG, STB, VPB cùng điểm sáng là giao dịch thỏa thuận của khối ngoại với 267,8 triệu cổ phiếu của cái tên mới chào sàn hôm qua - Công ty cổ phần Vinhomes (VHM), giá trị hơn 30.716 tỷ đồng đã kéo VN-Index hồi phục đôi chút sau hơn 1 giờ giao dịch.

Sau nhịp rung lắc trong hơn 1 giờ giao dịch, VN-Index đã một lần nữa đổ đèo, lao mạnh xuống ngưỡng 1.020 điểm khi chốt phiên sáng nay, với hầu hết trụ cột đều giảm, cùng nhóm cổ phiếu thanh khoản cao cũng quay đầu, chìm trong sắc đỏ.

Cụ thể, chốt phiên sáng, sàn HOSE có 71 mã tăng và 176 mã giảm, VN-Index giảm 9,50 điểm (-0,92%), xuống 1.021,14 điểm. Khối lượng giao dịch tăng đột biến hơn 332,5 triệu đơn vị, giá trị 32.665,43 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đã đóng góp tới 274,62 triệu đơn vị, giá trị 31.052 tỷ đồng, chiếm phần lớn là giao dịch thỏa thuận 267,8 triệu cổ phiếu VHM, giá trị 30.716,6 tỷ đồng, tiếp đến là 3,22 triệu cổ phiếu NVL, giá trị 175,5 tỷ đồng.

Nếu bỏ qua giao dịch thỏa thuận, thanh khoản phiên sáng nay chỉ tương đương với phiên sáng hôm qua.

Lượng cổ phiếu giao dịch khủng trong phiên thỏa thuận của VHM chiếm 10% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của VHM và bên mua là nhà đầu tư nước ngoài mua, còn bên bán là nhà đầu tư trong nước. Danh tính các bên giao dịch nhiều khả năng sẽ xuất hiện trong một vài ngày tới. Đây là thương vụ M&A tương đối lớn sau vụ Sabeco (5 tỷ USD) với giá trị khoảng 1,35 tỷ USD.

Dù có thỏa thuận khủng, nhưng trong phiên khớp lệnh, VHM lại không có giao dịch nào do bên bán không ra hàng. Nếu chỉ cần VHM có lệnh khớp, nhiều khả năng VN-Index sẽ đứng vững, bởi đây là mã có vốn hóa lớn thứ 2 thị trường sau VIC. Diễn biến của VHM khá giống với VRE thời điểm mới lên sàn khi đều trắng bên bán trong mấy phiên đầu.

Trong Top 10 mã vốn hóa lớn nhất thị trường, ngoại trừ VHM và người anh em VRE ở mức tham chiếu, có thêm VNM tăng 1,33%, lên 113.000 đồng và MSN tăng 2,07%, lên 88.800 đồng, SAB tăng nhẹ 0,2%, lên 242.000 đồng, còn lại đều giảm khá mạnh.

Cụ thể, VIC giảm 1,5% xuống 121.100 đồng, khớp hơn 913.000 đơn vị; GAS giảm 2,6% xuống 113.000 đồng, khớp gần nửa triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu 3 ngân hàng lớn là VCB giảm 2,1% xuống 55.600 đồng, khơp hơn 1,15 triệu đơn vị; CTG giảm 1,4% xuống 28.800 đồng, khớp 2,54 triệu đơn vị; BID giảm 3,6% xuống 31.800 đồng, khớp 1 triệu đơn vị.

Nhóm bluechip tăng ngoài VNM, SAB, MSN thì chỉ còn có DHG +0,3% lên 103.500 đồng và DPM tăng 0,3% lên 19.350 đồng, còn lại đều giảm (SBT và HPG đứng tham chiếu).

Trong đó, một số mã giảm đáng kể là VJC giảm 4,8% xuống 179.000 đồng; BMP -3,2% xuống 57.200 đồng; BVH -2,3% xuống 91.700 đồng; ROS -2,6% xuống 74.000 đồng…

Nhóm ngành trụ cột ngân hàng chỉ còn duy nhất VPB tăng 0,5% lên 46.050 đồng, khớp lệnh 1,26 triệu đơn vị, còn lại HDB, TPB, EIB đứng tham chiếu, và MBB giảm 1% xuống 29.600 đồng, khớp 1,3 triệu đơn vị, STB giảm 0,4% xuống 12.700 đồng.

Nhóm cổ phiếu thị trường giữ được sắc xanh chỉ còn HAG, ASM, IDI, DAG, với thanh khoản khớp lệnh tù hơn 680.000 đến 1,9 triệu đơn vị.

Còn lại HHS, FLC, SCR, HQC, HNG, TTF, EVG, QCG…đều giảm điểm, với HHS khớp lệnh lớn nhất có hơn 2,87 triệu đơn vị.

Thanh khoản cao nhất HOSE phiên sáng nay là OGC với hơn 3,04 triệu đơn vị, chốt phiên đứng tham chiếu tại 2.290 đồng/cổ phiếu.

VND sau 2 phiên liên tiếp phục hồi đã bất ngờ bị bán mạnh, giảm 5% xuống 21.750 đồng, khớp lệnh gần 620.000 đơn vị.

Trên sàn HNX, diễn biến tương tự VN-Index xảy ra, khi chịu rung lắc trong hơn giờ giao dịch, sau đó cũng lao mạnh xuống dưới tham chiếu, với sắc xanh le lói ở CEO, TTB, còn lại đều giảm.

Cụ thể, CEO tăng 3,4% lên 15.300 đồng, khớp 1,26 triệu đơn vị; TTB tăng 8% lên 18.900 đồng, khớp hơn 660.000 đơn vị.

Trong khi đó, SHB giảm 2% xuống 10.000 đồng, khớp lệnh 5,16 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản HNX. PVS giảm 0,5% xuống 20.500 đồng, khớp 3,65 triệu đơn vị; VGC giảm 1,9% xuống 25.200 đồng, khớp 1,56 triệu đơn vị; ACB giảm 1,2% xuống 42.400 đồng, khớp 1,03 triệu đơn vị; SHS giảm 3% xuống 15.900 đồng, khớp gần 700.000 đơn vị.

Cổ phiếu nhỏ PDC bất ngờ có thanh khoản tăng vọt với hơn 1,67 triệu đơn vị, trong khi các phiên trước chỉ vài nghìn đơn vị. Nhưng chốt phiên sáng, PDC giảm 4,1% xuống 7.000 đồng.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 45 mã tăng và 71 mã giảm, HNX-Index giảm 0,97 điểm (-0,8%), xuống 120,53 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 25 triệu đơn vị, giá trị 346,94 tỷ đồng, tăng 18% về khối lượng và 14% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,1 triệu đơn vị, giá trị 57,57 tỷ đồng.

Trên sàn UpCoM, chỉ số UpCoM-Index chỉ phần lớn thời gian giao dịch đều ở sắc đỏ với đà giảm mạnh của nhiều cổ phiếu lớn.

Tăng điểm chỉ còn POW + 0,7% lên 14.600 đồng, khớp lệnh 1,4 triệu đơn vị và cổ phiếu nhỏ HAC tăng trần +12,1% lên 3.700 đồng, nhưng khớp lệnh chỉ 72.100 đơn vị.

Còn lại, LPB giảm 6,5% xuống 12.900 đồng, khớp lệnh 3 triệu đơn vị; OIL giảm 4% xuống 19.200 đồng; HVN giảm 4,6% xuống 35.600 đồng; BSR giảm 3,6% xuống 21.400 đồng, khớp lệnh trên dưới 500.000 đơn vị.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,51 điểm (-0,91%), xuống 55,46 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 8,08 triệu đơn vị, giá trị 108,29 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,36 triệu đơn vị, giá trị 34,22 tỷ đồng.

Tin bài liên quan