Phiên sáng 16/9: "Đầu tàu" BID níu lại thị trường

Phiên sáng 16/9: "Đầu tàu" BID níu lại thị trường

(ĐTCK) Việc quỹ VNM ETF bất ngờ tuyên bố loại BID ra khỏi danh mục đầu tư đã khiến diễn biến phiên sáng nay dễ dự báo hơn bởi trong vài phiên liên tiếp vừa qua, BID chính là động lực và giữ vai trò nhạc trưởng giữ nhịp thị trường.

Trước phiên giao dịch hôm nay, thị trường chủ yếu tích lũy trong khoảng hẹp, đi kèm mức thanh khoản thấp. Giao dịch với tâm lý hết sức thận trọng khi nhà đầu tư đang trông chờ vào quyết định có hay không tăng lãi suất đồng USD của Fed trong cuộc họp FOMC dự kiến bắt đầu từ hôm nay 16/9.

Theo đánh giá của CTCK Rồng Việt, nền kinh tế Mỹ đang có những tín hiệu hồi phục tích cực, nên việc Fed thay đổi chính sách điều hành lãi suất sớm muộn gì cũng sẽ diễn ra. Tuy nhiên, ngay cả khi Fed sớm nâng lãi suất thì đây không phải là yếu tố đáng ngại nhất đối với TTCK trong nước bởi tác động của nó chỉ trong ngắn hạn.

Trong xu hướng dài hạn, mối quan tâm lớn nhất lại là triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc bởi sự suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc sẽ ảnh hưởng trực tiếp và sâu rộng đến Việt Nam qua các con đường như thương mại, chính sách hay cơ hội hội nhập.

Trước tình hình này, có nhiều ý kiến cho rằng, thị trường chứng khoán trong thời gian ngắn tới sẽ tiếp tục giao dịch cầm chừng, ít nhất là cho đến khi có quyết định của Fed về việc có tăng hay không lãi suất đồng USD.

Quay trở lại phiên giao dịch sáng 16/9, không ngoài dự báo, sự thận trọng tiếp tục được duy trì ngay khi mở thị trường. Cả 2 chỉ số đều khởi đầu trong sắc đỏ, thanh khoản thấp.

Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 1,41 điểm (+0,25%) xuống 561,86 điểm, tổng khối lượng giao dịch đạt 1,35 triệu đơn vị, giá trị 20,94 tỷ đồng.

Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, các chỉ số nhanh chóng đảo chiều khi hầu hết các cổ phiếu trong rổ VN30 đều tăng điểm khá tốt. Trong đó nổi bật nhất đang là HAG khi đang tăng gần tới mức trần, tức tăng 800 đồng lên 15.500 đồng và dẫn đầu thanh khoản sàn HOSE với hơn 1,4 triệu đơn vị được khớp.

Như đã nêu ở trên, thị trường đang chịu thử thách khi nhóm bởi nhóm ngân hàng đang chịu áp lực bán khá mạnh, đặc biệt tại BID. Việc quỹ ETF Market Vector Vietnam ETF bất ngờ thông báo không đưa cổ phiếu BID vào danh mục khiến cổ phiếu này ngay lập tức bị giảm sàn ngay từ sớm, với lượng dư bán giá sàn lên tới hơn 8 triệu đơn vị và chỉ khớp vỏn vẹn hơn 100.000 đơn vị.

MBB và EIB cũng giảm điểm, nhưng mức giảm nhẹ 1-2 bước giá, còn CTG đứng giá tham chiếu. Trong khi đó, VCB và STB lại đang tăng tốt, riêng VCB tăng 1.000 đồng lên 43.700 đồng.

Ngoài ra, nhóm cổ phiếu thị trường cũng đang nhúc nhắc tăng. FLC đang có thanh khoản tốt nhất nhóm với 1,2 triệu đơn vị được khớp, tăng 200 đồng lên 6.600 đồng/CP.

Trong khi đó, HNX-Index đã giảm trở lại khi các mã lớn trên sàn này không có sự đồng thuận. Nhóm cổ phiếu ngân hàng trên sàn này cũng chịu sức ép, ACB giảm 100 đồng, SHB chỉ lình xình quanh tham chiếu.

Thị trường vốn dĩ đã ảm đạm, lại thêm thông tin kém tích cực từ BID khiến tâm lý chung càng trở nên cẩn trọng, sức cầu thị trường theo đó gần như chững hẳn lại. Bởi vậy không lạ khi cũng VN-Index đảo chiều giảm điểm về cuối phiên, cùng với đó là thanh khoản tiếp tục suy giảm xuống mức rất thấp, chỉ khoảng 800 tỷ đồng trên cả 2 sàn.

Kết thúc phiên sáng, mặc dù sắc xanh vẫn chiếm ưu thế hơn với 84 mã tăng và 76 mã giảm, VN-Index vẫn giảm 1,02 điểm (-0,18%) xuống 562,25 điểm. Chỉ số VN30-Index tăng 2,3 điểm (+0,4%) lên 573,83 điểm với 16 mã tăng và 3 mã giảm.

Tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 38,75 triệu đơn vị, giá trị 633,13 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp đáng kể với 6,27 triệu đơn vị, giá trị 115,5 tỷ đồng. Đáng chú ý có thòa thuận 1,98 triệu cổ phiếu STG, trị giá 45,38 tỷ đồng; 2,4 triệu cổ phiếu HAR, trị giá 15,12 tỷ đồng; 1,4 triệu cổ phiếu EIB, trị giá 16,1 tỷ đồng và gần 0,33 triệu cổ phiếu VNM ở mức trần, trị giá 33,95 tỷ đồng.

Còn với 57 mã tăng và 79 mã giảm, HNX-Index giảm 0,15 điểm (-0,2%) về 76,48 điểm. Chỉ số HNX30-Index tăng 0,47 điểm (+0,33%) lên 141,98 điểm với 12 mã tăng và 6 mã giảm.

Tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 15,3 triệu đơn vị, giá trị gần 169 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp chỉ 3,5 tỷ đồng.

Sau thông tin bất ngờ bị VNM ETF loại, không nhà đầu tư nào đủ can đảm để “xuống tiền” với BID, nên thanh khoản đóng băng, do dó vẫn giữ mức sàn 26.600 đồng/CP, chỉ khớp được 126.000 đơn vị và còn dư bán sàn hơn 8,7 triệu đơn vị, trong khi 2 phiên trước đó còn tăng kịch trần.

Như vậy, chỉ có NT2 được thêm vào danh mục của VNM ETF trong lần cơ cấu này, do đó tỷ trọng của mã này đã được tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, NT2 kết phiên sáng cũng chỉ tăng tối thiểu 1 bước giá lên 25.300 đồng và khớp chưa đầy 0,6 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhờ được tăng tỷ trọng, HAG đã tăng khá tốt ở đầu phiên, song cuối phiên đà tăng cũng đã bị hãm bớt, chỉ còn tăng 600 đồng lên 15.300 đồng, khớp lệnh 2,32 triệu đơn vị, mạnh nhất HOSE.

Ngoài HAG, nhiều mã bluechips khác như HPG, KDC, MSN... cùng với nhóm dầu khí lớn là GAS, PVD, PVT cũng giữ được sắc xanh nhẹ, qua đó giúp chỉ số hãm bớt đà rơi trước sức ép chung của thị trường.

MBB, CTG, EIB đều giảm điểm nhẹ, trong đó MBB khớp hơn 1 triệu đơn vị. VCB và STB cũng chỉ còn tăng tương ứng 500 đồng và 100 đồng. SSI khớp hơn 1 triệu đơn vị nhưng cũng đã lùi về tham chiếu.

Về cuối phiên, áp lực bán cũng đã gia tăng ở nhóm cổ phiếu thị trường khiến nhiều mã này quay đầu giảm điểm. ASM giảm 100 đồng và khớp 1,7 triệu đơn vị.

Ngược lại, các mã như FLC và ITA vẫn giữ được mức tăng nhẹ 1-2 bước giá, khớp lần lượt 1,6 triệu và 1 triệu đơn vị. Ngoài ra, cũng chỉ thêm 2 mã đạt thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là SBT và SHI, đồng thời cùng có được sắc xanh nhẹ.

Trên HNX, mặc dù nhóm HNX30 tăng điểm, song vẫn không thể giúp HNX-Index về được tham chiếu khi các mã lớn như ACB, NTP, LAS giảm điểm.

Dòng tiền gần như chỉ đứng ngoài quan sát nên thanh khoản sàn này đặc biệt thấp. Cả sàn chỉ có đúng 2 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là VCG, KFL và TIG. Trong đó, VCG tăng nhẹ 200 đồng, còn KLF và TIG giảm lần lượt 100 đồng và 300 đồng.

Tin bài liên quan