Phiên sáng 16/12: Cổ phiếu nhỏ nổi sóng, VN-Index vẫn chìm trong sắc đỏ

Phiên sáng 16/12: Cổ phiếu nhỏ nổi sóng, VN-Index vẫn chìm trong sắc đỏ

(ĐTCK) Trong khi nhóm cổ phiếu bluechip gia tăng sức ép khiến thị trường tiếp tục giảm sâu và chỉ số VN-Index bị đẩy về mốc 960 điểm, thì ở nhóm cổ phiếu nhỏ vẫn tiếp tục tỏa sáng.

Sau 4 tuần liên tiếp mất điểm, thị trường đã hồi phục nhưng với thanh khoản khá yếu khiến đà tăng còn hạn chế. Kết thúc tuần giao dịch từ 9-13/12, chỉ số VN-Index chỉ tăng chưa tới 3 điểm, tương ứng tăng 0,3% so với tuần đầu tiên của tháng 12.

Vừa qua, JP Morgan đã đưa ra báo cáo với nhiều kịch bản cho TTCK, trong đó có kịch bản lên 1200 điểm và Việt Nam vào Watch list nâng hạng. Theo giới phân tích đánh giá, kịch bản này cũng không phải là lạc quan thái quá.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược, CTCK Dầu khí (PSI) cho rằng, mốc điểm 1200 điểm trước sau gì VN-Index cũng sẽ đạt được bởi triển vọng kinh tế vĩ mô tích cực, giá trị đầu tư FDI tăng mạnh, dự trữ ngoại hối tăng, CPI, lạm phát được kiểm soát và được neo giữ ở mức thấp và tất nhiên cần phải kể đến quy mô thị trường, số lượng cổ phiếu niêm yết đang gia tăng nhanh trong các năm gần đây.

“Trong kịch bản lạc quan thì mốc 1200 không phải là vấn đề gì lớn đối với thị trường trong năm 2020”, ông Khánh nhận định.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thanh khoản thấp, chuỗi bán ròng của khối ngoại kéo dài đã lan sang tháng thứ 5 liên tiếp và trong tuần này, 2 quỹ ETF cũng có phiên tái cơ cấu, sẽ khiến tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn. Theo đó, ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS dự báo thị trường sẽ tiếp tục dao động trong vùng tích lũy và chờ đợi các thông tin hỗ trợ từ thanh khoản cũng như động thái giao dịch từ khối ngoại.

Bước vào phiên đầu tuần mới 16/12, dòng tiền tham gia mạnh với sự đóng góp chủ yếu từ giao dịch thỏa thuận, trong khi lượng khớp trên sàn vẫn khá yếu. Sau khoảng 1 giờ giao dịch, giá trị giao dịch thỏa thuận chiếm hơn 62% toàn thị trường.

Trong khi đó, áp lực bán gia tăng ngay từ đầu phiên với sức ép chủ yếu đến từ nhóm bluechip khi phần lớn các mã đều giao dịch dưới mốc tham chiếu, đã đẩy VN-Index về sát mốc 960 điểm.

Lực cung diễn ra không quá ồ ạt trong khi bên mua cũng thận trọng cao độ khiến thị trường biến động ảm đạm. Chỉ số VN-Index lình xình trên mốc 960 điểm.

Trái với diễn biến chung không mấy tích cực của thị trường, nhiều cổ phiếu nhỏ vẫn tỏa sáng như FIT tiếp tục khoe sắc tím, HAI và HHS biến động nhẹ quanh mức giá trần, các mã FLC, AMD, DLG, ASM, HAR, ITA… cũng đều giao dịch khởi sắc.

Trên sàn HNX, các mã ART, KLF, PVX… cũng tăng hết biên độ trong đó KLF dư mua trần tới gần 3 triệu đơn vị, còn ART dư mua trần gần 0,64 triệu đơn vị.

Trong khi thị trường vẫn giao dịch khá ảm đạm, chỉ số VN-Index lình xình trên mốc 960 điểm, thì dòng tiền đầu cơ vẫn chảy mạnh, tiếp sức cho các mã nhỏ nổi sóng.

Chốt phiên, sàn HOSE có 111 mã tăng và 190 mã giảm, chỉ số VN-Index giảm3,7 điểm (-0,38%), xuống 962,48 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 149,87 triệu đơn vị, giá trị hơn 2.864 tỷ đồng, tăng 14,18% về lượng và 18,7% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước (13/12).

Giao dịch thỏa thuận đóng góp 36,53 triệu đơn vị, giá trị 1.325,96 tỷ đồng. Trong đó đáng chú ý, MSN thỏa thuận 12,61 triệu đơn vị, giá trị 731,38 tỷ đồng; GEX thỏa thuận 10,44 triệu đơn vị, giá trị hơn 208,7 tỷ đồng; MBB thỏa thuận hơn 7,9 triệu đơn vị, giá trị 184,3 tỷ đồng.

Cặp đôi lớn nhà Vingroup tiếp tục là lực hãm thị trường, cụ thể VHM -2,2% xuống 87.100 đồng/CP, VIC -0,8% xuống 115.100 đồng/CP, trong khi đó VRE đã đảo chiều thành công khi +2,1% lên 34.250 đồng/CP.

Bên cạnh đó, sau nhịp hồi nhẹ vào tuần trước, nhiều mã ngân hàng đã bị chốt lời, đặc biệt là VCB -1,6% xuống mức 87.000 đồng/CP, MBB – 1,61% xuống 21.450 đồng/CP, HDB -1,25% xuống 27.600 đồng/CP, TCB, VPB, CTG cũng giảm nhẹ.

Cổ phiếu MSN tiếp tục lùi sâu hơn khi để mất 1,9% xuống 56.900 đồng/CP. Ngoài ra, MWG, FPT, ROS… cũng giao dịch dưới mốc tham chiếu.

Trái lại, VNM đã đảo chiều hồi phục nhưng với mức tăng khá hạn chế, cùng với các mã GAS, SAB, HPG cũng chỉ tăng trên dưới 0,5%.

Như đã nói ở trên, điểm nhấn thị trường chính là nhóm cổ phiếu nhỏ. Hàng loạt các mã trong nhóm này như FLC, DLG, FIT, HAI, HAR… được kéo lên trần với thanh khoản tăng vọt. Trong đó, FLC khớp gần 17,2 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường, DLG khớp 8,64 triệu đơn vị, FIT khớp 5,21 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 1 triệu đơn vị…

Trên sàn HNX, sắc xanh bao phủ trong suốt cả phiên sáng.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,39 điểm (+0,38%), lên 103,33 điểm với 33 mã tăng và 43 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 19,27 triệu đơn vị, giá trị 151,65 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 10,72 triệu đơn vị, giá trị hơn 98,2 tỷ đồng, trong đó NVB thỏa thuận 9,7 triệu đơn vị, giá trị 85,36 tỷ đồng.

Điểm sáng trên sàn HNX là SHB. Sau những phiên giằng co ở tuần trước, SHB đã bật cao nhờ lực cầu tăng vọt và cổ phiếu này có thời điểm chạm mức giá trần. Hiện SHB +8,3% lên mức 6.500 đồng/CP với khối lượng dẫn đầu toàn sàn, đạt hơn 7,12 triệu đơn vị.

Cũng tô điểm thêm cho nhóm cổ phiếu nhỏ, nhiều mã quen thuộc trên sàn HNX cũng đua nhau khỏ sắc tím như ART +7,7% lên 2.800 đồng/CP và khớp 2,68 triệu đơn vị, KLF +6,2% lên 1.700 đồng/CP và khớp gần 1,5 triệu đơn vị cùng dư mua trần 2,84 triệu đơn vị, KVC, PVX…

Trên UPCoM, sau diễn biến giằng co giữa phiên, chỉ số UPCoM-Index đã bị đẩy về dưới mốc tham chiếu.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,24 điểm (-0,24%), xuống 55,76 điểm với 54 mã tăng và 39 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 3,2 triệu đơn vị, giá trị 46,24 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,83 triệu đơn vị, giá trị 46,24 tỷ đồng.

Nhiều mã lớn đảo chiều là tác nhân khiến thị trường bị đẩy về dưới mốc tham chiếu như ACV -0,4% xuống 74.600 đồng/CP, VGI -2,6% xuống 26.000 đồng/CP, LPB -1,4% xuống 7.300 đồng/CP… hay BSR, GVR, MCH, MSR, OIL… giằng co và đứng giá.

Trong đó, LPB dẫn đầu thanh khoản trên thị trường UPCoM với khối lượng giao dịch chỉ đạt 365.200 đơn vị; tiếp theo đó là CTR với 253.800 đơn vị được giao dịch thành công.

Tin bài liên quan