Phiên sáng 14/8: Thiếu sự đồng thuận, VN-Index yếu đà

Phiên sáng 14/8: Thiếu sự đồng thuận, VN-Index yếu đà

(ĐTCK) Thị trường nhìn chung vẫn đang cho thấy sự tích cực khi mà thanh khoản luôn duy trì trên mức bình quân 20 phiên trong thời gian gần đây, điều này cho thấy tâm lý nhà đầu tư khá ổn định, bất chấp nhiều thông tin bất lợi từ thị trường quốc tế. Nhưng đi kèm luôn là diễn biến phân hóa của dòng tiền, khi dường như không tập trung vào nhóm ngành nào đó quá lâu.

Tâm lý thận trọng trong suốt tuần trước đã lan sang cả phiên hôm qua khi phần lớn thời gian là diễn biến giằng co của thị trường.

Chỉ đến khi cuối phiên chiều, khi dòng tiền nhập cuộc khá sôi động, giúp sắc xanh phủ trên diện rộng, VN-Index qua đó, đóng cửa tiến lên gần ngưỡng 980 điểm với sự hỗ trợ đắc lực của nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Theo BVSC nhận định, sau khi vượt qua đường SMA50 tương ứng với quanh 962-965 điểm, chỉ số nhiều khả năng sẽ hướng đến vùng kháng cự tâm lý quanh 1.000 điểm trong ngắn hạn.

Mặc dù vậy, thị trường có thể vấp phải áp lực rung lắc, điều chỉnh khi tiếp cận vùng kháng cự 985 điểm trong một vài phiên tới, trước khi tiếp tục quá trình hướng đến các vùng kháng cự cao hơn.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay 14/8, đúng như dự đoán, diễn biến chính của VN-Index vẫn là giằng co và rung lắc quanh tham chiếu, mặc dù đã có thời điểm chỉ số leo được lên ngưỡng 980 điểm từ sớm.

Cùng với đó là diễn biến phân hóa tại các nhóm ngành cổ phiếu, trong đó hút dòng tiền thuộc về VPB, HPG, HSG, GEX, HBC, cùng các cổ phiếu thị trường như ITA, BCG, HAG, OGC, HQC… Ngược lại, chịu áp áp lực chốt lời dành cho CTG, MBB, STB, SSI, FLC, PVD…

Cổ phiếu BCG sáng nay đáng chú ý, khi có thời điểm leo lên mức giá trần và khớp lệnh tăng vọt so với nhiều phiên trước, có lẽ nguyên nhân đến từ việc CTCP Thành Vũ Tây Ninh đăng ký bán thoái vốn toàn bộ 8,8 triệu cổ phiếu BCG, tỷ lệ 8,15% theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh bắt đầu từ hôm nay 14/8 đến ngày 12/9.

Thành Vũ Tây Ninh là công ty do ông Nguyễn Thế Tài, Phó Chủ tịch Bamboo Capital làm Chủ tịch HĐQT.

Cũng có thời điểm tăng trần là ITA, và sau hơn 1 giờ giao dịch đã khớp hơn 4 triệu đơn vị, chỉ đứng sau VPB, Ngoài ra, TTF và EVG cũng tăng trần từ sớm, nhưng thanh khoản khớp lệnh chỉ có từ hơn 250.000 đến hơn 400.000 đơn vị.

Sau khi giằng co trong phần lớn thời gian trong phiên thì 30 phút cuối, chỉ số VN-Index đã chính thức giao dịch dưới sắc đỏ và tạm nghỉ giờ trưa mất điểm nhẹ với thanh khoản có phần chững lại so với phiên sáng hôm qua.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 106 mã tăng và 160 mã giảm, VN-Index giảm 2,86 điểm (-0,29%), xuống 975,18 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 101 triệu đơn vị, giá trị 2.241,52 tỷ đồng, giảm 12% về khối lượng và 13% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 11,72 triệu đơn vị, giá trị 164,6 tỷ đồng.

Sự phân hóa tiếp diễn trên bảng điện tử và các nhóm ngành, trong đó nhóm 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường phiên sáng nay đa số mất điểm, tuy nhiêm mức giảm cũng chỉ trên dưới 1%.

Cụ thể, VIC -0,6% xuống 102.200 đồng; GAS -1,9% xuống 101.000 đồng; SAB -0,2% xuống 209.500 đồng; MSN -0,7% xuống 90.300 đồng.

4 ông lớn ngân hàng VCB -1,3% xuống 63.000 đồng; TCB -0,5% xuống 27.300 đồng; BID -1,1% xuống 30.150 đồng; CTG -1% xuống 25.500 đồng.

Tăng điểm chỉ còn VHM +0,3% lên 107.800 đồng; VNM +1,5% lên 158.500 đồng.

Tương tự tại nhóm bluechip VN30, khi có 15 mã tăng và 14 mã giảm, với đà tăng khá từ PNJ +2,6% lên 100.000 đồng; MWG +2,8% lên 117.400 đồng; REE +2,2% lên 34.800 đồng, cùng nhóm REE, FPT, DPM, HSG tăng trên 1%.

Ngược lại, nhóm cổ phiếu giảm điểm, nhưng cũng chỉ trên dưới 1% có VJC -1%; PLX -1,9%; MBB -1,2%; STB -1,3%; SSI -1,4%...

Trong nhóm, các mã ngân hàng khớp lệnh vượt trội với VPB có hơn 7,1 triệu đơn vị, và cũg là mã khớp cao nhất sàn, chốt phiên +0,9% lên 27.400 đồng; CTG và MBB có hơn 3,2 triệu đơn vị; HPG có gần 3 triệu đơn vị, tăng nhẹ 0,3% lên 38.400 đồng; HSG có 2,6 triệu đơn vị…

Nhóm cổ phiếu thị trường, và vốn hóa vừa cũng chia đôi ngả với sắc xanh từ FLC, ITA, HAG, OGC, BCG, ASM, IDI, VNE, HHS, khớp lệnh từ hơn nửa triệu đơn vị đến 2,6 triệu đơn vị. Riêng ITA có 4,8 triệu đơn vị, tăng 5,1% lên 2.870 đồng.

FLC trong ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức năm 2017 bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 100:4 đã tăng 2,9% lên 6.110 đồng và có 4,52 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trong khi đó, sắc đỏ lại bao chùm PVD, DXG, GTN, LDG, DIG, HNG… và cũng khớp lệnh từ hơn nửa triệu đến 2 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng giằng co và rung lắc, nhưng phần lớn là dưới tham chiếu, khi hàng loạt trụ cột không thể phục hồi, bất chấp một số cổ phiếu xây dựng, bất động sản tăng khá, đã khiến chỉ số này chốt phiên trong sắc đỏ.

Theo đó, 3 mã thanh khoản tốt nhất đều mất điểm là SHB -1,1% xuống 8.700 đồng; PVS -0,5% xuống 20.800 đồng; ACB -0,5% xuống 27.900 đồng. Khớp lệnh SHB và PVS có hơn 3 triệu đơn vị, ACB có 1,9 triệu đơn vị.

Ngoài ra là MBS -2,4% xuống 16.400 đồng; SHS -1,9% xuống 15.100 đồng; VCS -0,1% xuống 83.200 đồng; VC3 -1,6% xuống 18.800 đồng…

Tăng điểm chỉ còn NVB +1,4% lên 7.300 đồng; HUT +3,9% lên 5.300 đồng; VCG +1,7% lên 18.100 đồng; VGC +3% lên 17.100 đồng; CEO +2,4% lên 12.900 đồng…

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 42 mã tăng và 55 mã giảm, HNX-Index giảm 0,24 điểm (-0,22%), xuống 110,22 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 22,14 triệu đơn vị, giá trị 305,21 tỷ đồng, giảm mạnh hơn 42% về khối lượng và 38% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể.

Trên sàn UpCoM, chỉ số phần lớn giao dịch trên tham chiếu, nhưng chỉ trong ít phút cuối đã bất ngờ đi xuống, khi nhóm dầu khí lớn đồng loạt mất điểm.

Cụ thể, BSR -3,3%; OIL -2,6%; POW -1,5%. Ngoài ra còn có, VGT -2,1%; ACV -0,2%.

Ngược lại, VEA +4,3%; DVN +4,8%; VIB +1,4%; MSR +3,1%; KOS +0,5%; ART +2,4%. Trong khi LPB, HVN, GVR, LTG, QNS đứng giá tham chiếu.

Khớp lệnh cao nhất là BSR với hơn 1,33 triệu đơn vị, ART có 1,28 triệu đơn vị; LPB có hơn 1 triệu đơn vị…

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,12 điểm (-0,23%), xuống 51,51 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 8,62 triệu đơn vị, giá trị 135,86 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,65 triệu đơn vị, giá trị 36,2 tỷ đồng.

Tin bài liên quan