Phiên sáng 13/11: VNM và VRE vẫn là động lực chính của thị trường

Phiên sáng 13/11: VNM và VRE vẫn là động lực chính của thị trường

(ĐTCK) Nhóm cổ phiếu liên quan đến FLC là FLC, HAI, AMD, KLF bị bán tháo mạnh trong phiên sáng nay sau thông tin ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT bán 57 triệu cổ phiếu FLC và ROS bán ra gần 13,65 triệu cổ phiếu AMD không đăng ký. Mặc dù vậy, thị trường vẫn bay cao nhờ một số mã lớn đặc biệt là VNM và VRE.

Trong phiên cuối tuần trước, sau khi gặp rung lắc nhẹ đầu phiên, VN-Index đã nhanh chóng lấy lại đà tăng vượt qua ngưỡng 865 điểm trong phiên sáng nhờ sự hỗ trợ của các mã lớn.

Trong phiên chiều, VN-Index còn nới rộng đà tăng để hướng tới mốc 870 điểm khi VNM khởi sắc khi được kéo lên mức giá trần 173.800 đồng với lượng khớp lệnh kỷ lục. VNM tăng mạnh sau thông tin đấu giá bán phần vốn nhà nước tại VNM do SCIC sở hữu với mức giá trúng đạt mức 186.000 đồng. Tuy nhiên, chỉ số này chưa thể chinh phục được mốc 870 điểm khi SAB và ROS tiếp tục sụt giảm.

Trong phiên sáng nay, một lần nữa VNM trở thành tâm điểm của thị trường. Trong phiên khớp lệnh, VNM tiếp tục duy trì đà tăng mạnh với mức tăng 3,62%, lên 180.200 đồng, thanh khoản tiếp tục được duy trì tốt với 3 triệu đơn vị được khớp, đứng thứ 5 sàn HOSE sau FLC, MBB, TCH và HAI.

Tuy nhiên, sự đột biến của VNM đến từ phiên thỏa thuận khi ngay từ đầu phiên, khối ngoại đã sang tay nhau hơn 23 triệu cổ phiếu, với tổng giá trị 4.269,3 tỷ đồng (chủ yếu được giao dịch ở mức giá trần 185.900 đồng, chỉ có một số ít được giao dịch ở mức sàn 161.700 đồng). Sau đó, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục sang tay hơn 10 triệu cổ phiếu VNM nữa, nâng tổng khối lượng giao dịch thỏa thuận VNM trong phiên sáng nay lên 33,61 triệu đơn vị, giá trị 6.238,4 tỷ đồng.

Ngoài VNM, có giao dịch thỏa thuận lớn còn có NVL với 3,52 triệu đơn vị, giá trị 211,2 tỷ đồng, MSN với 1,86 triệu đơn vị, giá trị 110,86 tỷ đồng, VRE với 1,95 triệu đơn vị, giá trị 90,53 tỷ đồng.

Như vậy, tổng khối lượng giao dịch thỏa thuận phiên sáng nay lên tới 57,58 triệu đơn vị, giá trị 6.941,28 tỷ đồng.

Ngoài giao dịch thỏa thuận, phiên sáng nay cũng chứng khiến thanh khoản tăng mạnh trong phiên giao dịch khớp lệnh với 105,8 triệu đơn vị, giá trị 2.707,95 tỷ đồng, nâng tổng khối lượng giao dịch của phiên sáng nay lên 163,4 triệu đơn vị, giá trị 9.649,23 tỷ đồng.

Nhờ dòng tiền chảy mạnh vào các mã lớn như VNM, FPT, PVD, VCB, nên thị trường tiếp tục duy trì đà tăng tốt trong phiên sáng nay. Dù có bị hãm lại vào nửa cuối phiên do GAS quay đầu, PLX giảm mạnh, BHN, MSN, VJC… chìm trong sắc đỏ, nhưng VN-Index vẫn đóng cửa trên ngưỡng 870 điểm.

Cụ thể, chốt phiên sáng, với 89 mã tăng và 156 mã giảm, VN-Index vẫn tăng 4,79 điểm (+0,55%), lên 873 điểm.

Trong các mã lớn, ngoài VNM, VCB, sự trở lại của ROS, SAB, đặc biệt là VRE tiếp tục có sắc tím (lên 46.350 đồng với dư mua trần gần 12,5 triệu đơn vị, tổng khớp 132.380 đơn vị), cũng góp phần giúp VN-Index tăng điểm trong phiên mà sắc đỏ lớn gần gấp 2 lần sắc xanh.

Trong nhóm ngân hàng có sự phân hóa, trong khi VCB, BID tăng giá, thì các mã còn lại đều giảm, trong đó MBB có thanh khoản tốt nhất với 3,31 triệu đơn vị được khớp, đóng cửa giảm 1,06%.

Trong các mã thị trường, TCH bất ngờ khởi sắc khi tăng lên mức giá trần 17.700 đồng với 3,3 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần hơn 625.000 đơn vị.

Trong khi đó, sau thông tin ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT FLC bán ra 57 triệu cổ phiếu FLC nhưng không đăng ký và bị phạt 65 triệu đồng được đưa ra cuối tuần qua, cổ phiếu FLC đã bị nhà đầu tư bán tháo ngay khi bước vào phiên sáng nay, lùi về mức sàn 5.990 đồng. Tuy nhiên, nhờ lực cầu rất tốt, đà tăng của FLC đã được hãm lại. Chốt phiên sáng, FLC giảm 5,75%, xuống 6.070 đồng với 20,74 triệu đơn vị được khớp.

Tương tự, thông tin ROS bán chui gần 13,65 cổ phiếu AMD và bị phạt 130 triệu đồng cũng khiến AMD bị bán tháo mạnh sáng nay. Tuy nhiên, không có được lực cầu lớn như FLC, AMD ngậm ngùi đóng cửa ở mức sàn 6.910 đồng với 1,57 triệu đơn vị được khớp.

Không chỉ FLC và AMD, HAI, cũng bị bán tháo mạnh và lực cầu mạnh cuối phiên chỉ đủ giúp mã này giảm bớt lượng dư bán sàn. Chốt phiên, HAI đứng ở mức giá sàn 7.420 đồng với 3,14 triệu đơn vị được khớp.

Trê HNX, sau khi leo lên ngưỡng 106,85 điểm, HNX-Index bị đẩy ngược trở lại và xuống thẳng dưới ngưỡng tham chiếu khi ACB quay đầu.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,06 điểm (-0,06%), xuống 106,31 điểm với 54 mã tăng và 83 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 34,52 triệu đơn vị, giá trị 376,56 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận sáng nay không đáng kể.

Nhóm ngân hàng trên HNX ngoài NVB tăng 1,49%, lên 6.800 đồng với thanh khoản đì đẹt, thì ACB giảm 0,3%, xuống 31.900 đồng với 1,23 triệu đơn vị được khớp, SHB giảm 1,27%, xuống 7.800 đồng với 2,68 triệu đơn vị được khớp.

Nhóm dầu khí lớn cũng đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ, trong đó PVS giảm 0,62%, xuống 16.000 đồng với hơn 2 triệu đơn vị được khớp.

Trong nhóm bluechip, VCG là mã tích cực nhất khi tăng 3,51%, lên 23.600 đồng với 4,23 triệu đơn vị được khớp, đứng thứ 2 sau KLF.

Cũng giống như những người anh em của mình trên HNX, KLF sáng nay cũng bị bán tháo mạnh và đóng cửa ở mức sàn 3.400 đồng với 11,9 triệu đơn vị được khớp, còn dư bán sàn gần 1 triệu đơn vị.

Tương tự HNX, UPCoM-Index cũng đóng cửa trong sắc đỏ khi giảm 0,2 điểm (-0,38%), xuống 52,63 điểm với 43 mã tăng và 47 mã giảm. Tổng khối lượng khớp đạt 3 triệu đơn vị, giá trị 53,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 126.700 đơn vị, giá trị 2,18 tỷ đồng.

Các cổ phiếu ngân hàng trên sàn này cũng trái chiều, trong khi LBP giảm 0,76%, xuống 13.000 đồng với 958.100 đơn vị được khớp (lớn nhất sàn), thì KLB đứng ở tham chiếu 9.000 đồng với thanh khoản đì đẹt, VIB lại tăng 1,85%, lên 22.000 đồng với 50.800 đơn vị được khớp.

Các mã lớn có thanh khoản tốt khác tăng giá là DVN, HVN, ACV với mức tăng 2,48%, lên 16.500 đồng (với 488.600 đơn vị), 2,07%, lên 29.600 đồng (khớp 387.700 đơn vị), 4,16%, lên 80.100 đơn vị.

Trong khi đó, các mã bluechip khác trên sàn giảm gồm QNS, MSR, GEX, SDI… 

Tin bài liên quan