Phiên sáng 11/6: Dòng tiền chuyển hướng

Phiên sáng 11/6: Dòng tiền chuyển hướng

(ĐTCK) Sự thận trọng trở lại của dòng tiền đối với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và bluechip khiến chỉ số VN-Index giao dịch thiếu tích cực. Tuy nhiên, dòng tiền không rút ra mà chuyển hướng sang nhóm cổ phiếu thị trường như CCL, HQC, HAG, CTH.

Sự hỗ trợ của các bluechip đã giúp thị trường duy trì đà tăng khá tốt trong phiên hôm qua, đưa VN-Index qua 965 điểm.

Sau đó, với áp lực bán gia tăng về cuối phiên, VN-Index bị đẩy mạnh xuống gần sát tham chiếu. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy tại vùng 960 điểm tốt đã giúp thị trường bật ngược đi lên vào cuối phiên.

Theo BVSC, thị trường được dự báo sẽ gặp áp lực rung lắc, điều chỉnh khi tiếp cận vùng kháng cự 965-968 điểm trong một vài phiên kế tiếp.

Trong kịch bản tích cực, nếu chỉ số bứt phá thành công qua vùng kháng cự này, thì đích đến tiếp theo sẽ là vùng hỗ trợ then chốt 977-983 điểm.

Đây là vùng cản mạnh và được đánh giá là tương đối khó vượt qua ở thời điểm hiện tại. Do đó, cảnh báo khả năng quay đầu giảm điểm tại vùng kháng cự trên.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay 11/6, VN-Index chớm đỏ ngay khi mở cửa phiên. Mặc dù sau đó ít phút, chỉ số nỗ lực trở lại, nhưng sắc xanh không duy trì được lâu. Tuy nhiên, điểm tích cực là lực mua tại vùng 960 điểm vẫn khá tốt, giúp VN-Index không giảm sâu.

Các nhóm cổ phiếu giao dịch thận trọng trong biên độ thấp và thanh khoản chỉ ở mức trung bình, kể cả ở các mã cổ phiếu lớn và bluechip.

Sự bứt phá và tập trung chỉ đến từ một vài cổ phiếu đơn lẻ và chủ yếu là các mã thị trường.

Trong đó, đáng kể là CCL. Kể từ hôm qua, bắt đầu ngày đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu của Chủ tịch HĐQT CCL, cổ phiếu này đã tăng kịch trần và tiếp tục giữ sắc tím trong phiên sáng nay với thanh khoản hơn 770.000 đơn vị, gấp đôi cả ngày giao dịch hôm qua.

Tăng điểm không ấn tượng, nhưng cũng tích cực có HQC, AAA, KBC, HAG, CTH cùng cổ phiếu lớn ngành thép HPG. Trong đó, HQC đang dẫn đầu thanh khoản với hơn 3,4 triệu cổ phiếu được sang tay.

Ngược lại, ROS đang là bluechip chịu áp lực lớn nhất, khi mất hơn 2,5%, khớp lệnh chỉ sau HQC với hơn 2,1 triệu đơn vị.

Sau khi chạm ngưỡng 960 điểm, chỉ số nhích dần lên và chạm tham chiếu khi kết phiên sáng nay với sự cân bằng lớn trên bảng điện tử về độ rộng thị trường.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 133 mã tăng và 135 mã giảm, VN-Index tăng 0,59 điểm (+0,06%), lên 963,49 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 76,3 triệu đơn vị, giá trị 1.698,28 tỷ đồng, tương đương về khối lượng và giảm nhẹ 4% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 27,5 triệu đơn vị, giá trị 594,4 tỷ đồng.

Ngoài việc thị trường chung cân bằng, thì rổ VN30 cũng chia đôi ngả rõ rệt với 13 mã tăng và 12 mã giảm.

Mặc dù vậy, biến động về điểm số chỉ ở mức khiêm tốn, như tăng cao nhất là MWG khi +1,7% lên 90.100 đồng; REE +1,1% lên 32.700 đồng; VRE +1% lên 35.400 đồng, và sắc xanh nhạt khác tại VCB, CTD, DHG, EIB, TCB, CTG, VPB, HPG…

Ngược lại, giảm điểm mạnh nhất trừ ROS là ngoại lệ khi mất 2,6% xuống 30.200 đồng, thì các mã khác cũng cũng chỉ mất điểm nhẹ như SAB -1,3% xuống 278.200 đồng; DPM -1,1% xuống 18.000 đồng.

Thanh khoản rổ VN30 cao nhất là ROS với hơn 2,72 triệu đơn vị. HPG có 1,76 triệu đơn vị. FPT có 0,9 triệu đơn vị; MWG có 0,82 triệu đơn vị; CTG có 0,68 triệu đơn vị. VRE có 0,5 triệu đơn vị và giao dịch khối ngoại sôi động khi bán ra hơn 4,33 triệu và mua vào 0,95 triệu đơn vị.

Sự thận trọng tại nhóm cổ phiếu bluechip đã khiến dòng tiền tìm kiếm lợi nhuận tại các mã cổ phiếu thị trường như HQC, AAA, PVD, CCL, KBC, TCH, HSG…Trong đó, HQC khớp lệnh cao nhất HOSE với hơn 3,61 triệu đơn vị, còn CCL tăng cao nhất, mặc dù đánh mất sắc tím nhưng kết phiên vẫn +6,2% lên 4.790 đồng, khớp lệnh hơn 0,87 triệu đơn vị.

Ngược lại, chịu áp lực và kết phiên giảm có FLC, TTF, HSL, DIG, PDR, NLG, SCR... Mặc dù vậy, cũng không mã nào giảm sâu, trừ HSL mất 3,7% xuống 10.500 đồng. Khớp lệnh nhóm này từ 0,4 triệu đến 0,6 triệu đơn vị, riêng FLC có 1,21 triệu đơn vị.

Một số mã đáng chú ý khác là PTB +3%, DVP +3%; THG +3,9%; CNG +4,6%; CMG +5,1%; BIC +5,3%... đều có thanh khoản khá.

Trên sàn HNX, diễn biến tương đối giống trên sàn HOSE, khi chỉ số HNX-Index tăng nhẹ khi mở cửa, sau đó bị đẩy xuống tham chiếu và giao dịch giằng co quanh vùng giá thấp, chỉ có điều khi kết phiên, chỉ số này không được may mắn như VN-Index, khi giảm nhẹ, mặc dù trước đó đã có thêm một nhịp hồi.

Nhóm cổ phiếu tăng điểm đáng kể chỉ còn PVS +0,4% lên 22.800 đồng; NDN +0,7% lên 15.000 đồng; SHS +0,9% lên 11.900 đồng; CEO +1,8% lên 11.600 đông; VCS +2,6% lên 63.600 đồng; VCR +0,5% lên 21.800 đồng.

Trong khi đó, NVB -3,6% xuống 8.000 đồng; MBS -1,3% xuống 15.600 đồng; TNG -0,4% xuống 22.800 đồng, cùng với đó ACB, VCG, SHB, TCV đứng giá tham chiếu.

Toàn sàn chỉ có 4 mã khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị là SHB với 1,44 triệu; PVS có 1,32 triệu; PVX khớp gần 1,2 triệu đơn vị; MPT khớp 1,09 triệu đơn vị.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 29 mã tăng và 53 mã giảm, HNX-Index giảm 0,16 điểm (-0,15%), xuống 103,83 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 11,57 triệu đơn vị, giá trị 127,08 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2,81 triệu đơn vị, giá trị 25,7 tỷ đồng.

Trên UpCoM, diễn biến giao dịch tích cực hơn, khi chỉ số UpCoM-Index tăng điểm từ sớm và liên tục đi lên và kết phiên ở mức điểm cao nhất.

Mặc dù vậy, chỉ số nhận được hỗ trợ từ một vài mã như VEA, VGT, VGI, ACV, NTC. Trong khi phần còn lại giảm như BSR, VIB, OIL, MSR, LPB.

Cổ phiếu đáng chú ý là MPC của Thủy sản Minh Phú, -1,4% xuống 35.500 đồng, khớp hơn 66.000 đơn vị.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,26 điểm (+0,48%), lên 55,1 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 5,45 triệu đơn vị, giá trị 99,53 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 0,7 triệu đơn vị, giá trị 13,6 tỷ đồng.

Tin bài liên quan