Phiên sáng 10/12: Sắc đỏ chiếm ưu thế, thị trường điều chỉnh

Phiên sáng 10/12: Sắc đỏ chiếm ưu thế, thị trường điều chỉnh

(ĐTCK) Dù nhóm cổ phiếu dầu khí cùng một số mã lớn giao dịch khởi sắc, nhưng diễn biến thiếu tích cực ở dòng bank khi đồng loạt quay đầu đi xuống, khiến thị trường điều chỉnh nhẹ sau tuần tăng mạnh trước đó.

Thị trường vừa đón nhận tuần giao dịch khởi sắc với việc cải thiện thanh khoản khá tích cực. Dù VN-Index có chút rung lắc giữa tuần nhưng sự phân hóa của nhóm cổ phiếu bluechip cùng với áp lực bán không quá lớn khiến thị trường chỉ điều chỉnh nhẹ và tính chung cả tuần, chỉ số này vẫn tăng khá tốt hơn 32 điểm và trụ vững trên ngưỡng 950 điểm.

Theo đánh giá của giới phân tích, giai đoạn hiện tại là sự “đấu tranh” giữa những thông tin lạc quan từ nội tại thị trường Việt Nam và sự e ngại đối với những thông tin bên ngoài. Thị trường sẽ gặp nhiều khó khăn khi tiến về vùng giá 970-972 điểm, áp lực bán sẽ tăng lên và những phiên rung lắc là điều không thể tránh khỏi.

Đánh giá về nhóm cổ phiếu tạo sóng, ông Nguyễn Hữu Bình chi biết, dù khó như giai đoạn cuối năm 2017, đầu 2018, nhưng nhóm cổ phiếu ngân hàng đủ để thúc đẩy một sự hứng khởi trên thị trường. Cho dù nhiều người thận trọng với bank, nhưng ở mức giá hiện nay được cho là tương đối rẻ với những gì mà ngành này làm được trong năm nay.

Tuy nhiên, trong phiên giao dịch sáng đầu tuần 10/12, sau tuần giao dịch khởi sắc đầu tháng 12, hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đã đảo chiều giảm, là tác nhân chính cản trở đà tăng của thị trường.

Cụ thể, VCB giảm 1% xuống 56.600 đồng/CP, CTG giảm 2,3% xuống 23.500 đồng/CP, BID giảm 0,3% xuống 33.600 đồng/CP, TCB giảm 0,2% xuống 27.950 đồng/CP, MBB giảm 1,1% xuống 22.250 đồng/CP, STB giảm 0,8% xuống 12.550 đồng/CP, VPB giảm 0,9% xuống 22.500 đồng/CP...

Trong đó, thành viên của dòng bank vẫn dẫn đầu thanh khoản trên sàn với MBB đạt khối lượng khớp lệnh 3,84 triệu đơn vị. Các mã khác như CTG, STB, TCB, HDB, VPB đều có khối lượng khớp 1-2 triệu đơn vị.

Trái lại, nhóm cổ phiếu dầu khí cùng một số trụ cột đang tăng khá tốt, nỗ lực giúp thị trường ổn định hơn và không quá giảm sâu như GAS tăng 1,6% lên 97.800 đồng/CP, PLX tăng 0,8% lên 61.600 đồng/CP, PVD tăng 2,5% lên 16.600 đồng/CP, hay VNM tăng 1,5% lên 135.900 đồng/CP, MSN tăng 1,3% lên 85.700 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, TGG tiếp tục với những “ngày đen tối” và ghi nhận phiên giảm sàn thứ 4 liên tiếp. Chốt phiên sáng, TGG giảm 6,9% xuống mức giá sàn 4.170 đồng/CP với khối lượng khớp 867.540 đơn vị và dư bán sàn 484.470 đơn vị.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 169 mã giảm và 106 mã tăng, chỉ số VN-Index giảm 3,22 điểm (-0,34%) xuống 955,37 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 100 triệu đơn vị, giá trị 2.345,36 tỷ đồng, tăng 8,23% về lượng và 25,62% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước.

Giao dịch thỏa thuận đóng góp khá lớn với khối lượng đạt 33,55 triệu đơn vị, giá trị 884,38 tỷ đồng. Trong đó riêng TCB thỏa thuận hơn 27,2 triệu đơn vị, giá trị 722,92 tỷ đồng.

Trong khi đó, dù mở cửa với đà tăng khá tốt nhưng áp lực bán dần xuất hiện và gia tăng khiến sàn HNX giao dịch giằng co và quay đầu đi xuống.

Chốt phiên, sàn HNX có 36 mã tăng và 58 mã giảm, chỉ số HNX-Index giảm 0,41 điểm (-0,39%) xuống 106,72 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 15,92 triệu đơn vị, giá trị 240,1 tỷ đồng, giảm 20,4% về lượng nhưng tăng 7,78% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,73 triệu đơn vị, giá trị 22,73 tỷ đồng.

Trong khi NTP, DGC, SHB lùi về mốc tham chiếu, các mã lớn khác lại giao dịch trong sắc đỏ như ACB giảm 0,7% xuống 30.400 đồng/CP, VCG giảm 0,5% xuống 20.300 đồng/CP, VGC giảm 1,1% xuống 17.500 đồng/CP, VCS giảm 0,5% xuống 74.800 đồng/CP…

Cũng như sàn HOSE, các cổ phiếu trong nhóm dầu khí trên sàn HNX cũng giao dịch khởi sắc như PVS tăng 1% lên 20.400 đồng/CP, PVB tăng 0,5% lên 18.600 đồng/CP… trong đó PVS dẫn đầu thanh khoản với 2,39 triệu đơn vị.

Đứng tiếp theo đó là VCG khớp 2,33 triệu đơn vị và ACB khớp 1,18 triệu đơn vị, còn lại các mã đều khớp dưới 1 triệu đơn vị.

Trên UPCoM cũng chịu sức ép bán ra khá lớn.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,36 điểm (-0,67%) xuống 53,43 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,85 triệu đơn vị, giá trị 72,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể chưa tới 2 tỷ đồng.

Trái với diễn biến tích cực của các cổ phiếu họ P trên 2 sàn, trên UPCoM, các mã lớn trong nhóm này đều điều chỉnh như BSR giảm 1,9% xuống 15.300 đồng/CP, POW giảm 0,6% xuống 15.300 đồng/CP, OIL giảm 1,3% xuống đồng/CP. Trong đó, BSR vẫn giao dịch sôi động nhất với 910.200 đơn vị được giao dịch.

Cổ phiếu mới C4G có phiên chào sàn không mấy khởi sắc khi chốt phiên tại mức 11.800 đồng/CP, giảm 15,7% so với mức giá tham chiếu 14.000 đồng/CP và khối lượng giao dịch đạt 640.200 đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản sau BSR.

Tin bài liên quan