Phiên sáng 10/10: VN-Index tăng, tài khoản nhà đầu tư vẫn bị bào mòn

(ĐTCK) Dù VN-Index vẫn giữ được đà tăng trong phiên sáng nay, nhưng đây chỉ là hiện tượng xanh vỏ đỏ lòng do chịu ảnh hưởng của GAS, bởi sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng điện tử.
Phiên sáng 10/10: VN-Index tăng, tài khoản nhà đầu tư vẫn bị bào mòn

Trước hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng” của thị trường do GAS, nên bước vào phiên giao dịch sáng nay, tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn rất nhiều.

Lực mua chỉ dè dặt đưa vào thị trường, trong khi bên bán cũng giữ nhịp bán như thường lệ, không quá vội vàng hạ giá thấp giá bán, khiến giao dịch thị trường kém sôi động.

Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 0,49 điểm (-0,08%), xuống 623,85 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 3,25 triệu đơn vị, giá trị đạt 57,35 tỷ đồng. HNX-Index lại có sắc xanh le lói ngay khi mở cửa, nhưng nhanh chóng đảo chiều xuống 90,8 điểm ngay sau đó.

Sang đến đợt khớp lệnh liên tục, lực mua vẫn không có chuyển biến tích cực khi lệnh mua chủ yếu dưới tham chiếu. Sắc đỏ chiếm thế áp đảo trên bảng điện tử khi gấp 2 lần số mã tăng, tuy nhiên, VN-Index không giảm sâu, mà chỉ lình xình sát dưới mốc tham chiếu do vẫn còn GAS “hãm phanh”. Cùng với GAS, sắc xanh nhạt của DPM cũng góp phần hỗ trợ cho VN-Index không xuống dưới mốc 620 điểm.

Sau khi nhận thấy bên bán không hạ quá thấp giá để thoát hàng, cùng với việc VN-Index không rơi sâu, bên mua đã bắt đầu tăng dần mức giá mua vào, giúp sắc xanh dần nhiều thêm, trong khi số mã giảm xuống dưới 100 mã, VN-Index cũng hồi phục và chuyển sắc xanh. Trong khi đó, sau khi chạm mốc 90,8 điểm, HNX-Index đã bật nhẹ trở lại lên 91 điểm.

Nhận được sự hỗ trợ của GAS, VN-Index có mấy lần thử thách ngưỡng 627 điểm trước khi hướng tới mốc 630 điểm. Tuy nhiên, cả 4 lần thử sức, VN-Index đều chịu thất bại ở mốc 627 điểm. Về cuối phiên, đà tăng của chỉ số này yếu dần khi GAS chỉ còn duy trì mức tăng tối thiểu.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 0,95 điểm (+0,15%), lên 625,29 điểm. VN30-Index với sự trở lại của một vài mã lớn như VIC, VCB, CTG cũng đảo chiều đóng cửa trong sắc xanh với mức tăng 0,34 điểm (+0,05%), lên 657,45 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch đạt 75,59 triệu đơn vị, giá trị 1.336,49 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,43 triệu đơn vị, giá trị 105,74 tỷ đồng với đóng góp chủ yếu của 2,48 triệu cổ phiếu EVE, giá trị 54,38 tỷ đồng và 1,44 triệu cổ phiếu VTF, giá trị 31,59 tỷ đồng.

Trên HNX, do không có mã nào ảnh hưởng mạnh như GAS đối với VN-Index, nên HNX-Index đóng cửa phiên sáng giảm 0,36 điểm (-0,39%), xuống 91 điểm. HNX30-Index giảm 0,24 điểm (-0,13%), xuống 186,01 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch đạt 45,42 triệu đơn vị, giá trị 598,66 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp rất khiêm tốn, chưa tới 1 triệu đơn vị, giá trị chưa tới 9 tỷ đồng.

Trong các mã lớn, trong khi GAS chỉ còn mức tăng tối thiểu 1.000 đồng, thì thị trường lại chứng khiến sự trở lại của VCB và VIC với mức tăng lần lượt 100 đồng và 300 đồng khi cả 2 đều nhận được lực cầu hỗ trợ của khối ngoại, trong đó, VIC có lúc còn tăng tới 800 đồng, lên 49.700 đồng.

Ngoài ra, CTG cũng có được mức tăng nhẹ 200 đồng, lên 14.700 đồng, STB cũng có mức tăng tối thiểu, DIG cũng cộng thêm 400 đồng vào mức giá tham chiếu của mình, đóng cửa ở mức 14.900 đồng. Trong khi DPM không còn duy trì được sắc xanh khi đóng cửa ở mức tham chiếu.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, được đánh giá sẽ có đà tăng mạnh đã không như kỳ vọng khi đa số vẫn giảm giá, số còn lại tăng giá chỉ lình xình trên tham chiếu, chỉ 1 số ít mã có sắc tím, hoặc bứt hẳn khỏi giá tham chiếu như VHC, DTA, TMT, SVC, RIC, IDH, FDC, MCG, PTC, BT6. Một số ít bluechip cũng có được đà tăng tích cực như PPC, HSG.

Nhóm dầu khí cũng quay đầu giảm trở lại chỉ sau 1 phiên bừng sáng nhờ hiệu ứng kết quả kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam)

Về thanh khoản, chưa nhóm nào thay thể được nhóm bất động sản khi 3 cái tên dẫn đầu vẫn la FLC, KBC, ITA với tổng lượng khớp lần lượt hơn 7,7 triệu đơn vị, hơn 4,4 triệu đơn vị và hơn 3,8 triệu đơn vị. Trong khi KBC tăng 400 đồng, thì ITA đứng ở tham chiếu, còn FLC giảm nhẹ 100 đồng.

Với việc nhóm VN30 đa số chìm trong sắc đỏ, không khó hiểu khi E1VFVN30 giảm ngay khi mở cửa phiên và VN30-Index chuyển sắc xanh vào cuối phiên, thì chứng chỉ quỹ này vẫn đứng ở mức thấp nhất phiên 10.000 đồng, giảm 200 đồng. Thanh khoản của chứng chỉ quỹ ETF nội đầu tiên này cũng khá thấp khi chỉ hơn 142.000 đơn vị được khớp.

Trên HNX, trong khi PVC và PVS quẩn quanh mốc tham chiếu, thì PGS lại đang tăng mạnh, cùng với một vài cổ phiếu Sông Đà như SDP, SJC và KSD, HNM hãm đà rơi của HNX-Index.

Về cuối phiên, PVX cũng bất ngờ được đẩy qua mốc tham chiếu 2 bước giá, đứng ở mức 6.700 đồng với 9,2 triệu đơn vị được khớp.

KLF cũng có được mức tăng tối thiểu 100 đồng khi chốt phiên sáng với 5,25 triệu đơn vị được khớp.

Các mã mới lên sàn như CEO, TVC, NDF đều giá mạnh, trong khi, hiệu ứng “tay mới” vẫn đang hiệu nghiệm với VMI khi mã này đang có mức tăng trần thứ 2 liên tiếp, lên 17.800 đồng với dư mua gần 1 triệu đơn vị, trong khi chỉ được khớp có 49.000 đơn vị do không có cung.

Tin bài liên quan