Phiên giao dịch sáng 6/7: VN-Index thoát hiểm, nhà đầu tư KSA tuyệt vọng

Phiên giao dịch sáng 6/7: VN-Index thoát hiểm, nhà đầu tư KSA tuyệt vọng

(ĐTCK) Sự trở lại của một vài mã lớn giúp cả 2 chỉ số đảo chiều thành công trong phiên giao dịch sáng nay. Trong khi đó, nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu KSA vẫn miệt mài bán ra trong tuyệt vọng.

Thị trường đã trải qua 7 phiên tăng liên tiếp sau cú xốc Brexit diễn ra trong phiên 24/6. Dòng tiền tấp nập tham gia thị trường đã đẩy các chỉ số tăng mạnh, đặc biệt trong phiên hôm qua, với mức thanh khoản lên tới 4.000 tỷ đồng, chỉ số Vn-Index cũng đã vượt qua mức đỉnh tồn tại từ năm 2008.

Thị trường đang tăng khá nóng và một trong những điểm nhà đầu tư thấy được rủi ro đang dâng cao khi phiên giao dịch 5/7, hoạt động kéo xả và chốt lời thể hiện khá rõ nét. Việc kéo giá hàng loạt cổ phiếu lớn như VIC, BID, VCB, BVH… giúp cầu mua vào khá mạnh, nhưng lại là cơ hội chốt lời của những nhóm nhà đầu tư khác., chính vì vậy, hiện tượng rung lắc đã xẩy ra khá mạnh trong phiên.

Bên cạnh đó, nhân tố nhà đầu tư nước ngoài cũng giao dịch thiếu tích cực. Phiên 5/7, cùng với giao dịch mua vẫn duy trì ở mức khá thấp, khối này đã đẩy mạnh bán ra trên sàn HNX và ghi nhận phiên bán ròng mạnh nhất trong gần 1,5 năm qua với giá trị bán ròng lên tới hơn 100 tỷ đồng.

Mặt khác, ở thị trường quốc tế, sau khoảng lặng tuần qua, tác động của Brexit tiếp tục được các tổ chức, công ty nghiên cứu liên tiếp đưa ra các báo cáo đánh giá tác động của Brexit tới kinh tế toàn cầu nói chung, cũng như từng khu vực, nền kinh tế nói riêng, gợi lên bức tranh u ám của kinh tế thế giới. 

Chính điều này đã làm lu mờ dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ, cũng như Trung Quốc vừa công bố. Ngoài ra, sau chuỗi tăng điểm ấn tượng, áp lực chốt lời gia tăng cũng góp phần đẩy chứng khoán toàn cầu giảm điểm trong phiên thứ Ba (với chứng khoán châu Âu đây là phiên giảm thứ 2 liên tiếp).

Không chỉ chứng khoán, nỗi lo về việc kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại cũng ảnh hưởng xấu tới giá dầu, khiến giá nhiên liệu này giảm gần 5% trong phiên thứ Ba, kéo cổ phiếu năng lượng, khai thác mỏ đồng loạt giảm theo.

Trong khi đó, nỗi lo sợ của giới đầu tư trên thị trường chứng khoán lại châm ngòi cho sự bứt phá trên thị trường vàng. Giá vàng thế giới đã lên mức cao nhất hơn 2 năm trong phiên thứ Ba và tiếp tục tăng tốc trong phiên sáng nay. Giá vàng trong nước cũng tăng mạnh lên trên ngưỡng 38 triệu đồng/lượng.

Các thông tin trên đã tác động không tích cực tới thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên sáng nay, khiến giới đầu tư trở nên thận trọng hơn rất nhiều so với các phiên trước.  

Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, VN-Index giảm 4,08 điểm (-0,63%), xuống 646,8 điểm với chỉ 2,66 triệu đơn vị được chuyển nhượng, giá trị 55,3 tỷ đồng.

Sang đợt khớp lệnh liên tục, thị trường vẫn chưa tìm thấy dấu hiệu hồi phục. Lực cầu vẫn tỏ ra khá dè dặt trong khi áp lực bán vẫn khá cao khiến sắc đỏ chiếm chu đạo toàn thị trường, trong đó, hầu hết các mã bluechip cũng đều giao dịch dưới mốc tham chiếu.

Các trụ cột đóng vai trò là lực hãm chính như VNM, BVH, GAS, PVD, MSN có mức giảm từ 500-1.000 đồng/CP.

Bên cạnh đó, sóng ngắn cổ phiếu chứng khoán cũng bị dập tắt bởi áp lực chốt lời. Các mã SSI, HCM hay SHS, BVS, VND trên sàn HNX cũng quay đầu giảm điểm.

Đáng chú ý trong phiên sáng nay vẫn là cổ phiếu KSA. Nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu KSA vẫn tỏ ra vô vọng với lượng dư bán sàn chất đống. KSA tiếp tục ghi nhận phiên giảm sàn thứ 9 liên tiếp với khối lượng khớp lệnh chỉ 15.860 đơn vị và dư bán sàn lên tới hơn 36 triệu đơn vị.

Người anh em cùng họ KHB cũng cùng cảnh ngộ khi ghi nhận phiên giảm sàn thứ 10 liên tiếp và hiện dư bán sàn hơn 9 triệu đơn vị.

Những tín hiệu không tích cực của TTCK thế giới cũng như giá dầu giảm sâu khiến áp lực bán tăng mạnh đầu phiên, chỉ số VN-Index rơi xuống dưới ngưỡng 645 điểm. Tuy nhiên, dòng tiền bắt đáy nhanh chóng nhập cuộc giúp đà giảm điểm được thu hẹp, VN-Index dần hồi phục về cuối phiên.

Chốt phiên giao dịch sáng, thị trường đã trở lại cân bằng hơn, trên sàn HOSE có 93 mã tăng và 112 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng nhẹ 0,5 điểm (+0,08%) lên 651,38 điểm. VN30-Index tăng 0,59 điểm lên 636,86 điểm với 8 mã tăng, 7 mã giảm và 15 mã đứng giá.

Thanh khoản tích hơn hơn nửa đầu phiên sáng với tổng khối lượng giao dịch đạt 72,43 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 1.425,9 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 6,42 triệu đơn vị, trị giá 61,65 tỷ đồng. Riêng ITA thỏa thuận 5 triệu đơn vị, trị giá 21 tỷ đồng.

Trong khi đó, sàn HNX sau thời gian giảm nhẹ đầu phiên đã nhanh chóng hồi phục nhờ sự dẫn dắt của các cổ phiếu bluechip. Với mức tăng 0,49 điểm (+0,57%), HNX-Index đang đứng ở mức điểm cao nhất trong phiên 86,4 điểm.

Thanh khoản khá sôi động với khối lượng giao dịch đạt 44,83 triệu đơn vị, trị giá 555,33 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 7,95 triệu đơn vị, trị giá 73,1 tỷ đồng với sự đóng góp tích cực của 3 triệu cổ phiếu SHS, trị giá 18,6 tỷ đồng và 2,68 triệu cổ phiếu KVC, trị giá 37,69 tỷ đồng.

Trong khi hầu hết các mã ngân hàng đều đi ngang hoặc giảm điểm thì VCB lại có diễn biến khá tốt với mức tăng gần 1%.

Các cổ phiếu lớn như VNM, VIC, GAS, BVH cùng các cổ phiếu chứng khoán cũng trở lại trạng thái cân bằng sau nhịp điều chỉnh nhẹ đầu phiên.

Mặt khác, được nhận định có kết quả kinh doanh khả quan trong quý II, nhóm cổ phiếu ngành thép tiếp tục đóng vai trò hỗ trợ thị trường khi đồng loạt giữ vững đà tăng với giao dịch sôi động, cụ thể, HSG tăng 0,9% và khớp 1,4 triệu đơn vị, HPG tăng 0,5% và khớp 2,96 triệu đơn vị, TLH tăng 3,9% và khớp 2,32 triệu đơn vị…

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu bất động sản cũng tăng khá ấn tượng. Điển hình là KBC, lực cầu hấp thụ mạnh đẩu cổ phiếu này vượt qua mốc tham chiếu và tăng vọt. Chốt phiên, KBC tăng 4,5% lên mức giá cao nhất 16.200 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh lớn nhất sàn đạt 4,92 triệu đơn vị. Các mã FLC, DLG cũng đều khởi sắc với lượng khớp tích cực.

Cũng trong nhóm bất động sản, SCR trên sàn HNX sau những phút lình xình đầu phiên cũng bật tăng mạnh. Với biên độ tăng 8% và đứng ở mức cao nhất 10.800 đồng/CP, SCR có khối lượng khớp lệnh hơn 7,88 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường.

Ngoài ra, HUT, VCG cũng góp sức tô điểm cho nhóm ngành này, với mức tăng tương ứng 4,6% và 5,7%, khối lượng khớp lệnh lần lượt 2,24 triệu đơn vị và 2,9 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu khoáng sản tiếp tục bị bán mạnh, hàng loạt mã giảm sâu như KSA, KSH, LCM, MIM, KHB…. Trong đó, KSA và KHB tiếp tục dư bán sàn hàng chục triệu đơn vị.

Tin bài liên quan