Phiên giao dịch sáng 4/8: Thủ thế

Phiên giao dịch sáng 4/8: Thủ thế

(ĐTCK) Sau phiên giảm mạnh đầu tuần, thị trường đã phát tín hiệu phục hồi trong phiên sáng nay. Tuy nhiên, cả bên bán và bên mua đều thận trọng khiến diễn biến thị trường diễn ra chậm và thanh khoản sụt giảm mạnh.

Ảnh hưởng từ việc TPP không được ký kết như kỳ vọng, áp lực chốt lời đã diễn ra rất mạnh ở các mã thủy sản, dệt may. Với tâm lý thị trường đang nhiều ngờ vực như tuần qua, việc nhóm cổ phiếu được đánh giá cao sẽ bước vào xu hướng tăng trong thời gian tới bị bán mạnh đã kích hoạt lệnh bán mạnh ở nhiều nhóm ngành khác, khiến thị trường giảm mạnh trong phiên đầu tuần.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay, vẫn có nhiều lo ngại thị trường sẽ tiếp tục giảm mạnh để về các vùng điểm thấp hơn. Một số công ty chứng khoán nhận định, đà tăng ngắn hạn của thị trường đã chính thức bị bẻ gãy.

Cơ sở cho nhận định và lo ngại này càng củng cố hơn khi giá dầu thô trong phiên giao dịch tối qua giảm 5%, xuống mức thấp nhất 6 tháng, khiến nhóm cổ phiếu công nghệ trên thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc và nhóm cổ phiếu dầu khí trên thị trường chứng khoán Việt Nam có thể cũng sẽ không nằm ngoài vòng xoáy này.

Tuy nhiên, diễn biến những phút đầu phiên giao dịch sáng nay trên thị trường chứng khoán Việt Nam lại không quá tiêu cực như lo ngại. Dù dòng tiền đã trở nên thận trọng hơn rất nhiều so với phiên tích cực bắt đáy hôm qua, nhưng lực cung giá thấp cũng đã được tiết giảm, giúp nhiều mã có được sắc xanh và các chỉ số không giảm mạnh, mà giằng co quanh tham chiếu.

Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 1,52 điểm (-0,25%), xuống 607,95 điểm. Tổng khối lượng giao dịch ở mức khiêm tốn với 1,77 triệu đơn vị, giá trị 32,9 tỷ đồng.

Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, lực bán giá thấp ít ỏi còn sót lại được hấp thụ hoặc bị hủy, giúp thị trường hồi phục nhẹ. Sắc xanh đã xuất hiện dày đặc hơn trên bảng điện tử, thay vì chỉ lác đác vài điểm như phiên sáng qua.

Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, áp lực từ nhóm cổ phiếu dầu khí khi giá dầu giảm mạnh xuống mức thấp nhất 6 tháng trong phiên đầu tuần, cùng với đà giảm chưa có dấu hiệu dừng lại ở nhóm bảo hiểm khiến chỉ số đang gặp khó. Sắc xanh xuất hiện tại Vn-Index nhanh chóng biến mất và chỉ số này một lần nữa quay đầu đi xuống, dù trên bảng điện tử, số mã tăng giá đang nhỉnh hơn số mã giảm giá.

Trên HNX, chịu ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu dầu khí và việc mớm lệnh sàn tại SHB, KLF, PVX lúc mở cửa, HNX-Index cũng giảm điểm ngay đầu phiên. Sau đó, thị giao dịch tại các mã này trở về thực chất hơn với diễn biến cung-cầu, HNX-Index đã hồi phục dần và giằng co quanh tham chiếu giống VN-Index.

Diễn biến sau đó của thị trường không có nhiều điểm nổi bật, khi lực cầu yếu, trong khi bên bán cũng tiết cung giá thấp. VN-Index đóng cửa với mức giảm nhẹ khi một số mã lớn BVH, MSN, VCB, BID giảm giá, còn thị trường chung rất cân bằng.

Trong khi đó, với sự trở lại của nhóm dầu khí, chứng khoán, HNX-Index đóng cửa trong sắc xanh nhạt.

Cụ thể, kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 3,01 điểm (-0,49%), xuống 606,46 điểm với 85 mã tăng và 85 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 38,94 triệu đơn vị, giá trị 748,77 tỷ đồng, chỉ bằng một nửa so với sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,65 triệu đơn vị, giá trị 49,65 tỷ đồng.

HNX-Index tăng 0,12 điểm (+0,14%), lên 83,43 điểm với 79 mã tăng và 71 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 20,16 triệu đơn vị, giá trị 239,45 tỷ đồng, chủ yếu đến từ giao dịch khớp lệnh.

Xét về các mã cụ thể, sau phiên giảm sàn hoặc sát mức sàn hôm qua, nhiều mã đã hồi phục tốt trở lại trong phiên sáng nay như HAI, JVC, GTN, IDI… Trong đó, HAI, IDI đứng ở tham chiếu, JVC tăng 1 bước giá, GTN tăng 2,86%. HVG cũng chỉ còn giảm 2,45%, KMR cũng thoát mức sàn vào cuối phiên với mức giảm 3,39%, xuống 5.700 đồng với 1,36 triệu đơn vị được khớp.

Trong khi đó, sau những phút đầu rung lắc, cổ phiếu dầu khí cũng dần lấy lại được cân bằng khi giá dầu thô đang phục hồi trở lại. Kết thúc phiên sáng, PVD giảm 0,7%, còn GAS về được mức tham chiếu, PET, PGC cũng tăng nhẹ, số khác giảm không đáng kể.

Nhóm bảo hiểm với đầu tàu là BVH cũng đã dần thu hẹp mức giảm giá. Chốt phiên sáng nay, BVH giảm 4,29%, BIC giảm 0,94%, BMI giảm 0,97%, trong khi PGI ở mức tham chiếu.

CII và NBB cũng không có đủ sức để bứt phá như phiên sáng qua khi CII tăng nhẹ 1 bước giá, còn NBB đứng ở tham chiếu. Trong khi đó, KDC là mã bluechip tích cực nhất với mức tăng 1,05%, sau đó, một số mã khác cũng hồi phục như FPT, HPG, nhóm chứng khoán (HCM, SSI), ngân hàng (STB, MBB, EIB).

Trong khi đó, MSN sau phiên lội ngược dòng bất ngờ hôm qua, đã quay đầu giảm mạnh sáng nay khi mất 4,49%, xuống 85.000 đồng.

Thanh khoản chung sáng nay đều giảm mạnh do sự thận trọng của cả 2 bên. Mã có thanh khoản tốt nhất HOSE sáng nay là FLC cũng chỉ được khớp hơn 2 triệu đơn vị, đứng ở tham chiếu 7.800 đồng.

Trên HNX, như đã nói, sau lệnh mớm kéo các mã SHB, PVX, KLF, SHS, VIX xuống mức sàn lúc mở cửa, diễn biến của các mã này đã trở lại bình thường khi cung-cầu vào nhịp sau đó và đang giằng co quanh tham chiếu.

Nhóm cổ phiếu dầu khí trên sàn cũng không quá tiêu cực, các mã như PVC, PVS, PVE, PVG, giảm nhẹ, trong khi sắc xanh nhạt lại xuất hiện ở một số khác như PVB, PGS. Sau đó, về cuối phiên, các mã này lần lượt hồi phục, một số nới rộng đà tăng, giúp HNX-Index có được sắc xanh.

Tương tự trên HOSE, thanh khoản trên HNX cũng sụt giảm mạnh khi PVX là mã có tổng khớp lớn nhất sàn cũng chỉ là 2,2 triệu đơn vị. Các mã dẫn dắt dòng tiền khác như KLF, SCR, SHB, VND chỉ được khớp hơn 1 triệu đơn vị, thậm chí FIT còn chưa tới 1 triệu đơn vị.

KVC tiếp tục bị bán tháo mạnh và đang giảm dần theo thời gian sau khi được cố tình kéo tăng từ mức 17.300 đồng giữa tháng 6, lên mức 40.000 đồng vào 27/7. Tuy nhiên, cũng trong phiên 27/7, sau khi vượt qua 40.000 đồng, áp lực chốt lời đã diễn ra mạnh, đẩy mã này giảm sàn 35.500 đồng lúc đóng cửa và giảm dần tư đó cho đến sáng nay đang ở mức sàn 21.100 đồng. Hiện KVC đang còn dư bán sàn 686.500 đơn vị và lượng khớp là 857.300 đơn vị.

Tin bài liên quan