Phiên giao dịch sáng 31/3: “Sống nhờ bộ ba quyền lực”

Phiên giao dịch sáng 31/3: “Sống nhờ bộ ba quyền lực”

(ĐTCK) Việc GAS, VNM và VCB được đẩy tăng giá đã khiến diễn biến thị trường trong phiên giao dịch sáng nay diễn ra tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng”.

Nhịp điều chỉnh của tuần trước vẫn có nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư. Dù thị trường đã có 2 phiên hồi nhẹ cuối tuần trước, nhưng thanh khoản giảm chưa báo hiệu tín hiệu tích cực nào. Vì vậy, khi bước vào phiên giao dịch sáng nay, tâm lý thận trọng được nhà đầu tư đặt lên hàng đầu.

Kết thúc đợt 1, chỉ số VN-Index tăng 2,12 điểm (+0,36%) lên 596,41 điểm, tổng khối lượng giao dịch đạt 2,76 triệu đơn vị, trị giá 49,9 tỷ đồng.

Bước vào đợt khớp lệnh liên tục, mặc dù vẫn duy trì sắc xanh, nhưng đà tăng của thị trường lại trong xu thế giảm dần, khi số mã bluechip giảm điểm đang dần tăng lên.

Cụ thể, đến thời điểm 9h30, trong nhóm VN30 chỉ còn 3 mã tăng điểm, với thanh khoản ở mức thấp, khiến chỉ số VN30_index giảm tới 1,72 điểm.

Trong khi hàng loạt mã vốn hóa lớn như VIC cũng đã về tham chiếu; VCB, FPT, BVH, MSN, MBB đều chìm trong sắc đỏ.

Tuy nhiên, lực cản duy nhất đến từ GAS khi mã này đang tăng 1.000 đồng, không đủ giữ chân VN-Index trên tham chiếu, thị trường bắt đầu giảm. 

Tuy nhiên sau đó, ngoài GAS, đã có thêm VNM, VCB và HAG lấy lại điểm số đã giúp VN-Index có được sắc xanh khi chốt phiên sáng nay, bất chấp số mã giảm giá chiếm thế áp đảo trên bảng điện tử.

Kết thúc phiên giao dịch sáng, chỉ số VN-Index tăng 1,19 điểm (+0,2%) lên 595,48 điểm, tổng khối lượng giao dịch đạt 64,5 triệu đơn vị, trị giá 1.101,38 tỷ đồng.

Trong khi đó, trên HNX, thị trường tiếp tục giằng co chưa rõ xu thế. Những tưởng cột chỉ số HNX-Index đã có được sắc xanh, tâm lý thận trọng của nhà đầu tư, một lần nữa lại kéo chỉ số này xuống dưới tham chiếu.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,01 điểm (-0,01%) xuống 90,03 điểm, Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 74 triệu đơn vị, tương đương giá trị 859,79 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 16,7 triệu đơn vị, trị giá 179,37 tỷ đồng. Chủ yếu là đóng góp từ thỏa thuận từ mã VIX của CTCK Xuân Thành, chiếm đến 174 tỷ đồng (16,5 triệu đơn vị). Nhiều khả năng đây là lượng cổ phiếu mà Chủ tịch HĐQT VIX Nguyễn Đức Thụy bán ra.

Trước đó, ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy), Chủ tịch HĐQT VIX đã đăng ký bán toàn bộ 22,25 triệu cổ phiếu VIX, tương đương 74,17% vốn. Đây cũng không phải lần đầu ông Thụy có ý định rút chân ra khỏi lĩnh vực chứng khoáng. Tháng 3/2013, ông cũng từng đăng ký bán toàn bộ số cổ phần nắm giữ nhưng chỉ bán được hơn 2 triệu cổ phiếu.

Nhìn lại diễn biến của toàn bộ phiên sáng, đà tăng của VN-Index sáng nay dường như có chủ đích, bởi số mã giảm giá chiếm thế áp đảo, nhưng lực mua đỡ giá ở 3 trong số 4 “quyền lực” chính trên HOSE là GAS, VNM, VCB giúp VN-Index có được sắc xanh.

Sắc tím chỉ còn xuất hiện rất ít trên bảng điện tử, trong đó ấn tượng nhất là PXM khi còn dư mua giá trần tới hơn 1 triệu đơn vị do không ai bán. BGM cũng tạo ấn tượng với lượng khớp hơn 1,13 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần 6.900 đồng hơn 220.000 đơn vị. BGM tăng mạnh nhờ được đưa ra khỏi diện cảnh báo từ ngày 1/4 do khắc phục được nguyên nhân dẫn đến cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo do tạm ngừng hoạt động kinh doanh chính và vi phạm quy định công bố thông tin.

VNG và VNI cũng còn dư mua giá trần và cũng trong tình trạng cạn cung. KAC sau tuần lao mạnh trước đó, đã được đỡ giá lên trong phiên đầu tuần mới, với lệnh mua nhỏ 200 cổ phiếu. Thanh khoản mã này gần như bị tắc với 340 cổ phiếu được khớp, cả bên mua và bên bán đều án binh bất động.

Trong nhóm bất động sản, ITA và FLC vẫn duy trì vị trí dẫn đầu về thanh khoản trên HOSE với 6,89 triệu và 5 triệu đơn vị được khớp. Tiếp đến, là SSI với 4,26 triệu đơn vị. Trong khi ITA để mất mốc tham chiếu, giảm 200 đồng, xuống 10.400 đồng/cổ phiếu, thì FLC vẫn duy trì mức giảm mạnh 600 đồng (-4,26%), xuống 13.500 đồng/cổ phiếu.

Ngoài “bộ 3 quyền lực” VCB, VNM, GAS, đà tăng chỉ xuất hiện ở một vài cổ phiếu lớn khác như HAG, PGD, HCM, SSI.

Trên HNX, nhóm chứng khoán cũng duy trì phong độ tốt. Trong đó, KLS và VND có thanh khoản chỉ đứng sau PVX.

PVX tăng tiếp 400 đồng, giao dịch tại mức giá 7.000 đồng, khối lượng giao dịch đạt trên 11 triệu cổ phiếu, hiện còn dư bán trần trên 5 triệu đơn vị.

Khối ngoại mua vào 74 mã với 2 triệu đơn vị trên HOSE và 38 mã với khối lượng hơn 800.000 đơn vị trên HNX, đồng thời bán ra 18 mã với khối lượng 653.451 đơn vị trên HNX. PVX bị khối ngoại bán ra mạnh nhất, với 303.300 đơn vị.

Tin bài liên quan