Phiên giao dịch sáng 26/11: VIC đỡ cả thị trường, nhiều mã lập đỉnh 2

Phiên giao dịch sáng 26/11: VIC đỡ cả thị trường, nhiều mã lập đỉnh 2

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù áp lực chốt lời khiến sắc đỏ có chiếm ưu thế, nhưng với sự hỗ trợ tích cực của nhóm cổ phiếu bluechip, đặc biệt VIC, giúp VN-Index tiếp tục tăng tốc trong phiên sáng 26/11.

Thị trường đã có phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp và điều đặc biệt chính là việc đổi trụ thành công, đã giúp chỉ số VN-Index và VN30 tiếp tục chinh phục những mức đỉnh lịch sử mới, trong đó VN-Index lần đầu tiên vượt mốc 1.500 điểm.

Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index vẫn đang di chuyển trong sóng tăng 5 và việc vượt qua ngưỡng tâm lý 1.500 điểm đã mở ra dư địa tăng mới cho thị trường. Tuy nhiên, sự hình thành của mẫu nến spinning đi kèm với sự sụt giảm nhẹ của khối lượng giao dịch để ngỏ rủi ro đảo chiều giảm điểm của thị trường.

Bước vào phiên giao dịch sáng cuối tuần ngày 26/11, mặc dù sắc đỏ vẫn có phần áp đảo trên thị trường, trong đó số mã giảm điểm ở nhóm VN30 cũng gấp trên dưới 2 lần số mã tăng, nhưng chỉ số VN-Index vẫn trên con đường chinh phục đỉnh cao, đáng kể nhất là VIC đột ngột tăng rất mạnh kéo chỉ số VN30-Index tăng vọt và VN-Index có thời điểm tăng vượt 1.510 điểm.

Sau hơn 1 giờ giao dịch, VIC đã tăng 6,4% và áp sát mức giá trần khi tạm đứng tại vùng giá 100.000 đồng/CP.

Thời điểm đầu phiên, nhóm cổ phiếu bất động sản - xây dựng tiếp tục duy trì đà hưng phấn của phiên chiều qua với đa số mã tăng. Bên cạnh các mã đang tăng với biên độ lớn trong nhóm VN30 như NVL, PDR, VIC, các mã vừa và nhỏ như LDG, DRH tiếp tục tăng trần, DIG, HU1, HPX tăng trên dưới 5%, và nhiều mã như HDG, DXG, SJS… cùng tăng hơn 2%. Tuy nhiên khi qua nửa giữa phiên, sắc đỏ lan dần, nhiều mã trong nhóm này gặp khó khi trở lại đỉnh cũ thiết lập trong tuần trước.

Rủi ro tạo mẫu hình 2 đỉnh khiến nhiều nhà đầu tư tăng cường bán ra khiến số mã giảm điểm dần tăng.

Bên cạnh đó, sau chuỗi ngày dài bị bán mạnh, nhóm cổ phiếu thép cũng đã có những tín hiệu tích cực. Trong phiên sáng nay, bên cạnh SMC vẫn duy trì sắc tím với lượng dư mua trần chất đống ngay từ đầu phiên, sau khoảng hơn 1 giờ giao dịch, các mã khác trong ngành cũng bật tăng khá mạnh như TLH đang tiến gần tới mức giá trần khi tăng trên 6%, HSG tăng trên dưới 2%, còn HPG, POM và NKG tăng với biên độ hẹp hơn. Đây là nhóm vẫn đang miệt mài xác định vùng giá ngắn hạn nên trong cả tuần nay liên tục biến động tăng giảm theo từng phiên.

Tuy nhiên, dòng bank vẫn chưa thể đem lại niềm vui trọn vẹn cho nhà đầu tư bởi chu kỳ tạo sóng khá ngắn. Trong phiên sáng nay, nhóm cổ phiếu này tiếp tục phân hóa nhẹ với các mã VCB, TCB, CTG, MBB, ACB… có mức giảm trên dưới 1%, trong khi VPB ghi nhận mức tăng tốt nhất với biên độ tăng hơn 3%.

Dòng tiền tiếp tục chuyển dần sang nhóm cổ phiếu lớn, đặc biệt là rổ VN30 khi thanh khoản tăng tốt và điểm số của VN30-Index đã có tới 4/5 phiên tăng mạnh trong tuần này. Khi các mã lớn hút dòng tiền thì thị trường chung bị ảnh hưởng, số lượng mã giảm giá về cuối phiên sáng nay đã có lúc gần tới 300 mã trên HOSE, áp đảo hoàn toàn số mã tăng giá của sàn này.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 166 mã tăng (15 mã tăng trần) và 289 mã giảm, VN-Index tăng 4,29 điểm (+0,29%), lên 1.505,1 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 611,88 triệu đơn vị, giá trị 20.134,46 tỷ đồng, giảm 6,7 triệu đơn vị nhưng tăng 5,23% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 32,16 triệu đơn vị, giá trị 1.336,5 tỷ đồng.

Mặc dù cũng giảm nhiệt nhưng cổ phiếu lớn VIC vẫn ghi nhận mức tăng tốt nhất trong nhóm VN30 và là đầu tàu dẫn dắt nhóm cổ phiếu bất động sản, đóng góp lớn nhất vào đà tăng của chỉ số chung khi chốt phiên sáng nay tăng 4,9% lên mức 98.600 đồng/CP.

Đồng thời, thanh khoản VIC tăng vọt, gấp nhiều lần so với cả phiên giao dịch trong thời gian gần đây, đạt hơn 6,24 triệu đơn vị (mức thanh khoản trung bình 10 phiên giao dịch gần đây của VIC đạt hơn 2 triệu đơn vị).

Bên cạnh đó, các mã khác trong nhóm bất động sản cũng có biên độ tăng vượt trội trong rổ VN30 như NVL tăng 3% và chốt phiên sáng đứng tại 112.300 đồng/CP, PDR tăng 1,6% lên 95.700 đồng/CP, VHM cũng xanh nhạt.

Chính là tăng mạnh của VIC đã cân hết số mã giảm chiếm áp đảo trong nhóm VN30 giúp chỉ số này vẫn tăng hơn 8 điểm và chốt phiên sáng tại mốc 1.580 điểm, với VJC giảm sâu nhất trong nhóm bluechip khi để mất 2,3%; các mã khác như BVH, TPB, SSI, PLX, MSN cùng giảm hơn 1%; còn GVR, SAB, GAS… điều chỉnh nhẹ.

Trong khi đó, ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng chịu áp lực bán chốt lời như LDG, SJF để mất sắc tím, trong khi HAG, ITA, FLC, HQC, ROS, TCH… đảo chiều giảm.

Xét về nhóm ngành, trái với diễn biến khởi sắc của các cổ phiếu lớn, nhiều mã bất động sản vừa và nhỏ quay đầu điều chỉnh như TCH, DXS, IJC, HBC, SCR, ITA…

Trong khi đó, các nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán vẫn khá ảm đạm bởi sắc đỏ bao phủ trên diện rộng. Ở dòng bank, ngoài các mã VPB, BID, STB, SHB, VIB giữ được sắc xanh, còn lại đều giảm trên dưới 1%; trong khi nhóm chứng khoán cũng chỉ còn VIX, HCM và CTS le lói sắc xanh.

Trái lại, nhóm cổ phiếu thép tiếp tục nới rộng đà tăng về cuối phiên, ngoại trừ cổ phiếu HPG vẫn chỉ nhúc nhắc trên mốc tham chiếu. Trong đó, SMC và TLH tạm dừng phiên sáng trong sắc tím với lượng dư mua trần chất đống, lần lượt là 1,43 triệu đơn vị và 2,19 triệu đơn vị; NKG tăng 3,1%, HSG và POM tăng trên 2,5%.

Về thanh khoản, cổ phiếu VPB dẫn đầu thị trường dù khối ngoại vẫn bán ròng mạnh nhất với gần 6 triệu đơn vị, khi khối lượng khớp lệnh đạt hơn 29,3 triệu đơn vị. Tiếp theo đó, STB khớp 16,67 triệu đơn vị và HPG khớp 15,88 triệu đơn vị.

Trên HNX, áp lực bán cuối phiên khiến thị trường rung lắc và đảo chiều giảm do thiếu vắng trụ đỡ.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 85 mã tăng và 157 mã giảm, HNX-Index giảm 1,09 điểm (-0,24%) xuống 458,58 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 69,72 triệu đơn vị, giá trị 1.920 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,58 triệu đơn vị, giá trị 96,91 tỷ đồng.

Cổ phiếu CEO tiếp tục dậy sóng trên HNX và nhanh chóng có được sắc tím ngay khi mở cửa. Chốt phiên, CEO tăng 9,8% lên mức 42.500 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 1,1 triệu đơn vị và dư mua trần 2,16 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, bạn đồng hành là cổ phiếu L14 cũng có thời điểm kéo trần và chốt phiên tăng 7,4% lên mức 280.000 đồng/CP.

Cổ phiếu lớn giúp thị trường bớt giảm sâu phải kể đến cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường là THD chốt phiên tăng 1,3% lên 247.700 đồng/CP.

Trái lại, cũng thuộc nhóm cổ phiếu bất động sản, mã lớn IDC tiếp tục giảm sâu khi để mất 4,6% xuống vùng giá thấp nhất phiên 78.700 đồng/CP.

Các cổ phiếu ngân hàng với BAB giảm 2%, NVB giảm 2,3%; cùng nhóm cổ phiếu chứng khoán nhuộm đỏ với các mã lớn hơn như SHS, BVS, MBS giảm trên dưới 2%, cũng gia tăng gánh nặng lên thị trường.

Về thanh khoản, cặp đôi SHS và PVS dẫn đầu thị trường với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 5,7 triệu đơn vị và 4,26 triệu đơn vị, chốt phiên cả 2 mã đều giảm hơn 1,5%.

Trên UPCoM, áp lực bán ở nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng và dầu khí cũng khiến thị trường chốt phiên ở mức thấp nhất trong phiên.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,46 điểm (-0,4%), xuống 114,15 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 127,38 triệu đơn vị, giá trị 1.345,48 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,42 triệu đơn vị, giá trị 75,25 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, các cổ phiếu trong các nhóm trụ cột dẫn dắt như BVB, ABB, VAB, SGB, NAB, BSR, SBS, AAS, TCI… đồng loạt giao dịch trong sắc đỏ. Ngoài ra, nhiều mã vốn hóa lớn khác như VGT, VGI… cũng mất điểm.

Trong khi đó, các mã nhỏ vẫn là tâm điểm của thị trường với sắc tím lan tỏa cùng giao dịch sôi động.

Điển hình là PVX chốt phiên đứng tại mức giá trần 5.700 đồng/CP với thanh khoản vượt trội, đạt 19,36 triệu đơn vị. Các mã khác như PPI, HVG, KSK, AVF, GTT, NTB, HLA… đều tăng hết biên độ.

Tin bài liên quan