Phiên giao dịch sáng 24/8: Vỡ trận

Phiên giao dịch sáng 24/8: Vỡ trận

(ĐTCK) Lực cầu bắt đáy mạnh ở phiên cuối tuần trước đem lại kỳ vọng thị trường sẽ hồi phục trở lại cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, trái ngược với kỳ vọng đó, nhà đầu tư đã thực sự bị hoảng loạn trong phiên giao dịch sáng nay, khiến thị trường bị vỡ trận.

Phiên giao dịch cuối tuần qua (21/8) là phiên giao dịch nhiều cảm xúc và cũng làm nhiều nhà đầu tư thót tim. Kể từ sự kiện biển Đông 8/5/2015, thị trường mới chứng kiến phiên giảm mạnh tới hơn 4% như phiên sáng 21/8. Tuy nhiên, điểm tích cực trong phiên này là lực cầu bắt đáy giá tăng mạnh mẽ, giúp đà giảm được hãm bớt.

Chính lực cầu bắt đáy này đem lại kỳ vọng cho nhà đầu tư rằng thị trường sẽ hồi trở lại khi bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới. Tuy nhiên, bước vào phiên giao dịch sáng nay (24/8), tín hiệu tích cực chỉ lóe lên ở sàn HNX trong phút đầu nhờ hiện tượng ACB khi mã này được khối ngoại mua vào với giá rất cao, thậm chí có lúc lên mức trần 20.700 đồng. Trong khi đó, phần lớn các mã còn lại đều đang chịu áp lực bán lớn, khiến VN-Index mở cửa trong sắc đỏ và HNX-Index cũng nhanh chóng đảo chiều.

Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 5,82 điểm (-1,05%), xuống 550,48 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 4 triệu đơn vị, giá trị 63,39 tỷ đồng.

Bước vào đợt khớp lệnh liên tục, dù lực cầu bắt đáy vẫn duy trì khá tốt, nhưng lực cung giá thấp không thể giảm, thậm chí gia tăng mạnh, khiến nhiều mã đang ngấp nghé giá sàn và đà giảm được nới rộng dần sau đó.

Trên HNX, hiện tượng ACB cũng nhanh chóng hạ nhiệt sau những phút ngấu hứng đầu phiên xuất phát từ khối ngoại. Hiện mã này cũng đang giao dịch dưới tham chiếu với thanh khoản nhỏ giọt trở lại.

Trên HOSE, các mã có tính thị trường đều bị bán tháo mạnh với KBC đang ở mức sàn 11.900 đồng, trong khi ITA, IJC, FLC, VHG, HAI… cũng đang ngấp nghé mức giá này.

Các mã lớn như nhóm ngân hàng, dầu khí, bảo hiểm, chứng khoán cũng đồng loạt chìm trong sắc đỏ…

Dù vấn đề tỷ giá được nhiều chuyên gia, nhà quản lý phân tích và trấn an, nhưng dường như nó vẫn có ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý nhà đầu tư chứng khoán.

Trong sáng nay, áp lực tỷ giá một lần nữa lại trở thành mối lo khi tỷ giá được các ngân hàng thương mại lớn như Vietcombank đã chạm mức trần 22.547 đồng/USD.

Cùng với đó, với việc khối ngoại bán mạnh, nhất là các quỹ ETFs cũng đang gây áp lực mạnh lên thị trường.

Theo thông tin mới nhất, Quỹ DB FTSE Vietnam ETF  đang quản lý 371,9 triệu USD, gồm 16 cổ phiếu tại HOSE, đang niêm yết tại 10 sàn giao dịch sẽ bị hủy niêm yết chứng chỉ quỹ  tại 2 sàn giao dịch là Nasdaq OMX (Stockholm) và Euronext (Paris) do thanh khoản thấp trên 2 sàn này trung bình mỗi ngày lần lượt chỉ là 183 chứng chỉ quỹ và 3.050 chứng chỉ quỹ.

Đánh giá về động thái này, CTCK SSI cho rằng, việc quỹ này hủy niêm yết trên 2 sàn có thanh khoản thấp sẽ không ảnh hưởng trọng yếu khi nhà đầu tư trên sàn này thực hiện rút (redeem) chứng chỉ quỹ. Do vậy, việc bán cổ phiếu tại sàn giao dịch HOSE khối lượng lớn sẽ không xảy ra về mặt thay đổi sàn niêm yết, nhưng nhà đầu tư cần cẩn trọng cách diễn giải sai lệch của phương tiện truyền thông sẽ tác động đến tâm lý đầu tư. Tuy nhiên, SSI cho rằng, trong thời điểm thị trường thế giới bước vào chu kỳ giá xuống, tạm tránh những cổ phiếu liên quan đến ETFs.

Dù được đánh giá là không ảnh hưởng lớn tới việc rút vốn mạnh, nhưng thông tin đưa ra trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư đang xuống thấp như hiện nay đã có tác động xấu tới thị trường và diễn biến trong phiên giao dịch sáng nay đã phản ánh điều này.

Lực bán tháo ồ ạt sau đó diễn ra trên diện rộng ở cả 2 sàn, khiến hàng trăm mã giảm giá, trong đó có hơn 150 mã giảm sàn, các chỉ số lao dốc không phanh với mức giảm mạnh nhất kể từ phiên 8/5/2014, phiên gắn liền với sự kiện Biển Đông.

Kết thúc phiên sáng nay, VN-Index giảm 28,57 điểm (-5,14%), xuống 527,73 điểm với 233 mã giảm, trong khi chỉ có 17 mã tăng giá, chủ yếu là tăng ở mức tối thiếu hoặc không phản ánh đúng cung cầu. Điểm tích cực là giống như phiên cuối tuần trước, sự hoảng loạn của người này là cơ hội của người khác, vì vậy lực cầu bắt đáy tiếp tục gia tăng, giúp thanh khoản ở mức cao với 99,72 triệu đơn vị được chuyển nhượng, giá trị 1.669,92 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khiêm tốn chỉ với 2,2 triệu đơn vị, giá trị 32,75 tỷ đồng.

HNX-Index cũng lao mạnh 3,54 điểm (-4,57%), xuống 74,06 điểm với 181 mã giảm, trong khi cũng chỉ có 25 mã tăng. Tổng khối lượng giao dịch đạt 34,97 triệu đơn vị, giá trị 338,16 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,26 triệu đơn vị, giá trị 9,68 tỷ đồng.

Gần như toàn bộ các mã đáng chú ý trên 2 sàn đều bị bán tháo. Trên HOSE, sắc xanh mắt mèo xuất hiện tại MSN, BVH, HAG, REE, FLC, VHG, ITA, KBC, HAI, JVC, QCG, HVG… Trong khi trên HNX là VCG, SHN, PVX, HHG, VIX, S99, ITQ, KLF, PVL, BAM…

Xét về thanh khoản, FLC là mã có tổng khối lượng khớp lớn nhất trên HOSE với 8,3 triệu đơn vị, tiếp đến là CII, SSI, KBC với 4,76 triệu đơn vị, 4,63 triệu đơn vị và 3,96 triệu đơn vị. Còn trên HNX, KLF có thanh khoản tốt nhất, nhưng cũng chỉ được khớp 3,86 triệu đơn vị.

Dù thị trương lao dốc mạnh với cả các yếu tố tiêu cực cả trong và ngoài nước tác động. Tuy nhiên, việc dòng tiền bắt đáy chảy mạnh trong 2 phiên lao dốc 21/8 và sáng nay 24/8 cho thấy, triển vọng của thị trường vẫn được nhiều nhà đầu tư đánh giá tích cực. Đặc biệt, trong phiên sáng nay, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng mạnh trở lại trên HNX với khối lượng mua ròng hơn 3,4 triệu đơn vị, giá trị mua ròng 44,44 tỷ đồng.
Trên HOSE, chưa có tổng kết về số liệu bán ra, nhưng ở chiều mua vào, khối ngoại cũng đang đẩy mạnh với tổng khối lượng mua vào hơn 9,4 triệu đơn vị.
Đây chính là các yếu tố nhà đầu tư cần xem xét để bình tĩnh hơn, tránh những quyết định tháo chạy quá mức. Tuy nhiên, quan sát diễn biến phiên sáng nay, áp lực bán mạnh và dứt khoát ở nhiều mã có thể là từ lực cung giải chấp, chứ không hẳn là sự tháo chạy chủ động của nhà đầu tư.
Tin bài liên quan