Phiên giao dịch sáng 23/10: Chốt lời sớm

(ĐTCK) Đúng như lo ngại về đợt phục hồi kỹ thuật, áp lực bán vẫn duy trì ở mức cao khiến cả 2 sàn nhanh chóng đảo chiều khi bước vào phiên giao dịch sáng 23/10. Cùng với đó, thanh khoản thị trường cũng suy giảm khá mạnh bởi tâm lý giao dịch thận trọng.
Phiên giao dịch sáng 23/10: Chốt lời sớm

Như chúng tôi đã phân tích trong bản tin cập nhật thị trường chiều qua, nhìn tổng thể tình trạng "xanh vỏ, đỏ lòng" đã kết thúc, nhưng việc tăng giá một cách dàn trải và thiếu nhóm dẫn dắt đang tạo nên những rủi ro về khả năng bật lại thiếu bền vững. Điều này còn được hỗ trợ bởi thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp so với khoảng 20 phiên giao dịch gần đây.

Đúng như lo ngại trên, bước vào phiên giao dịch sáng nay, thị trường nhanh chóng quay đầu giảm điểm khi thiếu lực đỡ từ nhóm cổ phiếu bluechip cùng với con sóng chứng khoán, dầu khí và bất động sản đi qua.

Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 2,72 điểm (-0,45%) tạm đứng ở mức 598,87 điểm với tổng khối lượng giao dịch hơn 6,3 triệu đơn vị và tổng giá trị tương ứng 286,34 tỷ đồng.

Sang đợt khớp lệnh liên tục, đà giảm của thị trường được nới rộng hơn khi số mã đỏ điểm đang ngày càng tăng. Thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức khá thấp. Ngoại trừ giao dịch thỏa thuận của hơn 2 triệu cổ phiếu GAS đã đóng góp vào giá trị giao dịch hơn 223 tỷ đồng, các cổ phiếu khác giao dịch khá chậm.

Trong nhóm VN30 cũng duy trì trạng thái một mã xanh, còn lại hầu hết đỏ điểm. Cụ thể, nếu đầu phiên, BVH là lực kéo chính với mức tăng 200 đồng thì sau hơn 30 phút giao dịch, cổ phiếu MBB đã thế chân nhưng cũng chỉ nhúc nhắc với mức tăng 100 đồng.

Đáng chú ý trên sàn HOSE chính là OGC. Mặc dù áp lực bán ra duy trì ở mức cao nhưng lực cầu hấp thụ tỏ ra không thua kém đã giúp thanh khoản của OGC tăng mạnh. Hiện OGC đang dẫn đầu về thanh khoản trên sàn với hơn 3,83 triệu đơn vị và đứng giá 11.600 đồng/CP, giảm 400 đồng (-3,33%).

Trong khi đó, cặp đôi ITA và FLC vẫn loay hoay ở mốc tham chiếu với khối lượng khớp lệnh đều chỉ đạt hơn 1 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu dầu khí và chứng khoán không còn giữ được lửa như phiên trước. Hầu hết các cổ phiếu cũng đều chịu áp lực đẩy bán và suy giảm trong sắc đỏ.

Sau hơn 30 phút giao dịch, VN-Index giảm hơn 5 điểm xuống mốc 596 điểm. Tuy nhiên, dòng tiền tích cực tăng mạnh đã hấp thụ khá tốt giúp nhiều cổ phiếu bật ngược và xanh điểm. Nhờ vậy, đà giảm của thị trường cũng được hãm.

Lực cầu tăng khá mạnh giúp VN-Index có lúc bất phá vượt qua mốc tham chiếu, tuy nhiên, áp lực đẩy bán chưa dứt trong khi cầu chủ yếu ở mức giá thấp khiến phần lớn thời gian trong phiên chỉ số này giao dịch trong sắc đỏ. Thanh khoản toàn thị trường cũng tăng tích cực, trong đó, tâm điểm vẫn là OGC.

Chốt phiên giao dịch sáng nay, VN-Index giảm 2,9 điểm (-0,48%) xuống 598,69 điểm với tổng lượng giao dịch đạt hơn 82 triệu đơn vị và tổng giá trị tương ứng 1.554,35 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 4 triệu đơn vị, trị giá 240,57 tỷ đồng. Riêng GAS thỏa thuận 2,19 triệu đơn vị tại mức giá 102.000 đồng/Cp với tổng giá trị 223,38 tỷ đồng.

HNX-Index giảm 0,56 điểm (-0,63%) xuống 87,94 điểm với tổng khối lượng giao dịch 31,3 triệu đơn vị, trị giá 441,24 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể chưa đến nửa tỷ đồng.

Nhóm VN30 với 6 mã tăng, 16 mã giảm và 8 mã đứng giá, VN30-Index giảm 2,78 điểm (-0,44%) xuống 635,07 điểm. Còn HNX30-Index giảm 1,34 điểm (-0,76%) tạm đứng ở mức 175,92 điểm cũng với 6 mã tăng, 20 mã giảm và 3 mã đứng giá.

OGC vẫn là tâm điểm trong phiên giao dịch sáng nay. Áp lực chốt lời mạnh khiến OGC rớt thẳng xuống giá sàn. Tuy nhiên, lực cầu hấp thụ mạnh đã giúp OGC vớt vát chút ít và đóng cửa giảm 700 đồng (-5,83%) xuống 11.300 đồng/Cp với khối lượng khớp lệnh lên đến 16,39 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản toàn sàn.

Các cổ phiếu còn lại giao dịch khá thấp. Cặp đôi ITA và FLC cũng lần lượt khớp 3,29 triệu đơn vị và 4,29 triệu đơn vị. Đóng cửa, ITA giảm nhẹ 100 đồng trong khi FLC vẫn giữ được mốc tham chiếu.

Trong nhóm cổ phiếu chứng khoán, hầu hết đều giao dịch trong sắc đỏ ngoại trừ SSI. Tuy nhiên, nỗ lực từ dòng tiền mạnh cũng chỉ giúp SSI nhích nhẹ 100 đồng/CP lên 30.100 đồng/CP. Khối lượng giao dịch của SSI đạt hơn 3,33 triệu đơn vị. Tương tự, trong nhóm cổ phiếu dầu khí cũng chỉ còn PXT tăng trần, còn lại đều giảm điểm hoặc đứng giá.

VHG vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2014 với chỉ tiêu doanh thu thuần hợp nhất đạt 165,9 tỷ đồng, tăng 132% cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế 52,8 tỷ đồng, tăng 150% cùng kỳ. Với kết quả khá tích cực trên, sáng nay, VHG đã được nhà đầu tư gom khá mạnh với hơn 3 triệu đơn vị được chuyển nhượng. Mặc dù mở cửa với sắc xanh nhưng do cùng chịu áp lực bán diễn ra trên diện rộng toàn thị trường khiến VHG chốt phiên trong sắc đỏ với mức giảm 400 đồng xuống 16.800 đồng/CP.

Trên sàn HNX, nhóm cổ phiếu bluechip hầu hết đều giảm điểm là lực cản của thị trường như PVC, BVS, VND, KLS, SCR, VCG…

Cổ phiếu PVX vẫn duy trì mốc tham chiếu 6.100 đồng/Cp với khối lượng khớp lệnh đạt 4,16 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn. Các vị trí thanh khoản tiếp theo gồm KLF (4,15 triệu đơn vị), SCR (2,6 triệu đơn vị), KLS, PVS và SHS cùng đạt hơn 1,5 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan