Phiên giao dịch sáng 22/4: Lặng sóng

Phiên giao dịch sáng 22/4: Lặng sóng

(ĐTCK) Những con sóng lớn như phiên giao dịch hôm qua đã không xuất hiện trong phiên sáng nay. Thị trường mở đầu ngày mới khá trầm lắng, các chỉ số giằng co trong biên độ hẹp với thanh khoản không cao.

Trong phiên giao dịch chiều qua, áp lực bán tăng mạnh trong đợt ATC khiến cả hai chỉ số đều quay đầu giảm điểm, trong đó, VN-Index xuống mức thấp nhất trong ngày. Trong khi đó, giao dịch nhà đầu tư nước ngoài vẫn là yếu tố tích cực giúp tâm lý thị trường ổn định hơn. Dòng tiền ngoại liên tiếp rót ròng với giá trị duy trì ở mức hàng trăm tỷ đồng cùng các thông tin tích cực từ ĐHCĐ thường niên, kết quả kinh doanh quý I/2015 của các doanh nghiệp đã góp phần hỗ trợ thị trường không quá giảm sâu.

Tuy nhiên, yếu tố khối ngoại vẫn luôn khó lường và có thể nhanh chóng thay đổi theo diễn biến của tình hình kinh tế thế giới. Vì vậy, VN-Index cần nhận được sự hỗ trợ vững chắc của cầu trong nước mới có thể đi lên bền vững.

Trong phiên hôm qua, thị trường cũng chứng kiến những con sóng lớn tại IQT, KLF và OGC.

Theo nhận định của SHS, đà giảm điểm lần này sẽ không kéo dài quá lâu do dòng vốn ngoại được kỳ vọng sẽ tiếp tục hoạt động tích cực trong các phiên sắp tới cũng như hiệu ứng tích cực liên quan tới việc chia cổ tức, KQKD quý I.. của nhiều doanh nghiệp lớn sẽ dần được hé lộ trong bối cảnh mùa đại hội cổ đông đang diễn ra.

Mở cửa phiên giao dịch sáng ngày 22/4, các chỉ số đã lấy lại sắc xanh nhạt và giao dịch lình xình trên mốc tham chiếu.

Kết thúc đợt 1, Vn-Index tăng nhẹ 0,34 điểm (+0,06%) lên 562,58 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,83 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 40,14 tỷ đồng.

Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, đà tăng đang được nới rộng nhờ lực đỡ từ các cổ phiếu bluechip. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư vẫn thận trọng sau những diễn biến thị trường gần đây khiến dòng tiền khá nhúc nhắc, thanh khoản duy trì ở mức khá thấp.

Sau thời gian mở cửa lình xình, các cổ phiếu lớn ngành dầu khí cũng đã lấy lại nhịp tăng và hỗ trợ tốt cho thị trường. Cụ thể, sau gần 1 giờ giao dịch, PVD tăng 1.000 đồng (+1,83%) và GAS tăng 500 đồng (+1%).

Bên cạnh đó, các cổ phiếu bluechip lớn khác cũng có được đà tăng nhẹ như VNM tăng 1.000 đồng (+0,93%), VIC tăng 200 đồng (+0,41%), HSG tăng 400 đồng (+1,07%), HPG tăng 500 đồng (+1,11%)…

FPT sau công bố kết quả kinh doanh quý I/2015 khá ấn tượng với doanh thu hợp nhất đạt 9.564 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 645 tỷ đồng, lần lượt tăng 30% và 11% so với cùng kỳ năm ngoái, cổ phiếu này đã tăng tích cực. Hiện FPT tăng 500 đồng (+1%) lên 50.500 đồng/CP và khớp gần 200.000 đơn vị.

Trong khi đó, dòng tiền đầu cơ bất động sản vẫn là điểm nhấn của thị trường. Cặp đôi HQC và DLG cùng đứng giá tham chiếu với khối lượng giao dịch dẫn đầu sàn cùng đạt hơn 2,2 triệu đơn vị. FLC cũng lình xình ở mức giá tham chiếu 10.600 đồng/CP và khớp hơn 1,9 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu trong nhóm ngân hàng cũng có diễn biến lình xình. Trong khi VCB tăng nhẹ 200 đồng thì các cổ phiếu còn lại đều đứng ở mốc tham chiếu hoặc giảm nhẹ. Thanh khoản của các cổ phiếu này cũng ở mức thấp, cao nhất là BID và CTG cùng khớp hơn nửa triệu đơn vị.

Dòng tiền suy yếu khiến thị trường thiếu động lực để tăng điểm mạnh. Trong khi Vn-Index duy trì trạng thái tăng nhẹ thì HNX-Index đã đảo chiều giảm điểm nhẹ. Tại thời điểm 10h12, Vn-Index tăng 1,54 điểm (+0,27%) tạm đứng ở mức 563,78 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 22,97 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 361,91 tỷ đồng.

HNX-Index giảm 0,11 điểm (-0,13%) xuống 83 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 10,77 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 131,91 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, ITQ không còn giao dịch khủng như phiên trước khi lực cầu hấp thụ đã giảm sút. Tuy có thời điểm ITQ nhích nhẹ trên mốc tham chiếu nhưng do áp lực bán  khá lớn nên cổ phiếu này chủ yếu giao dịch trong sắc đỏ. Hiện ITQ giảm 600 đồng xuống 11.300 đồng/Cp với khối lượng khớp lệnh đạt 120.400 đơn vị.

KLF hiện là cổ phiếu thanh khoản lớn nhất sàn với khối lượng khớp lệnh đạt 3,32 triệu đơn vị. Tuy nhiên, cũng chịu áp lực bán khá lớn khiến KLF giao dịch trong sắc đỏ với mức giảm 300 đồng xuống 9.200 đồng/CP.

Nhóm cổ phiếu bluechip là lực đỡ chính giúp các chỉ số duy trì đà tăng nhẹ. Tuy nhiên, dòng tiền đang có xu hướng nghỉ lễ sớm khiến thanh khoản cạn kiệt, tổng giá trị trên cả hai sàn chưa tới 900 tỷ đồng.

Chốt phiên giao dịch sáng, toàn sàn HOSE có 91 mã tăng, 78 mã giảm và 73 mã đứng giá, chỉ số Vn-Index tăng 2,73 điểm (+0,49%) lên 564,97 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 42,23 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 683,32 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 1,23 triệu đơn vị, trị giá 30,46 tỷ đồng.

Trên sàn HNX có 58 mã tăng, 75 mã giảm và 66 mã đứng giám, chỉ số HNX-Index nhích nhẹ 0,02 điểm (+0,03%) lên 83,13 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 16,91 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 209,95 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể chỉ 3,57 tỷ đồng.

Trong khi VN30-Index tăng 3,53 điểm (+0,59%) lên 597,2 điểm với 16 mã tăng, 5 mã giảm và 9 mã đứng giá thì HNX30-Index tăng 0,12 điểm (+0,08%) lên 158,23 điểm với 11 mã tăng, 8 mã giảm và 9 mã đứng giá.

Các cổ phiếu bluechip hỗ trợ tích cho đà tăng của thị trường gồm PVD, GAS và VNM vẫn duy trì mức tăng như nửa đầu phiên sáng, đặc biệt phải kể đến sự bứt phá của HSG. Cổ phiếu HSG đã tăng 1.500 đồng (+4,02%) lên mức giá cao nhất trong phiên 38.800 đồng/CP.

Bên cạnh PVD và GAS, các cổ phiếu dầu khí nhỏ và vừa khác cũng diễn biến khá lình xình với mức tăng 100-200 đồng/CP. Thanh khoản của các cổ phiếu này cũng ở mức thấp, ngoại trừ PVD khớp hơn 930.000 đơn vị.

Cổ phiếu nổi bật nhất trong phiên sáng là DLG. Trong khi áp lực bán DLG khá cao thì lực cầu hấp thụ cũng tỏ ra không thua kém giúp cổ phiếu này giao dịch sôi động. Đóng cửa, DLG giảm nhẹ dưới mức tham chiếu một bước giá và khớp hơn 5 triệu đơn vị, đứng đầu thanh khoản trên sàn.

Các cổ phiếu đầu cơ khác cũng hoạt động kém hiệu quả hơn so với các phiên trước. FLC vượt qua mức tham chiếu với mức tăng nhẹ 100 đồng và khớp 2,78 triệu đơn vị. HAI, HQC cũng nhích nhẹ hoặc đứng giá với khơi lượng khớp lệnh lần lượt đạt 1,79 triệu đơn vị và 2,96 triệu đơn vị. Trong khi đó, OGC và ITA cùng đứng giá tham chiếu và chưa khớp tới 1 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, các cổ phiếu đang hỗ trợ giúp thị trường lấy lại sắc xanh nhạt là PVC, ACB, VCG, BVS…, tuy nhiên mức tăng cũng khá nhẹ. Trong khi đó, các cổ phiếu dầu khí cũng diễn biến lình xình, hầu hết đều đứng giá tham chiếu.

KLF vẫn duy trì vị trí đứng đầu thanh khoản với khối lượng khớp lệnh 3,9 triệu đơn vị. Tiếp đó, FIT cũng giao dịch trong sắc đỏ với khối lượng khớp đạt 1,87 triệu đơn vị.

Tâm điểm của phiên hôm qua là ITQ chỉ chuyển nhượng thành công 166.000 đơn vị và đà giảm giá cũng được hãm nhẹ với mức đóng cửa 11.500 đồng/CP, giảm 400 đồng/CP.

Tin bài liên quan