Phiên giao dịch sáng 21/7: Sức ép vẫn lớn

Phiên giao dịch sáng 21/7: Sức ép vẫn lớn

(ĐTCK) Sự dẫn dắt của các cổ phiếu bluechip đã giúp thị trường le lói sắc xanh khi mở cửa, tuy nhiên áp lực bán vẫn rất lớn khiến VN-Index quay đầu giảm điểm. Đáng chú ý, bộ ba KSB, TTF, DRH vẫn chưa tìm thấy "ánh sáng" khi vẫn rủ nhau giảm sàn.

Quyết định chính thức của UBCK cho phép VNM nới room lên tối đa 100% đã giúp cổ phiếu này tăng mạnh trong phiên hôm qua. Tuy nhiên, “ngôi sao lẻ bóng” VNM không đủ sức giúp thị trường có được sắc xanh trước áp lực bán tăng mạnh ở các nhóm cổ phiếu ngân hàng, thép, khoáng sản.

Đây là phiên giảm điểm thứ 2 liên tiếp và áp lực bán đang ngày càng lớn, khiến giới phân tích có cái nhìn không mấy lạc quan, hầu hết các nhận định của các công ty chứng khoán đều lo ngại về giai đoạn điều chỉnh sẽ tiếp tục kéo dài.

Theo BVSC, nhịp điều chỉnh sâu vẫn có thể tiếp diễn trong vài phiên tới, vùng hỗ trợ gần nhất của VN-Index hiện nằm tại 640-645 điểm.

Tuy nhiên, với những thông tin tích cực như nhà đầu tư nước ngoài mua ròng phiên thứ 10 liên tiếp, giá xăng dầu trong nước chính thức điều chỉnh chiều qua (20/7), cùng các thông tin hỗ trợ từ bên ngoai như giá dầu thô tăng trở lại, chứng khoán Âu Mỹ tiếp tục tăng mạnh, đặc biệt, chứng khoán Mỹ ghi nhận phiên tăng thứ 9 liên tiếp và lập đỉnh cao mới, thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào phiên giao dịch sáng 21/7 hồi phục khá tốt.

Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 2,46 điểm (+0,37%) lên 662,72 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 4,61 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 93,71 tỷ đồng.

Mặc dù tâm lý lo ngại khiến dòng tiền tham gia hạn chế nhưng sự dẫn dắt của các cổ phiếu bluechip với tâm điểm là VNM giúp thị trường giữ vững đà tăng điểm.

VIC sau 3 phiên giảm điểm liên tiếp đã hồi phục tích cực với mức tăng 2% lên 51.000 đồng/CP, cùng VNM hỗ trợ tốt cho đà tăng thị trường.

Sau 30 phút khởi sắc, áp lực bán gia tăng mạnh khiến thị trường thu hẹp đà tăng và đảo chiều giảm điểm, chỉ số VN-Index đánh mất mốc 660 điểm.

Trong khi đó, bộ 3 cổ phiếu TTF, KSB, DRH vẫn chưa thoát khỏi đà giảm mạnh.

Chiều qua, TTF đã tổ chức ĐHCĐ bất thường đã đề xuất phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để trả nợ cho Tân Liên Phát và tránh phụ thuộc hoàn toàn vào công ty này. Cuộc họp đã nhận khá nhiều phản ứng bức xúc của cổ đông xung quanh vấn đề “sai lệch nghiêm trọng” là gì, có lượng hóa được chưa, tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT TTF ông Võ Trường Thành vẫn chưa giải thích cụ thể về vấn đề này.

Tình trạng giảm sàn của cổ phiếu TTF vẫn tiếp diễn trong sáng nay. Sau gần 1 giờ giao dịch, TTF giảm 6,9% xuống mức giá sàn 35.200 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 34.520 đơn vị và dư bán sàn gần 400.000 đơn vị.

Trong khi đó, sau khi ông Võ Trường Thành thôi chức danh Chủ tịch HĐQT và không còn là thành viên HĐQT Công ty, KSB đã có công bố về việc bầu ông Phan Tấn Đạt giữ chức Chủ tịch HĐQT KSB từ ngày 20/7. Ông Đạt hiện là Tổng giám đốc của CTCP Đầu tư Căn nhà mơ ước (mã DRH) - cổ đông lớn sở hữu 20% vốn tại KSB. Tương tự, KSB vẫn chưa thoát khỏi tình trạng giảm sàn.

DRH, cổ phiếu có liên quan cũng trong trạng thái giảm mạnh và ghi nhận phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp. Với mức giảm 6,6%, DRH đang đứng ở mức giá sàn 63.500 đồng/CP và khớp 21.960 đơn vị.

Dù thị trường có hồi nhẹ nhưng lực cầu không đủ mạnh giúp Vn-Index lấy lại mốc tham chiếu và chốt phiên dưới mốc 660 điểm.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 136 mã giảm và 84 mã tăng, chỉ số Vn-Index giảm 0,78 điểm (-0,12%) xuống 659,48 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 64,69 triệu đơn vị, trị giá hơn 1.348 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt hơn 4 triệu đơn vị, trị giá 94,89 tỷ đồng. Vn30-Index giảm nhẹ 0,11 điểm xuống 645,04 điểm với 11 mã tăng, 10 mã giảm và 9 mã đứng giá.

Tương tự, sau những phút lóe sáng đầu phiên, HNX-Index đã lùi sâu dưới mốc tham chiếu và dao dịch lình xình quanh ngưỡng 84,5 điểm. Với 126 mã giảm và chỉ 62 mã tăng, chỉ số HNX-Index giảm 0,95 điểm (-1,11%) xuống 84,54 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 23,46 triệu đơn vị, trị giá 301,56 tỷ đồng. HNX30-Index giảm 2,55 điểm xuống 152,64 điểm khi có tới 20 mã giảm và chỉ 3 mã tăng.

Sau phiên tăng mạnh nhờ thông tin nới room lên 100%, VNM cũng chịu áp lực chốt lời và quay đầu giảm điểm. Tuy nhiên, đóng cửa, VNM đã lấy lại mốc tham chiếu 158.000 đồng/CP với giao dịch sôi động đạt 1,17 triệu đơn vị. Đây cũng là mã bị khối ngoại bán mạnh 748.300 đơn vị, chỉ đứng sau PDR bị bán ra 1 triệu đơn vị.

Thông tin giá dầu thô tăng giúp các mã dầu khí hồi phục, tuy nhiên, đà tăng còn khá hạn chế, cụ thể, cặp đôi PVD và GAS tăng tương ứng 1,1% và 1,6%.

Trong khi đó, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã lấy lại trạng thái cân bằng hoặc tăng nhẹ sau phiên bị bán mạnh hôm qua như BID, CTG, MBB, STB, tuy nhiên, cổ phiếu đầu ngành là VCB tiếp tục giảm sâu, với mức giảm 1.500 đồng (-2,7%) xuống mức giá 53.500 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu khoáng sản, khá nhiều mã tí hon tăng kịch trần như KHB, KSK, ACM, KSA. Trong đó, đáng chú ý, ACM sau chuỗi ngày nằm sàn kéo dài, Công ty đã lên tiếng giải trình về việc giảm sàn cùng hoạt động bán giải chấp gần 3,7 triệu cổ phiếu ACM của Tổng giám đốc Công ty, cổ phiếu này đã có phiên tăng trần thứ 2. Hiện ACM đứng ở mức giá 2.000 đồng/Cp, tăng 5,3% và khớp 51.200 đơn vị, dư mua trần 1,66 triệu đơn vị.

Bên cạnh TTF và DRH vẫn duy trì trạng thái giảm sàn cùng lượng dư bán sàn khá lớn thì KSB dù có thời điểm tăng tích cực nhưng cũng đóng cửa trong sắc xanh mắt mèo và ghi nhận phiên giảm sàn thứ 3 liên tiếp.

Trên sàn HNX như PVC, PVS, PVX tăng nhẹ, tuy nhiên, trước sức ép bán ra, các cổ phiếu lớn khác như NTP, LAS, ACB, SHB, VCG… đều quay đầu giảm mạnh đã tạo gánh nặng lên thị trường.

Thanh khoản suy giảm đáng kể nhưng vẫn tập trung chủ yếu vào các mã đầu cơ. Cụ thể, trên HOSE, FIT dẫn đầu thanh khoản với lượng khớp 3,31 triệu đơn vị; tiếp theo đó, KSA khớp hơn 3 triệu đơn vị, FLC khớp 2,58 triệu đơn vị… Trên HNX, SCR có khối lượng khớp lệnh lớn nhất đạt hơn 2,9 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan