Phiên giao dịch sáng 21/12: SAB chưa ngừng rơi, VN-Index suýt mất điểm

Phiên giao dịch sáng 21/12: SAB chưa ngừng rơi, VN-Index suýt mất điểm

(ĐTCK) Dù rất nỗ lực, nhưng SAB tiếp tục giảm sâu trong phiên sáng nay, khiến VN-Index suýt mất điểm, nếu không có sự hỗ trợ của VNM, VIC, GAS.

Trong phiên giao dịch hôm qua, VN-Index đã hồi phục trở lại sau phiên giảm trước đó. Tuy nhiên, đà tăng của VN-Index bị hãm lại khá mạnh về cuối phiên khi VNM đảo chiều giảm, trong khi SAB vẫn tiếp tục có phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp sau kết quả đấu giá thành công.

Dù vậy, điểm tích cực là dòng tiền vẫn chảy mạnh vào thị trường, giúp thanh khoản vẫn duy trì ở mức cao. Đáng chú ý trong phiên hôm qua là sự nổi sóng của nhóm cổ phiếu dầu khí khi hàng loạt mã tăng mạnh, trong đó có nhiều mã thị giá vừa và nhỏ tăng trần.

Ngoài ra, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng chính là trợ lực giúp VN-Index thoát khỏi sắc đỏ trong phiên thứ Tư.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay, nhóm dầu khí nhiều mã quay đầu, trong khi đà tăng của nhóm ngân hàng cũng không còn lớn, khiến VN-Index rung lắc ngay từ đầu phiên.

Dù vậy, sắc xanh của VNM và đà tăng tốt của VIC, GAS, giúp VN-Index đang tạm có được sắc xanh, nhưng đà tăng không vững khi SAB đang giảm mạnh, ROS sau 2 phiên tăng mạnh đã quay đầu giảm.

Trong đó, sau 2 phiên giảm sàn, khiến tỷ phú Thái Lan mất 18.042 tỷ đồng sau 2 ngày đấu giá mua 343,66 triệu cổ phiếu SAB với giá 320.000 đồng, cổ phiếu SAB tiếp tục giảm mạnh trong phiên sáng nay và có lúc đà lùi về sát mức sàn 248.900 đồng (giá sàn 248.800 đồng), sau đó hồi trở lại, nhiều khả năng sẽ về được mốc tham chiếu.

Trong khi đó, trên HNX, với sự hỗ trợ của các mã lớn như ACB, SHB, PVS, VGC, chỉ số HNX-Index có sắc xanh ngay từ đầu phiên và duy trì đà tăng tốt.

Sau khi vượt qua ngưỡng 955 điểm, dòng tiền bất ngờ tăng mạnh, VN-Index định test lại ngưỡng 960 điểm, nhưng dường như tâm lý thị trường vẫn còn chút do dự, thanh khoản giảm mạnh so với phiên hôm qua, cùng việc cổ phiếu dầu khí đã không còn duy trì đà tăng như cuối phiên hôm qua và áp lực chốt lời xuất hiện tại một số nhóm cổ phiếu đã khiến chỉ số hạ dần độ cao và xuống tham dưới tham chiếu.

Trong đó, sau khi hồi phục về sát mốc tham chiếu, áp lực bán tiếp tục khiến SAB quay đầu giảm sâu, là một trong những tác nhân chính khiến VN-Index hạ thấp độ cao trong những phút cuối phiên.

Chốt phiên sáng 21/12, sàn HOSE có 125 mã tăng và 121 mã giảm, VN-Index tăng 0,82 điểm (+0,09%) lên mức 954,33 điểm, với khối lượng giao dịch đạt 97,2 triệu đơn vị, giá trị 2.665 tỷ đồng, giảm tới 25% về lượng và giảm 14,5% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận có hơn 15,3 triệu đơn vị, giá trị hơn 255 tỷ đồng.

Top 10 nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường, SAB tuy không nằm sàn như phiên hôm qua, nhưng cũng giảm mạnh 5,4% xuống 253.000 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh hơn 410.000 đơn vị.

Ngoài SAB, nhóm này chỉ còn 2 mã giảm nhẹ là VCB và BID. VCB chốt phiên giảm 0,31% xuống 48.500 đồng/cổ phiếu, khớp gần 750.000 đơn vị; BID giảm 0,61% xuống 24.350 đồng/cổ phiếu, khớp hơn 688.000 đơn vị.

Các mã tăng tốt có cặp đôi VIC, VRE và GAS. Trong đó, VIC tăng 1,9% lên 74.900 đồng/cổ phiếu, khớp hơn 1 triệu đơn vị, VRE thậm chí còn tăng tới 4,7% lên 47.950 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh 2,15 triệu đơn vị; GAS tăng 2,06% lên 94.000 đồng/cổ phiếu, khớp hơn 332.000 đơn vị.

Còn lại đều tăng nhẹ hoặc đứng tham chiếu như VNM tăng 0,35%, PLX tăng 0,71%, trong khi CTG và MSN đứng tham chiếu.

Nhóm cổ phiếu dầu khí hôm qua nổi sóng nhưng phiên sáng nay đã phân hóa mạnh, sắc xanh chỉ còn ở một số mã ngoài GAS, PLX nêu trên chỉ còn thêm PVT, PVX, PVS, PVB… Trong đó, PVS có hơn 6,89 triệu đơn vị được khớp lệnh, tăng 1,4% lên 22.300 đồng/cổ phiếu.

Còn lại đều giảm, thậm chí nhiều mã nằm sàn như PVD, PVB, PVC…

Ở nhóm VN30, ngoài SAB, thì đóng vai trò là lực hãm chỉ số còn có ROS, MWG, DPM, NT2, một vài mã bị chốt lời như SSI, PVD, KBC cùng 2 cổ phiếu ngân hàng thuộc top vốn hóa lớn là VCB và BID nêu trên.

Trong đó, ROS giảm 4,1% xuống 160.600 đồng/cổ phiếu, khớp gàn 2 triệu đơn vị; MWG giảm 1,9% xuống 130.500 đồng/cổ phiếu, khớp gần 500.00 đơn vị; KBC giảm 1,1% xuống 13.600 đồng/cổ phiếu, khớp hơn 1 triệu đơn vị, SSI giảm nhẹ 0,2% xuống 27.950 đồng/cổ phiếu, khớp hơn 1,94 triệu đơn vị; PVD giảm 0,4% xuống 23.600 đồng/cổ phiếu, khớp 1,67 triệu đơn vị.

Trong khi đó, lực đẩy hõ trợ cho VN-Index tại nhóm này ngoài VIC, VNM, còn có MBB, HPG khi 2 cổ phiếu này có thanh khoản tốt nhất nhóm, lần lượt 4,1 triệu đơn vị và 3,6 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, do thanh khoản sụt giảm khá nhiều về khối lượng, nên một số mã khớp lệnh cao quen thuộc như FLC, AMD, ASM, HQC, SCR...trong phiên sáng nay cũng sụt giảm mạnh.

FLC thậm chí chỉ có hơn 1,97 triệu cổ phiếu được sang tay, đứng thứ 8 trên sàn HOSE và cùng với ASM đứng tham chiếu khi chốt phiên, ASM khớp cũng chỉ có hơn 2 triệu đơn vị.

DXG hôm nay là mã dẫn đầu thanh khoản, nhưng cũng chỉ có hơn 4,9 triệu đơn vị được khớp, chốt phiên tăng 1,2% lên 20.750 đồng/cổ phiếu.

Những mã giữ được sắc xanh và có trên 1 triệu đơn vị được khớp chỉ có FIT, HAR.

Trong khi kết phiên giảm có HAG, khớp 2,58 triệu đơn vị; HQC khớp 1,78 triệu đơn vị; IDI khớp 1,13 triệu đơn vị; ITA khớp hơn 1 triệu đơn vị; HNG và SCR khớp gần 1 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, thanh khoản hôm nay chỉ giảm nhẹ so với phiên sáng qua, nhưng lực mua vẫn trụ vững lại các mã PVS, SHB và ACB đã giúp HNX-Index có thêm một phiên tăng điểm.

Cụ thể, chốt phiên, sàn HNX có 46 mã tăng và 70 mã giảm, HNX-Index tăng 0,36 điểm (+0,32%), lên 114,31 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 30,93 triệu đơn vị, giá trị 490,48 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,02 triệu đơn vị, giá trị 206,4 tỷ đồng.

PVS như đã nêu trên, tăng 1,4% lên 22.300 đồng/cổ phiếu, có hơn 6,89 triệu đơn vị được khớp lệnh và là cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất sàn HNX. SHB khớp hơn 4,85 triệu đơn vị, tăng 1,1% lên 9.300 đồng/cổ phiếu; ACB tăng 0,9% lên 35.100 đồng/cổ phiếu, khớp hơn 3,07 triệu đơn vị.

Đây cũng là 3 mã duy nhất trên HNX có khối lượng khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị.Dưới 1 triệu đơn vị, có một số cổ phiếu đáng chú ý như SPI, ACM, HVA khi đều tăng trần, trong đó SPI khớp hơn 870.000 đơn vị, ACM khớp hơn 500.000 đơn vị, HVA thì chỉ có 370.000 đơn vị sang tay.

Một số nhóm cổ phiếu giảm hoặc đứng tham chiếu có MST (nằm sàn), VCG, HUT, PVC, KLF, SHS, SHN, VGC, PVX...

Trên sàn UpCoM,  do thanh khoản cũng sụt giảm, nên diễn biến sàn này cũng không có quá nhiều điểm đáng chú ý, tuy nhiên việc LPB rung lắc mạnh cũng đã khiến chỉ số chịu áp lực nhất định, nhưng may mắn đóng cửa cũng có được sắc xanh nhạt.

Cụ thể, LPB giảm 0,8% xuống 13.100 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh cao nhất sàn nhưng cũng chỉ có hơn 626.000 đơn vị.

Trong khi đó, HVN, GEX tiếp tục tăng nhưng cũng chỉ có hơn 450.000 cổ phiếu được sang tay, lần lượt tăng 2,1% và 2%.

Còn lại những mã quen thuộc như ART, DVN, TOP, SBS...chỉ có trên dưới 100.000 đơn vị được khớp.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng nhẹ 0,01% lên mức 54,57 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,45 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 56,22 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,24 triệu đơn vị, giá trị 40,58 tỷ đồng.

Tin bài liên quan