Phiên giao dịch sáng 21/1: Tích lũy chờ thông tin

Phiên giao dịch sáng 21/1: Tích lũy chờ thông tin

(ĐTCK) Thị trường vẫn trong trạng thái giằng co cân bằng giữa bên bán và bên mua, với sự phân hóa rõ nét theo thông tin kết quả kinh doanh quý IV/2014 và chờ đợi những yếu tố mới xuất hiện.

Trong phiên giao dịch ngày 20/1, thị trường tiếp tục diễn ra tình trạng giao dịch tích cực trong phiên sáng và suy yếu dần trong phiên chiều. Tuy vậy, điểm tích cực là nhóm cổ phiếu trụ có sự hồi phục trở lại giúp VN-Index tăng điểm nhẹ, lên vùng hỗ trợ 570 điểm.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay, đà tăng được duy trì trên cả hai sàn. Trạng thái giằng co cân bằng giữa bên bán và bên mua. Thị trường đang diễn biến tích lũy cầm chừng với sự phân hóa rõ nét tùy theo thông tin kết quả kinh doanh quý IV/2014 và chờ đợi những yếu tố mới xuất hiện.

Kết thúc đợt 1, chỉ số VN-Index tăng 1,32 điểm (+0,23%) lên 573,54 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 1,71 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị 24,17 tỷ đồng.

Sau 30 phút giao dịch trong phiên khớp lệnh liên tục, xu hướng thị trường không có nhiều thay đổi. Thanh khoản và điểm số tăng nhẹ.

Trong đó, những mã duy trì đà tăng cho chỉ số của sàn: VIC, BVH tăng 100 đồng; VNM tăng 1.000 đồng; PVT tăng 300 đồng; FPT tăng 600 đồng. Trong khi một số mã trụ khác như GAS, MSN, MBB đứng giá.

Chiều qua, Sở GDCK TP. HCM (HOSE) đã có thông báo thay đổi danh mục cổ phiếu trong rổ VN30 kỳ 1/2015. Theo đó, 2 mã ngân hàng là EIB và CTG sẽ ra khỏi rổ, thay vào đó là 2 cổ phiếu KBC của Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc và HVG của Tổng CTCP Hùng Vương.

Trong phiên giao dịch sáng nay, cả EIB và CTG đều đang đứng tham chiếu, trong khi KBC và HVG cùng tăng 100 đồng.

Thời điểm hiện tại cũng còn cách không xa thời gian Thông tư 36 sẽ chính thức áp dụng (1/2/2015), nên có lẽ vì thế mà nhóm cổ phiếu ngân hàng đã giao dịch khá cầm chừng sau khi có diễn biến tăng khá thời gian trước đó.

Với nhóm chứng khoán, với kết quả kinh doanh khả quan đang dần được công bố, đang là điểm đến của dòng tiền và có khả năng trở thành mã dẫn dắt thị trường như SSI, VIX, VND…

Trên HNX, đến 9h50, chỉ số HNX_Index tăng 0,25 điểm (+0,29%) lên 85,24 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 8 triệu cổ phiếu, trị giá 95,33 tỷ đồng.

Số mã tăng vẫn chiếm áp đảo với 82 mã tăng trên 32 mã giảm, trong đó, những mã dẫm dắt như VND tăng 100 đồng; PVX, ACB, SHB tăng 100 đồng; KLS, SCR, KLF đứng giá.

Đà tăng của thị trường chỉ giữ được trong hơn 1 tiếng giao dịch buổi sáng. Các chỉ số trên sàn bất ngờ đảo chiều, với số mã giảm điểm tăng áp đảo so với mã tăng. Tuy nhiên, kịch bản cũ lại lập lại, đó là, áp lực bán chốt lời xuất hiện khá mạnh tại các thời điểm thị trường có dấu hiêu hồi phục; nhưng lực cầu giá thấp luôn thường trực hỗ trợ thị trường tại những nhịp chùng xuống trong phiên. Điều này khiến thị trường liên tục giằng co quanh mốc tham chiếu, các chỉ số không giảm quá sâu, nhưng cũng không thể bứt mạnh qua tham chiếu.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 0,84 điểm (+0,15%) lên 573,06 điểm. Tuy nhiên, thanh khoản ở mức rất thấp, chỉ đạt 771 tỷ đồng. Trong đó, có đến 223,6 tỷ đồng là giao dịch thỏa thuận, mà phần lớn đều là thỏa thuận của MSN (với 2,11 triệu cổ phiếu, trị giá 176,2 tỷ đồng).

Một trong những yếu tố giúp VN-Index tăng trở lại đến từ GAS khi mã này tăng 500 đồng lên mức giá 78.000 đồng/cp, sau khi lình xình dưới tham chiếu gần như toàn bộ thời gian phiên sáng.

Ngoài GAS, còn có MSN tăng 500 đồng; VNM tăng 1.000 đồng và VIC tăng 100 đồng; FPT tăng 600 đồng…

Về thanh khoản, ngoài FLC với khối lượng khớp được trên 4 triệu cổ phiếu, các mã có thanh khoản tốt nhất HOSE là DLG, KMR, OGC, ITA, MBB, BID, PVT đều chỉ khớp được trên 1 triệu cổ phiếu.

Trên HNX, chỉ số HNX-Index cũng kịp lấy lại sắc xanh trước khi thị trường nghỉ giữa phiên với sự hỗ trợ nhiều từ nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Theo đó, HNX-Index tăng 0,03 điểm (+0,03%) lên 85,02 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 21,77 triệu cổ phiếu, trị giá 269,64 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu đầu cơ đang có sự phân hóa, trong khi VND, PVX, KLF giữ được nhịp tăng thì PVS, PVC, ACB, SHS giảm, trong khi SCR, KLS, SHB, đứng giá.

Với thanh khoản yếu, tổng giá trị giao dịch toàn thị trường chỉ đạt hơn 1.000 tỷ đồng, lực tăng mới chỉ xuất hiện rải rác ở những cổ phiếu có thông tin tốt về kết quả kinh doanh, mà chưa có động lực lan tỏa sang cho cả một nhóm ngành, có lẽ là chưa đủ để tạo lên một nhịp tăng vững cho thị trường.

Tin bài liên quan