Phiên giao dịch sáng 20/2: Tay to xả hàng, thanh khoản đạt kỷ lục

Phiên giao dịch sáng 20/2: Tay to xả hàng, thanh khoản đạt kỷ lục

(ĐTCK) Sau khi kéo VN-Index lên sát mốc 585 điểm, lực xả hàng theo lô lớn và ồ ạt được tung vào, khiến thị trường lao dốc mạnh. May nhờ nhóm ngân hàng, nên đà rơi của VN-Index được hãm lại.
Sau khi biên bản cuộc hợp mới nhất của FED được công bố, thị trường chứng khoán Mỹ đã hứng chịu đợt bán tháo và lao dốc mạnh vào cuối phiên. Cùng với đó, thị trường chứng khoán châu Âu, thị trường chứng khoán Nhật Bản cùng với giá vàng cũng đã đua nhau kéo giảm.

Quay lại thị trường chứng khoán Việt Nam, với nhận định của hầu hết các CTCK rằng thị trường sẽ tiếp tục xu thế tích cực trong ngắn hạn, tuy nhiên, những rung lắc mạnh có thể sẽ xuất hiện do các chỉ số đang bị thử thách bởi áp lực chốt lời sớm.

Diễn biến phiên giao dịch sáng nay khá đúng với nhận định trên, chỉ số VN-Index đã bật tăng mạnh và lao nhanh gần chạm ngưỡng 585 điểm. Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 1,52 điểm (+0,26%) lên 579,64 điểm với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 63 tỷ đồng.

Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, nhóm cổ phiếu bluechip gồm BVH, HAG, HPG, HSG, PVD, SSI, VIC… đang giao dịch dưới mốc tham chiếu, tuy nhiên lực cản không đủ lớn so với đà tăng của GAS, MSN, VNM, cùng nhóm cổ phiếu ngân hàng như BID, CTG, MBB và VCB khiến VN-Index tiếp tục bay xa hơn. Tại thời điểm 10h, chỉ số VN-Index tăng 5,14 điểm (+0,89%) lên mức 583,26 điểm.

Tuy nhiên, sau 10h, khi VN-Index được kéo lên sát mốc 585 điểm thì bất ngờ lực xả hàng lô lớn và ào ạt được tung ra, khiến chỉ số VN-Index lao dốc. Đến 10h30, chỉ số VN –Index chính thức chuyển sắc đỏ. Nhóm cổ phiếu giảm điểm đã chiếm ưu thế hơn bởi 155 mã giảm và 64 mã tăng điểm.

Nhìn vào lực xả với lượng mạnh, dứt khoát và gần như có chủ tính từ trước, có thể đây là lực xả từ các nhà đầu tư lớn.

Sau đó, nhờ lực cầu đỡ giá tốt ở các mã large cap và nhóm ngân hàng, VN-Index dần hồi phục trở lại và chuyển dần sáng màu xanh.

Thế nhưng, sắc xanh không giữ được lâu trước áp lực chốt lời diễn ra trên diện rộng. Đóng cửa phiên sáng, VN-Index lùi về mốc 577,45 điểm, giảm 0,67 điểm (-0,12%).

Còn trên HNX, chỉ số HNX-Index cũng chịu cảnh đổ dốc như VN-Index, nhưng thời gian sau đó của phiên không thể ngoi lại qua mốc tham chiếu. 

Chốt phiên, HNX-Index giảm 1,03 điểm (-1,25%) xuống 81,3 điểm với tổng khối lượng khớp lệnh đạt 78,3 triệu đơn vị, trị giá hơn 761 tỷ đồng.

Phiên chốt lời ồ ạt giúp thanh khoản thị trường tăng lên mức cao nhất trong nhiều tháng nay. Kết thúc phiên sáng, tổng khối lượng giao dịch trên HOSE đạt tới 130,7 triệu đơn vị, giá trị 1.973 tỷ đồng.  Sàn HNX cũng có tới 78,3 triệu đơn vị được chuyển nhượng, giá trị 761 tỷ đồng. Giao dịch trên 2 sàn chủ yếu là ở phiên khớp lệnh, giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

Nếu không có các mã large cap như GAS, MSN, VNM và nhóm cổ phiếu ngân hàng, thị trường còn giảm sâu hơn.

Như đã đề cập ở các phiên trước, cổ phiếu ngân hàng nhận được thông tin hỗ trợ tích cực khi người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ sửa Thông tư 02 theo hướng, theo hướng giữ nguyên nhóm nợ đối với “những khoản vay tốt”. Trước đó, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ cho biết, nhiều khả năng lãi suất cho vay sẽ hạ 1-2% trong năm nay. Cùng với thông tin tín dụng có khả năng tăng mạnh… chính là những thông tin tốt hỗ trợ cổ phiếu ngân hàng.

Mã ngân hàng bắt nhịp nhanh với thông tin trên là SHB khi đã có 2 phiên tăng mạnh trước đó. Phiên hôm nay, khi SHB điều chỉnh, thì các cổ phiếu ngân hàng khác trên HOSE lại bắt nhịp để đồng loạt tăng mạnh như CTG, BID, EIB, MBB.

Nhóm cổ phiếu bất động sản chỉ còn một vài mã nhỏ duy trì được sắc tím, còn lại đều đã quay đầu giảm điểm trước áp lực chốt lời gia tăng.

KBC sau 2 phiên bay cao cùng thông tin kết quả kinh doanh đã lùi về mốc tham chiếu trong phiên sáng nay với 2,15 triệu đơn vị được chuyển nhượng, trong đó nhà đầu tư nước ngoài đã mua vào gần 920.000 đơn vị, chiếm 42,87% tổng khối lượng khớp trên thị trường.

Trên HNX, diễn biến giao dịch của PVX gây chú ý khi mã này đi ngược với xu hướng của thị trường và có thời điểm được kéo trần, nhưng chốt phiên chỉ đứng ở mức giá 3.800 đồng/CP, tăng nhẹ 100 đồng, với 11,16 triệu đơn vị được khớp.

Các cổ phiếu có vốn hóa như SHB, SCR, VCG,… cùng các mã thuộc nhóm chứng khoán như KLS, SHS, VND, BVS, APS, VIG có khối lượng khớp lệnh khá cao, nhưng giá chỉ dao động ở dưới mức tham chiếu.

SHN mặc dù vẫn tăng điểm nhưng giá cổ phiếu đã được kéo xuống mức thấp nhất trong phiên, đạt 5.800 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công hơn 4,4 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan